Vừa chữa bệnh cho mẹ vừa nuôi em
Lò Văn Thiếu là người dân tộc Thái, sinh ra và lớn lên trong gia đình có hoàn cảnh éo le thuộc bản Noong Hẻo, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu. “Gia đình em có 7 người, bố mẹ em đều làm nghề nông. Em có anh trai và em trai đều bị tàn tật sau khi đi lao động kiếm sống, và 2 em gái, 1 em đang học lớp 9 đã phải bỏ học, còn 1 em mới 2 tuổi”, Thiếu chia sẻ về gia cảnh của mình.
Thiếu cho biết, cũng do gia đình quá nghèo, hai người anh em của Thiếu đã phải vào rừng đãi vàng để mưu sinh, nhưng sau khi trở về đều bị nhiễm độc và tàn tật chân, sức khỏe yếu, đi lại rất khó khăn. Hiện người anh đã có gia đình, nhưng còn em trai và 2 em nữa vẫn phải sống phụ thuộc vào bố mẹ. Bố mẹ Thiếu đều làm ruộng nên không đủ sức nuôi các con ăn học. Vì thế, khi vào học đại học, Thiếu phải đi rửa bát thuê ở thành phố Thái Nguyên để tự nuôi mình.
Nhưng một biến cố nữa lại ập xuống gia đình Thiếu, khi vào khoảng đầu năm 2017, mẹ Thiếu sinh em và khi đang cho bú thì phát hiện dòng máu từ ngực chảy ra. “Khi đi khám ở trạm xá, họ chẩn đoán là bị viêm thôi. Mẹ em cũng cứ để vậy vì không có tiền đi khám ở huyện, ở tỉnh. Nhưng rồi, thấy mẹ đau quá, em đã dành tiền đưa mẹ đi khám ở tỉnh thì bác sĩ chẩn đoán là K rồi”, Thiếu kể.
Cũng từ đó, gánh nặng gia đình dồn lên vai Thiếu. Vừa lo học, Thiếu vừa lo đưa mẹ đi chữa bệnh tại Bệnh viện K T.Ư. Đến nay, số tiền chữa trị đã lên đến gần 100 triệu đồng. Hỏi em lấy đâu ra khoản tiền lớn đó để chữa bệnh cho mẹ, Thiếu kể: “Gia đình em nuôi được 2 con trâu, bán đi được 60 triệu đồng, em rửa bát thuê 3 năm cũng tiết kiệm được 20 triệu đồng, với lại các bạn bè, thầy cô ủng hộ, mỗi người cho một ít, được khoảng 5 triệu đồng, còn lại em phải vay mượn”.
Thiếu cũng cho biết, những ngày ra Hà Nội chữa bệnh, cả 2 mẹ con đều đi rửa bát thuê để có tiền. “Sáng mẹ em vào viện xạ trị, chiều về lại đi rửa bát thuê. Từ ngày mẹ bị ốm thì kinh tế gia đình kiệt quệ vì không có người làm. Bố một mình lo cho các em, nên chỉ kiếm được cái gì thì ăn cái đó. Em gái em học hết lớp 9 cũng phải nghỉ học rồi, vì không có tiền”, Thiếu buồn bã cho biết.
Không chỉ chữa bệnh cho mẹ, Thiếu còn lo cả cho đứa em chưa đầy 2 tuổi của mình. Vừa qua, khi mẹ em đi chữa bệnh, Thiếu phải mang em đến trường để chăm sóc. “Bác chủ quán em làm tốt bụng, biết hoàn cảnh của em như thế nên em gửi em ở nhà bác trông giúp, có thứ gì thì em ăn thứ đó”, Thiếu kể. Còn về tiền trang trải cho cuộc sống của mình, Thiếu chia sẻ: “Em có bao nhiêu thì dùng bấy nhiêu, khi có tiền thì ăn, không có thì thôi!”
|
"Em sẽ cố gắng"
Mặc dù hoàn cảnh éo le như vậy, nhưng Thiếu vẫn cố gắng học và tham gia các hoạt động xã hội. Năm 2016, Thiếu đạt giải 3 Hội thi tìm hiểu luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên do Đoàn Thanh niên và Hội sinh viên Việt Nam tỉnh Thái Nguyên tổ chức. Năm 2016, Thiếu cũng đạt thành tích xuất sắc trong Chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh ở huyện Chợ mới, tỉnh Bắc Kạn và được Ban Chấp hành Đoàn huyện Chợ Mới khen thưởng.
Năm 2018, khi tham gia cuộc thi ảnh Tết trong tôi do Đoàn Thanh niên Trường đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên) tổ chức, Thiếu cũng đạt giải ba.
Có lẽ với Thiếu, tết là một nỗi buồn da diết vì 3 năm đi học xa nhà, chưa năm nào em được về quê ăn tết, do còn phải ở lại thành phố rửa bát thuê để mưu sinh. Hiện, hàng ngày Thiếu rửa bát thuê đến 11 giờ đêm mới trở về ký túc xá để học bài.
“Quán ăn cách chỗ em ở chừng 3,5 km nhưng em phải đi bộ, nên có khi gần nửa đêm mới về đến phòng. Mới đây, em được một bạn ở Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên thương tình nên nhường cho chiếc xe đạp của bạn ấy để em đi làm thêm”, Thiếu kể.
Dù vất vả như vậy, nhưng kết quả học tập của Thiếu bao giờ cũng đạt loại khá. Kỳ học vừa qua, em đạt 2,68/4. Hỏi em về việc bận đi làm và lo cho mẹ như vậy thì học làm sao, Thiếu nói: “Em thấy cũng bình thường thôi, nếu chú tâm thì việc học cũng không khó khăn lắm. Em chỉ mong học tốt để ra trường có việc làm, giúp đỡ cho gia đình và quê hương”.
Thiếu cũng trăn trở, bà con quê hương còn nghèo, ít hiểu biết về xã hội và pháp luật. Chính vì thế, em chọn học ngành luật để sau này có thể về quê giúp đỡ, nâng cao nhận thức cho bà con quê mình. Tuy nhiên, con đường trước mắt của Thiếu còn không ít chông gai. Khi tôi hỏi, với hoàn cảnh éo le như vậy, liệu em có vượt qua?, Thiếu quả quyết: “Em sẽ cố gắng…”.
Bình luận (0)