Năm mới bạn trẻ nên kiên nhẫn hơn?

01/01/2018 15:29 GMT+7

Còn 3 giây nữa đèn đỏ mới chuyển sang xanh, thế nhưng nhiều người đã nôn nóng bấm còi và vượt, một minh chứng cho việc thiếu kiên nhẫn ở nhiều người, trong đó có một số bạn trẻ.

Trương Quỳnh Anh, 28 tuổi, cô gái làm nhân viên của một ngân hàng tại Hà Nội cho biết: “Tôi từng hét lên, anh không thấy đèn vẫn đỏ à khi bị giục đi đi. Tuy nhiên, không ít lần tôi bị nghe quát đến phát sợ và đành né sang một bên cho ai thích đi thì đi”.
Không thể kiên nhẫn chờ đèn chuyển màu xanh, hoặc phóng thật nhanh khi đèn đã sang màu đỏ là hiện tượng quá phổ biến ngoài đường phố. Chúng tôi, trong cuộc sống đời thường cũng bắt gặp nhiều người trẻ không xếp hàng khi thanh toán ở siêu thị, rút tiền ngoài cây ATM hay chờ đổ xăng.
Thậm chí, xếp hàng để tới lượt check in hay kiểm tra an ninh ngoài sân bay cũng khiến nhiều người trẻ khó chịu.
“Họ cố tình nhìn vào màn hình điện thoại để coi như mình không để ý, sau đó thì lấn hơn người đi trước, nhanh hơn vài giây thì được gì, thế nhưng vẫn thích vượt”, anh Hải Anh, một người kinh doanh thường xuyên phải bay giữa Hà Nội và TP.HCM lên tiếng.
Khó chịu khi mục tiêu mình đặt ra chưa thành công, sớm có suy nghĩ bỏ cuộc, đó cũng là một biểu hiện cho sự thiếu kiên nhẫn chúng tôi thường thấy.
P.A là một chàng trai sinh năm 1994 cao ráo, khuôn mặt dễ nhìn và khá nhanh nhẹn, anh là thực tập sinh trong một công ty về sản xuất sản phẩm đồ họa nhiều năm nay, tuy nhiên P.A vẫn chưa thể trở thành nhân viên chính thức vì lãnh đạo muốn thử thách anh nhiều hơn.
Thay vì cố gắng nhiều hơn và khẳng định bản thân, P.A hay than vãn với gia đình, bạn bè và nói xấu công ty của anh. Thời gian trôi qua, công việc của P.A không có nhiều triển vọng hơn, vị trí của anh cũng chưa được thăng tiến. Giá như P.A kiên nhẫn hơn?
Trong những bài phỏng vấn những nhân vật khởi nghiệp của mình, chúng tôi ghi nhận được một mẫu số chung của những bạn trẻ khởi nghiệp thành công, đó là lòng kiên nhẫn.
Một chàng trai từng là đồng sáng lập của dự án giải pháp thông minh cho nông nghiệp sạch từng bỏ Sài Gòn lên Lâm Đồng trồng chè, rồi về Thừa Thiên-Huế nuôi cá tôm trồng rừng ngập mặn, bởi muốn quê hương sẽ giàu có hơn. Anh không phải tỉ phú về tiền bạc, nhưng là tỉ phú của kinh nghiệm, của những mối quan hệ, của sự hiểu biết và lòng kiên nhẫn. Anh từng nói với chúng tôi, “Đợi chờ là hạnh phúc. Hạnh phúc với tôi là cả một hành trình, không là đích đến”.
Vũ Thị Ly, 23 tuổi, đang là đồng sáng lập, giám đốc marketing công ty VELA về tinh dầu; Giá đốc marketing tại công ty ULSO về phần mềm công nghệ; nhà sáng lập và giám đốc điều hành hệ thống thời trang nam tại Hà Nội chia sẻ, cô từng trải qua nhiều công việc, nhiều buổi làm việc đến 1, 2 giờ sáng để có vị trí như ngày hôm nay, từ người làm thị trường cho một công ty viễn thông, tới nhân viên bán hàng qua điện thoại (telesales)…
“Tôi thấy các bạn trẻ hiện nay thiếu về kỹ năng mềm, thường mắc bệnh 'hứng một phút' kiểu như: em làm được cái này, cái kia, em chấp nhận, em quyết tâm, em sẽ học hỏi, gương mặt rất cương nghị trong một phút khi ứng tuyển. Nhưng khoảng 1-2 tuần sau khi làm việc thì lại khác, các bạn không tôn trọng lời nói của bản thân mình”, Ly chia sẻ.
Năm mới 2018 đến rồi, bạn có nên nhìn lại bản thân và học thói quen biết kiên nhẫn và cố gắng không ngừng nghỉ?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.