'Nam tiến' mưu sinh, bản làng chỉ còn người già và trẻ nhỏ

30/06/2023 08:54 GMT+7

Trâu, bò rớt giá kéo dài, người dân ở các huyện biên giới Kỳ Sơn, Tương Dương (tỉnh Nghệ An) ồ ạt kéo nhau vào các tỉnh phía nam để làm thuê, khiến nhiều bản làng trở nên vắng vẻ.

Ở nhà chủ yếu là người già và trẻ em

Con đường đất vào bản Kẻo Nam (xã Bắc Lý, H.Kỳ Sơn) ngoằn ngoèo dốc đá. Từ trung tâm xã, mất gần 2 giờ chạy xe máy mới đến được bản biên giới này, nơi sinh sống của đồng bào Khơ Mú.

Hơn 10 năm về trước, bản này nằm ở bên kia con núi, được nhiều người địa phương biết đến là bản có nhiều ngôi nhà sàn bằng gỗ to, đẹp. Năm 2012, H.Kỳ Sơn thực hiện di dân ra gần hơn với trung tâm xã nhằm tạo điều kiện cho người dân Kẻo Nam thuận lợi hơn để làm ăn, sinh sống, đi lại.

Ồ ạt rời bản làng để mưu sinh - Ảnh 1.

Lực lượng công an hỗ trợ các cháu nhỏ đón xe vào miền Nam thăm bố mẹ

KHÁNH HOAN

Vùng đất mới cách nơi ở cũ khoảng nửa giờ chạy xe máy. Đó là một quả đồi cao đã được san bằng để người dân dựng nhà. Tuy nhiên, kể từ đó, cuộc sống người dân lại "xuống dốc" khi ma túy len lỏi đến bản. Cuộc sống bám nương rẫy quá khó khăn, người dân kéo nhau vào các tỉnh phía nam làm thuê. Kẻo Nam có 57 hộ dân nhưng đến nay chỉ còn 50% số gia đình có người ở nhà, chủ yếu là người già và trẻ em. Nguyên bí thư chi bộ bản cũng đã rời bản đi làm ăn.

Năm 2021, anh Cụt Văn Định, Phó ban Chỉ huy quân sự xã Bắc Lý, được điều động đến làm Bí thư Chi bộ bản Kẻo Nam, để thay thế cho người tiền nhiệm trước đó.

Ông Nguyễn Viết Dũng, Phó bí thư Đảng ủy xã Bắc Lý, cho biết sinh kế lâu dài cho người dân Kẻo Nam còn rất khó khăn nên hàng năm, lãnh đạo xã đã phối hợp với Binh đoàn 15 (Bộ Quốc phòng) để tuyển lao động vào cạo mủ cao su ở Gia Lai. Nhiều gia đình cả vợ lẫn chồng đều vào đó làm việc, để con cái ở nhà gửi cho ông bà, một số cặp vợ chồng mang cả con cái đi theo.

Năm 2021, chạy dịch Covid-19, nhiều người đi làm ăn xa đã trở về bản làng. Tuy nhiên, hiện nay những bản làng ở vùng rẻo cao này lại vắng hoe khi người dân tiếp tục rời quê, quay vào miền Nam tìm kiếm việc làm.

Toàn H.Kỳ Sơn có khoảng 80.000 người, nhưng theo báo cáo của H.Kỳ Sơn khoảng 12.000 người đã rời quê đi làm ăn xa.

Tương tự câu chuyện ở Kỳ Sơn, tại H.Tương Dương, người dân cũng ồ ạt rời quê. Anh Xồng Bá Chớ, Trưởng bản Phà Lõm (xã Tam Hợp, H.Tương Dương), cho hay bản có 128 hộ dân nhưng đến nay có 156 người đã rời bản đi làm ăn xa. "Người dân ở nhà, ngoài lên rừng thì không biết làm gì để kiếm tiền nên phải đi thôi", anh Chớ nói.

Ở cách Phà Lõm không xa là bản Huồi Sơn (xã Tam Hợp), bây giờ cũng vắng ngắt. Những ngôi nhà nằm dọc hai bên con đường bê tông ngoằn ngoèo bên sườn núi đóng cửa im lìm. Thấy chúng tôi loay hoay ở đầu bản, một cụ già nói: "Đi làm ăn cả rồi, khoảng 80% người lớn trong bản đã đi làm ăn xa".

Cách Huồi Sơn chừng 7 km là bản Văng Môn (xã Tam Hợp). Anh Lương Văn Thuận, Trưởng bản Văng Môn, cho biết bản có 79 hộ dân, đến nay hầu hết đã đi làm ăn xa, chủ yếu là làm công nhân ở Binh đoàn 15. Ở nhà chỉ còn người già và trẻ em.

Vượt hàng nghìn cây số thăm bố mẹ

Ông Lê Hồng Lập, Trưởng phòng LĐ-TB-XH H.Kỳ Sơn, cho biết mỗi năm vào dịp tết Nguyên đán, những người lao động ở xa về đoàn tụ với gia đình. Ra tết, những chiếc xe khách của Binh đoàn 15 lại đến tận huyện để đón các lao động quay trở lại làm việc. Nhiều gia đình đi cả vợ lẫn chồng, con cái gửi lại cho ông bà nội, ngoại hoặc họ hàng chăm sóc.

Vì thế, khi được nghỉ hè, những đứa trẻ ở đây đã tự đón xe khách vào Nam để thăm bố mẹ. Việc trẻ em di chuyển hàng nghìn cây số mà không có người thân đi cùng tiềm ẩn nhiều rủi ro nên H.Kỳ Sơn đã có văn bản đề nghị UBND các xã nắm bắt tình hình, yêu cầu người thân cử người đi cùng và có biện pháp đảm bảo an toàn cho cháu trong quá trình di chuyển.

Tuy nhiên, do hoàn cảnh gia đình nên theo ông Lập, phần lớn các cháu vẫn phải tự đi. Để hỗ trợ các cháu trên hành trình, Công an H.Kỳ Sơn cùng chính quyền địa phương tổ chức phát miễn phí sữa, nước uống, bánh kẹo và đề nghị các nhà xe hỗ trợ giảm giá vé.

Chị Hà Thị Hạnh, chủ xe khách chuyên chạy tuyến Mường Xén (H.Kỳ Sơn) - bến xe Miền Đông (TP.HCM), cho hay có những chuyến xe vào Nam, nhà xe của chị chở gần 30 khách là trẻ em vào thăm bố mẹ. Chia sẻ và hỗ trợ cho các cháu, chị Hạnh phải thuê thêm 3 người để phụ quản lý, chăm sóc các cháu, nhất là mỗi khi xuống ăn cơm hay vệ sinh hàng ngày.

Để nhà xe trả khách đúng địa chỉ, trước khi xe lăn bánh, người thân các cháu phải cung cấp đầy đủ thông tin tên tuổi, số điện thoại, địa chỉ của bố mẹ. Nhà xe ghi thông tin vào cuốn sổ rồi thường xuyên giữ liên lạc với người thân các cháu trong suốt hành trình.

Chị Hạnh chia sẻ thêm, với mỗi hành khách trẻ em này, nhà xe chỉ thu 1/2 giá vé, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn có thể được miễn phí. Khoảng giữa tháng 8, những hành khách nhỏ tuổi này sẽ quay trở về quê để chuẩn bị đi học trở lại.

Một cán bộ Phòng GD-ĐT H.Kỳ Sơn cho biết, cứ mỗi khi đến dịp nghỉ hè, rất nhiều học sinh ở huyện lại đón xe vào các tỉnh miền Nam để đoàn tụ với bố mẹ. Phần lớn khi hết kỳ nghỉ hè, các em lại quay trở về học tiếp, nhưng cũng có một số em không quay về khi các em được bố trí học tập trong đó. Ngoài ra, không ít trường hợp học sinh ở bậc THCS bỏ học để ở lại đi làm. Đó cũng là lý do khiến khá nhiều học sinh ở H.Kỳ Sơn không còn quay lại trường vào dịp đầu năm học mới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.