Nam Ô - Ngôi làng huyền sử bên chân sóng: Bí ẩn ngôi mộ 'tiền hiền triệu cơ'

12/09/2022 06:41 GMT+7

Người dân Nam Ô tin rằng, vị tiền hiền của làng là một võ tướng trung dũng đã nằm lại trong trận huyết chiến với quân Chiêm Thành để Huyền Trân công chúa trở lại Đại Việt an toàn.

Dù câu chuyện được truyền từ đời này sang đời khác song đó vẫn là điều bí ẩn của lịch sử.

“Vu kim tồn tại giang sơn”

Mùa này ở mỏm Hạc làng Nam Ô nước biển dâng cao, cũng không phải mùa rêu nên du khách đến đây ngoài ngắm cảnh đa số đều tìm đến mộ “tiền hiền triệu cơ” để thăm viếng. “Tôi là người dân từ TP.HCM ra Đà Nẵng tham quan. Qua sách báo, được biết Nam Ô có một ngôi mộ tuy không phải là di tích được xếp hạng nhưng độc đáo ở chỗ nấm mộ rất “khủng” nên tôi đến để tìm hiểu”, chị Nguyễn Thị Ngân (một du khách) cho biết. Không khó để tìm thấy ngôi mộ, vì chỉ cách mỏm Hạc chừng 200 m về hướng bắc và cách mép nước biển chỉ vài chục mét. Mộ có nấm với đường kính khoảng 5 m, trước có nhà bia đề chữ Tiền hiền chi mộ.

Mộ “tiền hiền triệu cơ” được người dân làng Nam Ô tôn sùng là tiền hiền mở cõi

HOÀNG SƠN

Như trong bài trước Thanh Niên đã đề cập đến giai thoại năm 1307, tướng nhà Trần là Trần Khắc Chung khi đưa được Huyền Trân công chúa thoát khỏi lễ hỏa thiêu theo chồng là vua Chiêm Thành Chế Mân đã trú chân tại mỏm Hạc - Nam Ô. Tiếp tục giai thoại này, người dân địa phương vẫn còn lưu truyền câu chuyện, sau khi Huyền Trân công chúa từ mỏm Hạc xuống thuyền nhẹ ra đến thuyền lớn đợi ở ngoài khơi hồi cố quốc an toàn, có một vị tướng nhà Trần cùng toán quân đã anh dũng hy sinh trong trận chiến cầm chân quân Chiêm Thành. Tương truyền, sau khi tử trận, dân bản địa đã chôn cất tử tế vị tướng quân cạnh chân tháp Chăm Trà Vương (phế tích tháp Xuân Dương ngày nay).

Những bậc cao niên trong làng lần lượt qua đời nên không nhiều người còn biết ngôi mộ chôn cất ai và có tự bao giờ. Chỉ biết rằng vào ngày 24.6 âm lịch hằng năm, tại đình làng, trước bài vị có sắc tứ Tiền hiền triệu cơ chư tiên linh thần vị, dân làng Nam Ô tổ chức lễ giỗ tiền hiền rất long trọng.

Ông Lê Thanh Long (68 tuổi) kể từ lâu đã nghe nhiều cụ già trong làng nhắc đến “lai lịch” ngôi mộ có liên quan đến cuộc giải cứu Huyền Trân công chúa. Và vị tướng được những cư dân Đại Việt nam tiến trong những năm trở về sau tôn thờ là “tiền hiền triệu cơ”, được các cụ già trong làng dịch là tiền hiền mở cõi.

Với niềm tin vị tướng quân cũng chính là vị tiền hiền nên từ xa xưa, người làng Nam Ô đã lập 2 câu đối và tạc ghi công đức trước mộ: “Hóa công lưu nghiệp thiên thu tại/ Ba huệ khai cơ vạn cổ tồn”. Hay trong bài văn tế mộ tiền hiền có 2 câu Tự cổ tham phò khanh tướng/ Vu kim tồn tại giang sơn (tạm dịch: Từ xưa đã tham phò khanh tướng/ Đến nay còn lại với núi sông).

Bia đá trước mộ cho biết, mộ tiền hiền được tôn tạo vào năm Minh Mạng thứ 6, năm Ất Dậu (1825)

Khắc khoải những nỗi niềm

Người am hiểu sử làng Nam Ô lại rành chữ Hán như ông Đặng Dùng (72 tuổi) giờ thật hiếm. Nhờ những hiểu biết của ông mà trong quá trình tìm tư liệu về tiền hiền của làng Nam Ô, tôi có thêm nhiều cứ liệu về vị tướng tạm gọi “vô danh” này. Ông Dùng cho biết, nỗi lòng bi tráng của vị tiền hiền mở cõi được khắc họa sâu sắc ở 2 câu trong bài văn tế vào lễ tế hằng năm: “Cổ vân lôi ư, tam cấp vũ môn, ninh kiến hà trừng thiên lý/ Chiêm phong lãng ư, kỷ trùng hoàng hải, vĩnh khang thốn tức thôn kình” (phỏng dịch: Mây sấm xưa hử, qua mấy màn mưa, lặng nhìn thấy đâu ngoài thiên lý/ Sóng gió Chàm hừ, lòng chồn nhớ nước, vẫn kiên gan chờ nuốt kình ngư).

“Thật là phù hợp hoàn cảnh của vị tướng đã hy sinh cho sứ mệnh cao cả lúc bấy giờ và hiển linh nằm lại bên vùng sông nước Nam Ô cho tới ngày nay. Các cụ thông kinh sử trong làng ngày xưa thường ví sự nằm lại của ngài “tiền hiền triệu cơ” như một gạch nối trong diễn trình Nam tiến cam go của dân tộc mà suốt nhiều thế kỷ về sau mới hoàn thành”, ông Dùng trầm tư, “Huân nghiệp của vị tướng ngày đó sử sách không ghi một dòng, sự hy sinh cao cả cũng như một chiến sĩ vô danh. Chính sự vô danh này mà nhiều lần các tộc họ có thế lực trong làng muốn giành tiền hiền mang họ mình, nhưng đâu có thể, vì truyền thuyết đã ăn sâu vào dân gian hình thành nên huyền sử”.

Nhiều tài liệu ghi chép, mộ được trùng tu, tôn tạo vào các năm 1965 và năm 1993 bằng vật liệu gạch xi măng, thay thế đá và vôi vữa có niên đại từ thời Minh Mạng thứ 6, năm Ất Dậu (1825) như bia đá hiện hữu trong nhà bia. Ông Dùng bảo, hiện người dân đã góp tiền trên dưới 100 triệu đồng để chờ trùng tu ngôi mộ cho sáng sủa trước thực trạng xuống cấp, u buồn bên bãi biển sau hơn 30 năm tu bổ. Ở tuổi gần đất xa trời, ông Đặng Dùng chỉ mong mỏi ngành chức năng sớm xếp hạng di tích đối với ngôi mộ có nhiều ý nghĩa này để thêm điều kiện tu bổ.

Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, cho hay mộ tiền hiền Nam Ô hiện nằm trong khu vực của một khu du lịch. Phía doanh nghiệp có thành ý và đã trả lại toàn bộ diện tích 7 di tích trong cụm di tích mới được công nhận là di tích cấp thành phố (năm 2020) và nay mong mỏi được tôn tạo, trùng tu toàn bộ ngôi mộ này. “Ngôi mộ gắn liền với lịch sử mở cõi Nam Ô. Cả người dân lẫn doanh nghiệp đều tôn thờ, trân quý để cùng tu bổ ngôi mộ thì còn giá trị hơn cả việc xếp hạng di tích. Sự phát huy giá trị bền vững nhất là khi có được sự chung tay của cả cộng đồng, cùng đứng ra gánh vác, cùng chăm lo cho di tích”, ông Thiện nói.

(còn tiếp)

Nam Ô - Ngôi làng huyền sử bên chân sóng

Theo dấu tích 'hải đăng' của người Chăm

Kỳ lạ nơi dày đặc giếng Chăm

Linh thiêng mỏm Hạc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.