Nam Ô - Ngôi làng huyền sử bên chân sóng: Cuộc lưu lạc ly kỳ của khẩu thần công

13/09/2022 06:16 GMT+7

Trong khi đa số thần công được phát hiện đều nằm bên trong hoặc khu vực lân cận di tích quốc gia đặc biệt thành Điện Hải, thì khẩu thần công bằng đồng duy nhất của TP. Đà Nẵng lại được tìm thấy ở khu vực gần làng cổ Nam Ô. Hành trình lưu lạc của khẩu thần công này đến nay vẫn là một ẩn số…

Di sản độc đáo dưới cát biển

Năm 2019, giới nghiên cứu lịch sử miền Trung phấn khích trước việc khẩu súng thần công bằng đồng của triều Nguyễn phát lộ trên bờ biển Nam Ô - Xuân Thiều sau hơn 160 năm kể từ những buổi đầu kháng liên quân Pháp - Tây Ban Nha. Ngay sau đó, nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Trung Tiến đã có bài viết Khảo về súng Thần công bằng đồng thời Nguyễn ở Đà Nẵng với những thông tin thú vị hé lộ “số phận” khẩu thần công này.

Theo ông Tiến, trong số các loại súng thần công thời Nguyễn còn sót lại ở di tích thành Điện Hải nói riêng, Đà Nẵng nói chung, cây súng được phát hiện tại bờ biển ở P.Hòa Hiệp Nam năm 2019 là khẩu thần công bằng đồng đầu tiên được tìm thấy ở TP này kể từ ngày 1.9.1858. Từ những phân tích kiểu dáng, đặc điểm cấu tạo, kỹ thuật đúc và các mô típ hoa văn trang trí trên súng, nhà nghiên cứu khẳng định: Khẩu thần công xuất xứ từ Hà Lan nhưng được triều Nguyễn sở hữu. Nó rất đồng dạng ở nhiều điểm với 3 khẩu thần công Hà Lan đúc những năm 1640, 1661, 1677 - 1678 đang được trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế.

Khẩu thần công bằng đồng được phát hiện vào năm 2019 tại khu vực Nam Ô xưa gợi mở nhiều giả thuyết

HOÀNG SƠN

Qua tra cứu các tư liệu lịch sử, nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Trung Tiến thông tin thêm thần công phát hiện ở Đà Nẵng có niên đại ở thế kỷ 17, dao động trong khoảng từ năm 1633 - 1678, xấp xỉ trên dưới 350 năm tuổi. Nhiều khả năng đây là cỗ súng đồng Tướng quân ở thành Điện Hải, bởi 5 cỗ súng khác được biên chế tại thành Điện Hải có cỡ nòng lớn hơn. Tuy số lượng súng đồng được trang bị tại Đà Nẵng vào thời Nguyễn khá phong phú, nhưng ở các vị trí bị đánh chiếm giai đoạn 1858 - 1860, liên quân Pháp - Tây Ban Nha đã tịch thu tất cả rồi đem về Pháp. Đó là lý do chính yếu, khiến về sau khó có thể tìm thấy thần công bằng đồng ở Đà Nẵng.

Nhà nghiên cứu cũng nhận định, dù đã mang trên mình lắm vết thương nhưng thần công bằng đồng này vẫn được triều Nguyễn huy động vào cuộc chiến đấu bảo vệ nền độc lập và may mắn không bị lọt vào tay giặc như số phận của nhiều súng đồng khác. “Sự “sống sót thần kỳ” của khẩu súng có thể được xem là hiện thân của tinh thần kiên cường, bất khuất của người VN trước quân xâm lược. Bản thân khẩu súng là một phần di sản vô giá, độc đáo trong kho tàng di vật chống Tây xâm lược của dân tộc ở mặt trận Đà Nẵng giữa thế kỷ 19 còn tồn tại đến hôm nay”, ông Tiến kết luận.

Trận chiến ác liệt tại Nam Ô ?

Trong tập san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng số 16 (tháng 1.2021), trong bài viết Dưới tầng mây ải, tác giả Đặng Dùng cho hay trong giai đoạn kháng liên quân Pháp - Tây Ban Nha, dưới sự tiếp quản chỉ huy của danh tướng Nguyễn Tri Phương, triều đình nhà Nguyễn đã khẩn trương tăng cường vũ khí, biền binh cùng với dân binh nghĩa dõng, nhân dân ngày đêm đào hào, đắp lũy cát, cắm chông dọc bờ biển từ Thanh Khê - Hải Vân để ngăn chặn bước tiến quân thù. Đồn Hóa Ổ, trạm Nam Ô, tấn biển Câu Đê được tăng cường các súng thần công do tướng Trần Đình Túc và Nguyễn Hiên chỉ huy.

“Chi tiết súng thần công không thấy ghi trong sách sử nhưng năm 2019 khi làm kè biển từ Nam Ô đến khu du lịch Xuân Thiều, đơn vị thi công đã đào được một khẩu thần công thời ấy bị vùi sâu dưới 2 m đất cát biển cách làng Nam Ô về phía nam chừng 1.000 m, tức là nằm trên bờ biển đồn Hóa Ổ xưa (Nam Ô ngày nay) mà nay được định danh là bãi biển Xuân Thiều”, tác giả phân tích và đặt vấn đề: “Khẩu thần công được phát lộ ở đây chứng tỏ lời truyền khẩu từ xưa, ở nơi này đã có cuộc đối đầu chiến sự trong cơn quốc biến ấy là có cơ sở. Không biết còn khẩu thần công nào vào thời đó còn chôn vùi trong cát biển ở chiến lũy kéo dài từ Thanh Khê - Hải Vân không?”.

Phân tích chi tiết hơn ở góc độ khoa học lịch sử, nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Trung Tiến cho rằng xét về tình thế và diễn biến cuộc chiến tranh xâm lược của liên quân Pháp - Tây Ban Nha ngày 1 và 2.9.1858, những vị trí của quân đội triều Nguyễn bên phía hữu ngạn sông Hàn và bán đảo Sơn Trà “đều trở tay không kịp” và bị chiếm giữ ngay sáng ngày 1.9.1858. Thành An Hải thì bị nổ tung vào trưa ngày 1.9 và bị chiếm giữ vào rạng sáng ngày 2.9.1858. Tất cả vị trí này đều cách sông nên khả năng đem pháo qua sông khi thất trận nhanh như vậy là khó xảy ra.

Do vậy, khẩu thần công bằng đồng nhiều khả năng được quân đội triều Nguyễn đem theo từ thành Điện Hải, trong cuộc rút lui khuya ngày 1 và sáng ngày 2.9.1858 trước khi thất thủ, rồi gặp sự cố giữa đường. “Hoặc giả, khẩu đội mang theo súng đồng này đã trụ lại ở khu vực đó để tiếp tục chiến đấu nhưng bị pháo hạm đối phương tiêu diệt và vùi lấp bên bãi biển Xuân Thiều. Lâu ngày mất dấu vết nên khẩu súng đồng không bị rơi vào tay giặc, cũng không nằm trong tay triều Nguyễn nữa. Nhân dân địa phương về sau cũng không ai hay biết vị trí súng bị chôn vùi, mãi đến nay mới ngẫu nhiên được phát lộ...”, ông Tiến nhận định. (còn tiếp)

Nam Ô - Ngôi làng huyền sử bên chân sóng

Theo dấu tích 'hải đăng' của người Chăm

Kỳ lạ nơi dày đặc giếng Chăm

Linh thiêng mỏm Hạc

Bí ẩn ngôi mộ 'tiền hiền triệu cơ'

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.