Nam Ô - Ngôi làng huyền sử bên chân sóng: Người “quan tâm quá đáng” đến làng cổ

16/09/2022 07:05 GMT+7

“Quan tâm quá đáng” là cụm từ mà ông Đặng Dùng, một con dân của làng Nam Ô , tự nói về mình khi được hỏi về quá trình tìm tòi, nghiên cứu và văn bản hóa những câu chuyện, tư liệu về làng cổ…

Người chép sử "làng nhiều chuyện"

Lần giở những trang sách trong cuốn Di tích Chăm tại Đà Nẵng và những phát hiện mới (NXB Đà Nẵng, 2014), tôi bắt gặp bức ảnh đen trắng chụp cảnh một người đàn ông tay cầm viên gạch Chăm cùng dòng chú thích: “Ông Đặng Dùng, người làng Nam Ô, khảo sát những viên gạch Chăm được dùng lại để xây miếu Bà - Xuân Dương”. Cũng ở cuốn sách này, nhà nghiên cứu Võ Văn Thắng đã sử dụng nhiều thông tin về chữ Hán trên các giếng cổ Nam Ô do ông Dùng cung cấp.

Hình ảnh ông Đặng Dùng, tay cầm viên gạch Chăm trong cuốn sách Di tích Chăm tại Đà Nẵng và những phát hiện mới

Ông Đặng Dùng là ai mà xuất hiện nhiều lần trong sách, lại còn được nhà nghiên cứu sử dụng tư liệu?

Ông Dùng sinh ra và lớn lên ở làng Nam Ô. Ông vốn làm nghề vẽ tranh tường để mưu sinh. Năm nay đã 72 tuổi nhưng ông có thể nói chuyện hàng giờ đồng hồ về lịch sử làng Nam Ô mà không biết mệt. Ông cũng có thể “trích xuất” gần như ngay lập tức các tư liệu “trong bộ nhớ” về các sự kiện của làng mình, chính xác đến từng trang, từng dòng… “Từ nhỏ, tôi đã được đắm mình trong không gian sống chân tình của một làng biển cổ mà theo các cụ là cửa ngõ trong diễn trình Nam tiến của Đại Việt xưa. Tôi cho đó là một điều may mắn. Bởi có thế, tôi mới hiểu và càng thêm trân quý từng gốc cây, phiến đá đến cả hạt cát… đẫm màu di sản”, ông Dùng nói.

Càng yêu mảnh đất mình sinh ra bao nhiêu, ông Dùng càng lo cho sự biến đổi của ngôi làng bấy nhiêu. Từ hơn 40 năm trước, khi còn là một thanh niên, ông đã cất công gom nhặt những giai thoại, sự tích khai sinh về ngôi làng. Đọc nhiều tài liệu lịch sử, thấm hiểu đời sống cộng cư Chăm - Việt, ông Dùng càng thấy những giá trị riêng có của một Nam Ô hình thành suốt hàng trăm năm qua. Với ông, những phế tích Chăm tháp Xuân Dương, mỏm Hạc, những di tích miếu Bà, dinh Âm hồn, nghĩa trủng Hóa Ổ… luôn chất chứa những hấp lực không dễ gì dứt bỏ.

Suốt mấy chục năm qua, hằng ngày, ông cần mẫn đi vào từng xóm, từng vạt rừng, từng di tích… để tìm hiểu, cẩn thận ghi chép sử làng. Ngư dân hay những người làm nước mắm truyền thống ven biển làng Nam Ô thường thấy một ông già khi thì hí hoáy viết, lúc lại bóp trán suy nghĩ. Với mong muốn không chỉ để “người làng phải biết sử làng”, ông Dùng còn kỳ công nghiên cứu, đối chứng các tư liệu để viết bài. Ông trở thành cộng tác viên ruột của các tạp chí, báo địa phương.

“Tôi hay nói vui với bạn bè, làng Nam Ô là “làng nhiều chuyện”. Viết sử làng hoài mà chẳng hết”, ông cười. Mà thật, Nam Ô chuyện gì cũng có. Qua lời kể của ông Dùng, một nơi như Nam Ô lại càng thêm “nhiều chuyện”. Mà toàn chuyện hay, thấm đẫm giá trị về lịch sử, văn hóa

Ông Dùng với bản thảo về làng Nam Ô được ông đóng thành tập

HOÀNG SƠN

Chưa thôi niềm trăn trở

Đọc và đối chiếu nhiều tư liệu về Nam Ô, có lúc ông Đặng Dùng thấy mình bất lực. Bất lực vì không thể đọc được những chữ Hán ghi trên bia mộ cổ, đình làng, lạc khoản… “Đó thật sự là điều đáng tiếc, bởi không biết, không hiểu, nay mai các cụ hay chữ trong làng quy tiên thì kho tàng chữ nghĩa quý giá đó cũng thất truyền. Vậy là tôi tự học chữ Hán. Học trước hết là thỏa mãn mình, để mình có thể đọc, ghi chép và hiểu được người xưa muốn nói gì”, ông Dùng chia sẻ.

Càng nghiên cứu, viết lách, kiến thức của ông Đặng Dùng về Nam Ô càng uyên thâm và đã hỗ trợ cho không ít nhà nghiên cứu tìm hiểu về di tích Chăm, lịch sử Nam tiến của Đại Việt, văn hóa làng biển cổ, nghề truyền thống…

Theo ông Đặng Dùng, sau khi đọc lại tập bản thảo viết về làng cổ Nam Ô, TS sử học Lưu Anh Rô, Phó chủ tịch thường trực Hội Khoa học lịch sử TP.Đà Nẵng, đã chuyển bản thảo đến NXB Đà Nẵng. Ông Nguyễn Thành, Giám đốc NXB Đà Nẵng, cho biết đã tiếp nhận bản thảo và hiện đang trong quá trình xử lý, biên tập.

Hôm tôi đến, dù mệt nhưng ông vẫn gác bàn phím sang một bên để tiếp chuyện. Hằng ngày, nhà ông đón tiếp cả chục người, có khi là bạn bè đến mượn sách, lúc thì sinh viên thực tập đến nhờ vả, du khách đến tìm hiểu… Ông không dám nhận mình là “nhà Nam Ô học” như bạn bè yêu quý tặng, càng không tự nhận là nhà nghiên cứu “mà đó chỉ là sự quan tâm quá đáng” về ngôi làng mà ông sinh ra và lớn lên…

“Nay mai, khu du lịch hoành tráng sẽ hình thành như mong đợi. Nam Ô như một nàng hậu phấn son. Tôi sợ hồn phách lại “bay đi ít nhiều”. Tôi vốn là người quan tâm quá đáng về quê xứ mình đang sống, lại mang nỗi lo bao đồng, hay ghi nhớ những chuyện của các bô lão trong làng nhiều thời, nhiều lớp tuổi kể lại. Từ đó, tôi đã viết và viết rất nhiều bài báo, bài nghiên cứu”, ông nói như lý giải cho niềm yêu da diết với đất quê Nam Ô.

Vốn mang trong mình khí chất của “người Quảng hay cãi” (Quảng Nam - Đà Nẵng cũ), ông Đặng Dùng chưa khi nào tiếp thu thụ động tư liệu lịch sử. Từ những kiểm chứng của mình, ông mạnh dạn đặt những vấn đề mới mẻ mà theo ông có thể đụng chạm đến những nghiên cứu đi trước. Mới đây, ông đã tập hợp lại thành tập bản thảo chuyên khảo về làng cổ Nam Ô, dày hàng trăm trang. “Tôi tự dàn xếp “sinh non” để xem đứa con tinh thần của mình mặt mũi ra sao trong chiếc áo gọi là quyển sách khi mình còn khả năng đọc được”, ông Dùng nói và bày tỏ mong muốn có được khoản kinh phí để quyển sách được ra đời.

Nam Ô - Ngôi làng huyền sử bên chân sóng

Theo dấu tích 'hải đăng' của người Chăm

Kỳ lạ nơi dày đặc giếng Chăm

Linh thiêng mỏm Hạc

Bí ẩn ngôi mộ 'tiền hiền triệu cơ'

Cuộc lưu lạc ly kỳ của khẩu thần công

Tầm vóc của một nghĩa trủng

Vang danh nghề làm nước mắm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.