Khoảng 1 tuần nay, trong khu điều trị bệnh nhân bị nhiễm Covid-19 tại Bệnh viện (BV) Phạm Ngọc Thạch (đóng tại TP.Tam Kỳ, Quảng Nam), anh Đặng Ngọc Li cứ tất bật qua lại giữa các giường bệnh. Hết đút nước và đỡ cho bệnh nhân này nằm xuống, lại sang kiểm tra bình oxy để thay cho bệnh nhân khác.
Trả ơn cứu mạng
Gia cảnh nghèo khó, bố mất sớm nên từ năm 20 tuổi, anh Li đã theo bạn vào TP.HCM làm công nhân đỡ đần mẹ mãi cho đến nay.
|
Khi dịch bệnh tại TP.HCM bùng phát mạnh và diễn biến phức tạp, anh tự bỏ tiền mua vé máy bay về quê, đáp xuống sân bay TP.Đà Nẵng vào ngày 31.7. Sau đó, anh được đưa về phân hiệu Trường đại học Nội vụ Hà Nội (đóng tại P.Điện Ngọc, TX.Điện Bàn, Quảng Nam) để lấy mẫu xét nghiệm Covid-19, rồi chuyển về địa phương cách ly.
“Trước khi lên máy bay, mình đã test nhanh và cho kết quả âm tính Covid-19. Khi về đến Quảng Nam tiếp tục lấy mẫu nhưng sau đó lại cho kết quả dương tính. Ngày 1.8, mình được chuyển vào Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch điều trị”, anh Li kể.
Điều trị suốt 12 ngày, anh được cho xuất viện khi có kết quả xét nghiệm 2 lần đều âm tính với Covid-19. Tuy nhiên, về nhà cách ly được 5 ngày, Li tái dương tính và phải quay trở lại bệnh viện điều trị. Trong số bệnh nhân đang điều trị tại Khoa hồi sức cấp cứu BV Phạm Ngọc Thạch, anh là người có sức khỏe tốt nên bệnh nhân nào cần giúp thì anh luôn sẵn lòng hỗ trợ.
Ngày 2.9 vừa rồi, Li được chữa khỏi bệnh và các bác sĩ cho xuất viện. Nhưng lần này, anh không về nhà nữa mà tình nguyện ở lại để hỗ trợ bệnh viện chăm sóc các bệnh nhân khác. Theo Li, đây là cách anh trả ơn y bác sĩ đã tận tình điều trị cho mình.
Thời gian đầu tuy còn bỡ ngỡ, nhưng qua sự hướng dẫn của các bác sĩ, đến nay Li đã thuần thục các công việc như thay bình oxy, đút bệnh nhân ăn, chùi dọn phòng, phát cơm… Không kể ngày hay đêm, khi bệnh nhân cần, Li luôn có mặt.
Đến khi nào bệnh viện "sạch bóng" Covid-19 mới về...
“Chưa bao giờ mình nghĩ có ngày sẽ tham gia chăm sóc bệnh nhân như thế này. Bản thân trải qua những giây phút có thể nói là sinh tử nên mình hiểu được cảm giác của người bệnh và sự vất vả của đội ngũ y bác sĩ như thế nào. Mình sẽ tình nguyện ở lại đây đồng hành với y bác sĩ và các bệnh nhân F0 cho đến khi nào bệnh viện sạch bóng Covid-19”, Li bày tỏ.
Theo Li, đa số những người nằm ở đây đều lớn tuổi, có bệnh nền, rất cần sự trợ giúp, kể cả về tâm lý. Mỗi khi chăm sóc các bệnh nhân lớn tuổi, thấy họ lo lắng, hoang mang, có người bỏ ăn bỏ uống..., anh thường an ủi, động viên bằng những câu nói lạc quan để họ vượt qua bệnh tật.
“Vấn đề nào ngoài khả năng, không thể tự hỗ trợ, mình gọi bác sĩ, điều dưỡng đến giúp. Giờ thì mình được nhiều người yêu quý, bệnh nhân khi xuất viện cũng tìm mình cho bằng được để nói lời chào, lời cảm ơn”, Li chia sẻ.
Bà Huỳnh Thị Quế, Phó chủ tịch UBND xã Hiệp Hòa, cho rằng nhiều nơi đang kêu gọi F0 khỏi bệnh quay trở lại hỗ trợ bệnh nhân dương tính Covid-19, thậm chí trả lương cho những F0 đó, thì câu chuyện Đặng Ngọc Li tình nguyện ở lại rất ý nghĩa, nhân văn.
“Việc làm của anh Li là xuất phát từ cái tâm, thể hiện tình thương người trong hoàn cảnh khó khăn. Địa phương đánh giá rất cao những việc làm nhân văn này. Mong rằng việc làm này có thể lan tỏa tới nhiều bạn trẻ gặp trường hợp như Li, để đại dịch Covid-19 sớm được đẩy lùi”, bà Quế nói.
Ông Nguyễn Thanh Thảo, Giám đốc BV Phạm Ngọc Thạch, cũng hết lời khen ngợi. “Hiện nay bệnh viện đang thiếu hộ lý, mà hộ lý thuê ở ngoài không được vì ai cũng sợ lây nhiễm. Việc anh Li tình nguyện ở lại chăm sóc bệnh nhân bị nhiễm Covid-19 thời điểm này là điều vô cùng quý giá. Anh là một tình nguyện viên đặc biệt. Chúng tôi vô cùng trân quý sự đóng góp này”, ông Thảo nói.
Bình luận (0)