Nam sinh khởi nghiệp bằng cách lấy ‘ánh sáng bỏ vào hộp'

09/10/2022 11:00 GMT+7

Xuất phát từ sự tò mò, ham thích khám phá, chinh phục những cái mới lạ, một nam sinh viên đã khởi nghiệp thành công từ sản phẩm Lightbox (hộp đèn).

Đó là câu chuyện của Huỳnh Quách Bảo Tín, quê Bình Định, sinh viên (SV) năm 4, trường ĐH Giao thông vận tải (TP.HCM). Thu nhập từ việc khởi nghiệp hộp đèn đã giúp Bảo Tín tự trang trải chi phí sinh hoạt, học tập trong thời gian qua.

Huỳnh Quách Bảo Tín, SV năm 4 Trường ĐH Giao thông vận tải (TP.HCM) khởi nghiệp từ hộp đèn

THẢO PHƯƠNG

Muốn làm những cái chưa ai làm được

Biết đến hộp đèn thông qua một số video đề xuất trên YouTube, khi đó Tín vẫn chưa có ý định khởi nghiệp cùng sản phẩm này. Với bản tính mày mò, thích làm những việc đòi hỏi sự tỉ mỉ cao, anh chàng bắt đầu tìm hiểu về cách thức tạo ra một hộp đèn thủ công hoàn chỉnh.

Sản phẩm đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo tay

THẢO PHƯƠNG

Tín cho biết việc tỉ mẩn cắt từng trang giấy để tạo hình cho hộp đèn thực sự rất thú vị. Hơn nữa, nhận thấy các hộp đèn này còn khá mới lạ ở Việt Nam, Tín bắt đầu lên kế hoạch khởi nghiệp. “Cái mà người khác đã làm được nhiều rồi thì khi mình làm nó không còn đặc biệt nữa. Điều này càng làm cho mình muốn thử sức với hộp đèn hơn”, Tín chia sẻ.

Hộp đèn được tạo thành từ các tờ giấy xếp chồng lên nhau theo một thứ tự nhất định để tạo thành một khung hình có ý nghĩa. Để hoàn thành một hộp đèn, Tín phải thực hiện nhiều công đoạn như cắt giấy, lắp đèn, đóng khung, đóng gói... hoàn toàn theo lối thủ công. Bên cạnh đó, chàng trai còn kiêm luôn việc quản lý các nền tảng bán hàng trực tuyến.

“Công đoạn khó nhất với mình là khâu làm hộp đèn vì cách sắp xếp các mặt giấy bên trong hộp phải khớp với nhau, tránh bị lệch và mất cân bằng khi nhìn. Việc lắp các chi tiết khác như đèn, dây đèn, công tắc, tư duy màu sắc ánh sáng... cũng khá phức tạp, cần sự chính xác và tỉ mỉ cao”, Tín cho biết.

Các công đoạn để tạo thành sản phẩm hoàn chỉnh đều được Tín thực hiện theo cách thủ công

THẢO PHƯƠNG

Ban đầu, Tín làm theo các video hướng dẫn trên YouTube, nhưng sau đó chủ yếu tự tìm hiểu, mày mò để tìm ra cách làm riêng, hiệu quả hơn. Đồng thời, tự rút kinh nghiệm để đẩy nhanh tiến độ.

Lúc mới bắt đầu làm, anh chàng mất một tuần để cho ra một sản phẩm hoàn chỉnh. Nhưng hiện tại, sản phẩm đơn giản nhất, Tín chỉ mất 2-3 tiếng để hoàn thành, phức tạp hơn thì mất khoảng 6-8 tiếng. Tùy vào độ kỳ công mà mỗi hộp đèn sẽ có giá bán khác nhau, dao động từ 200.000 - 500.000 đồng.

Một hộp đèn đơn giản mất 2-3 tiếng để hoàn thành, phức tạp hơn thì 6-8 tiếng

THẢO PHƯƠNG

Với doanh thu trung bình khoảng 12-15 triệu đồng/tháng, công việc kinh doanh hộp đèn đã giúp Tín có thể tự lo được cho bản thân, trang trải chi phí sinh hoạt và học tập. Đồng thời, nam sinh có được khoảng vốn để tiếp tục đầu tư nâng cấp sản phẩm.

Tạo sự khác biệt cho sản phẩm

Bắt đầu khởi nghiệp từ tháng 12.2021, Tín bắt đầu tìm hiểu nhiều hơn về kiến thức kinh tế và đọc sách kinh doanh. Tuy nhiên, điều này cũng không thể giúp Tín tránh khỏi những bất trắc trong lần đầu kinh doanh.

Thời gian đầu, Tín từng rất nản chí vì không biết bắt đầu từ đâu và không biết mình đang làm gì. “Khó khăn lớn nhất mà mình đã và đang gặp phải là thời gian và nhân lực. Đã có khoảng thời gian mình bỏ ngang vì bận học. Nhưng mình không muốn sau này phải làm thuê cho ước mơ của người khác nên sai ở đâu thì làm lại ở đó và cố gắng sắp xếp mọi việc cho hợp lý”, Tín cho biết.

Tín vẫn luôn tìm cách cân bằng để không phải xao nhãng việc học. Những lúc vừa học vừa làm, mỗi tháng Tín hoàn thành khoảng 10-15 sản phẩm. Vào những tháng hè, anh chàng có thể làm 2-3 sản phẩm/ngày, một tháng hơn 70 sản phẩm.

Những sản phẩm hoàn chỉnh được tạo ra qua đôi tay khéo léo của nam SV

thảo phương

Đã nhiều lần Tín phải từ chối đơn đặt hàng của khách vì một mình không thể đảm bảo tiến độ hoàn thành sản phẩm. Khi được hỏi về việc thuê thêm nhân công, Tín chia sẻ: “Mình luôn muốn sản phẩm phải chỉn chu từng chi tiết nhỏ nhất trong khi hộp đèn lại yêu cầu độ chính xác cao nên mình không an tâm khi thuê người khác làm. Có một thời gian mình thuê người để cắt giấy nhưng sau khi mua máy cắt giấy tự động thì mình không thuê nữa”.

Để có thể đẩy nhanh tiến độ công việc, tháng 9 vừa rồi Tín đã đầu tư một máy cắt giấy. Anh chàng chỉ cần lập trình sẵn các slide giấy trên máy tính, sau đó kết nối với máy cắt tự động. Nhờ đó, Tín có thể giản lược một số bước thủ công, giờ đây nam sinh chỉ tập trung vào khâu đóng hộp.

Tín cho biết để hộp đèn được nhiều người biết đến hơn thì trước hết phải tạo sự khác biệt cho sản phẩm. Nếu như trước đây, hộp đèn chỉ có một chế độ đèn thì nay đã có thêm nhiều chế độ với các màu sắc khác nhau. Bên cạnh đó, Tín còn tích hợp quạt tản nhiệt và điều khiển từ xa để tạo sự tiện lợi cho người dùng.

Anh Nguyễn Hoài Thanh (Long An), vị khách đã hơn 10 lần mua hộp đèn của Tín chia sẻ: “Tôi thích những sản phẩm cầu kỳ như vậy, từ cắt giấy ghép giấy đến phối đèn đều rất tinh tế. Tôi đặc biệt thích khoảng sáng tạo của Tín khi bạn ấy luôn tìm cách nâng cấp chất lượng hộp đèn, ngày một mang đến cho khách hàng sản phẩm hoàn thiện và ấn tượng hơn”.

Trong tương lai, Tín dự định sẽ tích hợp thêm loa bluetooth, pin dự phòng cho hộp đèn, đồng thời mở rộng các kênh bán hàng để phát triển mô hình khởi nghiệp của mình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.