(Tin Nóng) Hải quân Nam Phi quan tâm loại tàu tên lửa tấn công nhanh lớp Molniya (12418) trang bị tên lửa diệt hạm Uran như loại tàu Việt Nam đang đóng, theo diễn đàn quân sự Nga.
Chuyển tên lửa Uran lên tàu M6 - Ảnh: Duy Khánh
|
Theo Lenta, một đại diện ngành công nghiệp đóng tàu Nga ngày 15.9 qua đã cho diễn đàn này biết Hải quân Nam Phi bày tỏ sự quan tâm về lớp tàu tên lửa nhỏ gọn Molniya của Nga có trang bị hệ thống tên lửa diệt hạm Uran. “Nam Phi quan tâm đến việc bảo vệ bờ biển, và chúng ta có nhiều giải pháp cho vấn đề này, bao gồm các giải pháp công nghệ và vũ khí thiết bị”, đại diện này nói.
Chưa rõ số lượng tàu tên lửa mà Nam Phi muốn Nga cung cấp, tuy nhiên nhiều nguồn tin cho hay Nam Phi quan tâm ít nhất 3 loại tàu, gồm tàu tuần tra và tàu tên lửa trang bị hệ thống Uran.
Trong các loại tàu tên lửa do Nga sản xuất gần đây, tàu tên lửa lớp Molniya loại xuất khẩu (dự án 12418) là có trang bị hệ thống tên lửa diệt hạm Uran với 16 ống phóng đặt hai bên sườn tàu. Uran dùng tên lửa diệt hạm loại 3M24 (Kh-35) phát triển từ những năm 1980, có tầm bắn 130 km, loại cải tiến nâng cấp có tầm bắn đến 260 km. Tên lửa của Uran được cho ngang ngửa loại Harpoon của Mỹ (phương Tây gọi tên lửa Uran là Harpoonsky, ý cho rằng Liên Xô sao chép của Mỹ). Tên lửa Uran có thể đánh chìm tàu có lượng choán nước đến 5.000 tấn.
Tàu tên lửa lớp 12418 do Viện thiết kế Almaz (Liên bang Nga thiết kế), dùng tấn công tàu chiến đối phương, bảo vệ hạm đội. Lớp tàu này trang bị tên lửa diệt hạm Uran, được xuất khẩu sang Việt Nam, Turkmenistan.
Tàu tên lửa Molniya do Viện thiết kế Almaz (Liên bang Nga thiết kế), dùng tấn công tàu chiến đối phương, bảo vệ hạm đội - Ảnh: Hải quân Nga |
Tàu tên lửa Molniya của Nga trang bị 4 ống phóng, phóng tên lửa diệt hạm Moskit (NATO gọi là SS-20 Sunburn). Đây là loại tên lửa diệt hạm cỡ lớn, nặng đến 5 tấn, dài 9,7 m, đường kính 0,8 m, mang đầu đạn 320 kg. Tên lửa Moskit bay với tốc độ siêu âm, đến 2.800 km/giờ, tầm bắn 120 - 250 km. Hầu hết tàu tên lửa lớp Molniya 1241 của Nga đều dùng loại tên lửa Moskit - Ảnh: bmpd
|
Theo hợp đồng ký năm 2003, Việt Nam mua 2 tàu tên lửa Molniya từ Nga, giao hàng vào năm 2007 và 2008. Hai chiếc tàu này mang số hiệu 375 và 376. Nga còn cung cấp trang thiết bị và giúp Việt Nam đóng loại tàu này theo giấy phép chuyển nhượng gồm 6 chiếc.
Các tàu tên lửa này vũ trang 16 ống phóng tên lửa diệt hạm loại Kh-35 Uran (tổng cộng 16 tên lửa, đặt hai bên thân tàu, tầm bắn xa 130 km), 1 pháo AK-176 (cỡ nòng 76,2 mm), 2 tổ hợp pháo phòng không bắn nhanh AK-630 và tên lửa đối không tầm thấp.
Tàu dài 56,1 m, ngang 10,2 m, lượng choán nước 500 tấn, trang bị động cơ tuabin khí với công suất tối đa 32.000 mã lực, vận tốc tối đa 70 km/giờ. Tầm hoạt động trên biển của tàu là 1.700 hải lý (3.150 km).
Hai chiếc đầu tiên (M1, M2) được khởi đóng từ tháng 10.2010 tại Nhà máy đóng tàu Ba Son (TP.HCM), hạ thủy năm 2013, bàn giao cho Hải quân Việt Nam tháng 6.2014 (mang số hiệu 377 và 378).
Hai tàu Molnya kế tiếp (M3, M4) hạ thuỷ tháng 6.2014, thử nghiệm cấp nhà máy trên biển cuối tháng 12.2014 và bàn giao ngày 2.6.2015 (số hiệu 379 và 380).
Hai tàu M5, M6 được nghiệm thu mới đây qua đợt thử nghiệm từ ngày 5 đến ngày 11.9.2016, tại TP.HCM và trên vùng biển đảo Phú Quý (Bình Thuận).
Việc đóng 6 tàu tên lửa này có sự giám sát của các chuyên gia hãng đóng tàu Vympel và của Trung tâm thiết kế tàu biển Almaz tại St. Petersburg (Nga). Có tin hai bên có thể đàm phán tiếp về số lượng tàu 12418 sau đó.
Bình luận (0)