Nam sinh bị kỷ luật vì xúc phạm nhóm nhạc BTS: Bày tỏ thế nào để không xúc phạm người khác?

07/11/2019 18:03 GMT+7

Câu chuyện về nam sinh có những bài viết, lời nói xúc phạm nhóm nhạc BTS (Hàn Quốc) trên mạng xã hội , bị kỷ luật khiến bạn trẻ băn khoăn về câu chuyện làm thế nào bày tỏ quan điểm trái chiều mà không xúc phạm người khác?

Một bài học để chúng ta nhìn lại

Một cuộc phỏng vấn nhanh với 5 sinh viên tại TP.HCM, đa phần các bạn đều không phân định được việc bày tỏ quan điểm trái chiều ở giới hạn nào sẽ không làm tổn thương hay xúc phạm đến người tiếp nhận, vì theo các bạn bản chất của quan điểm trái chiều đã khó được đối phương chấp nhận.

“Mình thì rất ít khi nói về người khác trên mạng xã hội, thế nhưng mình nghĩ nếu không thích thì ta có quyền nói không thích, miễn sao đừng xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của họ là được. Nhưng thường một khi đã không thích thì lời nào chúng ta nói ra cũng rất nặng nề, nên rất khó mà phân định được đâu là giới hạn của vấn đề này”, Trần Thị Kim Ngân (sinh viên Trường ĐH Nông lâm TP.HCM) bày tỏ.

Tự nhận mình là người rất có chính kiến và thường rất thẳng thắn bày tỏ chính kiến của mình, Phan Văn Hưng (sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM) cho rằng việc nói lên quan điểm của mình là điều rất nên khuyến khích. “Tuy nhiên, chúng ta phải dũng cảm chịu trách nhiệm với những gì mình nói ra. Đôi khi sẽ có người không đồng tình với điều đó, và có người cũng sẽ bị tổn thương. Nhưng thường thấy việc nêu quan điểm của mình sẽ không đồng nghĩa với việc xúc phạm người khác. Vì xúc phạm người khác là trừ khi mình cố tình làm điều đó”.

Còn với cô nàng Nguyễn Ngọc Hoài Phương (sinh viên năm nhất Trường CĐ Công thương TP.HCM) thì cho rằng câu chuyện của nam sinh là bài học để chúng ta nên cẩn trọng hơn với việc thể hiện những điều không thích, không đồng tình của mình trên mạng xã hội.

“Việc chúng ta không thích, hay không đồng tình với ai đó hay vấn đề gì đó là điều rất bình thường. Nhưng làm thế nào để thể hiện sự không đồng tình đó, hay muốn góp ý cho người khác như thế nào cho đúng và tế nhị thì không phải ai cũng làm được, đặc biệt là những người trẻ như tụi mình, nên đây cũng là bài học cho chính bạn nam sinh đó và cho tất cả người trẻ”, Phương bày tỏ.

Các bạn trẻ cần được trang bị kỹ năng

Nhìn nhận về vấn đề này, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Dũng, giảng viên Trường ĐH Thủ Dầu Một (Bình Dương) cho rằng các bạn trẻ đa phần chưa có kỹ năng nên thường bày tỏ quan điểm theo cảm tính.

“Thường các bạn trẻ ở lứa tuổi mới lớn, một là các em chỉ cảm tính hoặc 2 là a dua theo đám đông, nên các bạn không có một tầng lọc trước khi công khai thể hiện những quan điểm trái chiều của mình”, ông Dũng nhấn mạnh.

Và theo ông Dũng là có 3 tầng lọc rất hữu hiệu cho mỗi bạn trẻ, đầu tiên phải kể đến là thầy cô giáo chủ nhiệm hay người cố vấn học tập, thứ 2 là gia đình và thứ 3 là bạn bè. Đối với những nhóm bạn chơi chung với nhau, khi bạn nói ra quan điểm trái chiều của mình, ngay lập tức sẽ có những ý kiến trái chiều cùng thảo luận với nhau và cũng là tầng lọc hữu hiệu để can ngăn kịp thời, nếu quan điểm đó của bạn có khả năng sẽ xúc phạm hay tổn thương đến người khác.

Đặc biệt, ông Dũng nhấn mạnh: “Giữa việc nêu quan điểm trái chiều và xúc phạm một ai đó, thực chất ranh giới rất mong manh. Vì cũng một câu nói đó, nhưng với người này thì không sao, với người khác lại là sự xúc phạm nặng nề. Và quan điểm của bạn không đồng tình với một việc gì đó, khác với việc là bạn phán xét chuyện đó. Giống như nếu không thích một ca sĩ, bạn nói bạn không thích nó khác với việc bạn phán xét là ca sĩ này hát rất tệ. Bạn không thích không đồng nghĩa với việc người đó hát tệ, vì có thể người khác lại thích”.

Chính vì thế, ông Dũng cho rằng tầng lọc của giáo viên chủ nhiệm hay cố vấn học tập là điều rất quan trọng, và các bạn trẻ luôn cần được đồng hành cũng như là được dạy về các kỹ năng để các em được làm quen, học dần và có kỹ năng phân tích, nhìn nhận vấn đề, phát ngôn làm sao để không tổn thương hay xúc phạm đối phương. Hay thậm chí, để các em hiểu được rằng, đối phương có xuất phát điểm, hoàn cảnh gia đình, nền văn hóa khác mình nên cách họ nhìn nhận, cảm nhận vấn đề cũng sẽ khác. Chính vì thế, có thể chúng ta nói vui nhưng với người đó là sự xức phạm.

“Trong giáo dục cần phải giúp các em có kỹ năng phân định đúng sai. Nhất là trong các giờ sinh hoạt lớp, giáo viên chủ nhiệm nên lồng ghép vào những câu chuyện, nhắc nhở về việc nên sử dụng ngôn từ, thể hiện và bày tỏ quan điểm về người khác như thế nào cho đúng, cho tế nhị. Làm sao giới hạn những vấp ngã của các em, để nó không gây ra hậu quả nghiêm trọng”, ông Dũng khuyên.

Cũng theo ông Dũng bộc lộ quan điểm cá nhân là rất tốt, nhưng mỗi khi muốn bày tỏ quan điểm cá nhân của mình về một ai đó hay một sự việc, thì mỗi bạn trẻ nên đặt mình vào hoàn cảnh đó, cá nhân đó để xem rằng những gì mình nói liệu có làm tổn thương hay xúc phạm đối phương.

Ông Dũng khuyên trên thế giới mạng hiện nay, các bạn trẻ lại càng cẩn trọng hơn với những phát ngôn và quan điểm trái chiều của mình. Bởi một câu nói khi nói ra là cả thế giới sẽ biết và mức độ ảnh hưởng của nó càng nghiêm trọng hơn. Hoặc trong trường hợp chỉ vô tình xúc phạm người khác cũng sẽ bị xử phạt về mặt pháp lý, nếu người đó kiện lại mình.

Nội dung góp ý phải tương ứng với đặc điểm tâm lý lứa tuổi

Bàn về câu chuyện này, thạc sĩ giáo dục, chuyên gia tâm ký Chế Dạ Thảo (giảng viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM nhấn mạnh: "Câu chuyện góp ý hay nêu quan điểm trái chiều là một kỹ năng quan trọng trong giao tiếp ứng xử hằng ngày. Trước tiên phải hiểu bản chất của góp ý là hướng đến kết quả sự việc trở nên tốt hơn và mong muốn hành vi của người được góp ý được điều chỉnh trở nên phù hợp hơn. Nói cách khác là tính thiện chí trong sự góp ý là điều quan trọng nhất".

Theo chị Thảo kế đến là cách thức và nội dung góp ý phải tương ứng với đặc điểm tâm lý lứa tuổi, cá tính và hoàn cảnh cụ thể của người được góp ý. Có những người thích sự công khai, thẳng thắn hay trực tiếp. Nhưng một số khác thì mong muốn sự tế nhị, riêng tư và nhẹ nhàng.

"Xuất phát từ sự thiện chí, thì cá nhân người góp ý, bày tỏ quan điểm trái chiều phải đủ chân thành, kiên trì để chuyển tải, thay vì tự do đẩy cảm xúc cá nhân tạo ra sự tổn thương tinh thần cho đối phương. Và xúc phạm người khác sẽ có 2 dạng, cố ý hoặc vô tình. Nhưng dù cố ý hay vô tình thì hậu quả gần như nhau. Vậy thì ranh giới không được xác định ở động cơ của người nói muốn hay không muốn mà là kết quả nơi người nhận được", chị Thảo nói.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.