Lăng kính bạn đọc:

Nạn 'chặt chém' gây tiếng xấu cho du lịch

08/10/2023 06:35 GMT+7

Nhiều ý kiến bức xúc cho rằng dù đã được phản ánh nhiều lần nhưng nạn 'chặt chém' du khách nước ngoài vẫn chưa được xử lý rốt ráo, ảnh hưởng rất xấu cho du lịch.

Như Thanh Niên thông tin, chị Becky Chan (37 tuổi, người Đài Loan sống tại VN từ năm 2009) vừa đăng tải lên mạng clip người bán hàng rong, đánh giày ở TP.HCM hét giá 50.000 đồng/trái dừa, đánh giày 350.000 đồng/đôi, để cảnh báo.

Nạn 'chặt chém' gây tiếng xấu cho du lịch - Ảnh 1.

Gia đình một du khách bị hét giá 350.000 đồng cho lần đánh giày

Cắt từ clip

Theo đó, mở đầu clip, chị giới thiệu đang đứng ở Bảo tàng TP.HCM trên đường Lý Tự Trọng (Q.1, TP.HCM). "Tôi sẽ thử xem những người bán dừa ở đây lừa đảo khách du lịch như thế nào. Tôi cũng ăn mặc giống khách du lịch hơn, tôi cũng đi giày thể thao và mang theo một cuốn sách du lịch", Becky Chan mở đầu clip. Khi chị đang đi trên vỉa hè quanh bảo tàng thì có người đàn ông gánh theo thùng xốp bắt chuyện và chỉ đường. Sau đó, người đàn ông lấy 1 trái dừa đưa cho chị và báo giá 150.000 đồng. Khi chị hỏi lại lần nữa thì người này hạ giá xuống còn 50.000 đồng. Nữ TikToker cho rằng giá đắt và đi vào bên trong bảo tàng.

Chị cũng quay hình một gia đình người Trung Quốc đang được đánh giày. Trong clip, gia đình này cho hay: "Người ta ra giá 350.000 đồng nhưng tôi nói đắt quá không đưa. Người ta nói 300.000 đồng, tôi nói không. Sau đó người ta nói 200.000 đồng nhưng tôi không đưa". Becky Chan đặt câu hỏi: "Vậy người ta cởi giày của bạn à?". "Đúng rồi, cởi ra ngay. Tôi còn không có thời gian để phản ứng… Sau đó tôi chỉ đưa 50.000 đồng". Gia đình này cũng nói đã mua 2 trái dừa với giá 150.000 đồng.

Chia sẻ với Thanh Niên, chị Becky Chan cho biết thường đi bộ ở Q.1 và mỗi lần đi ngang Bảo tàng TP.HCM thường thấy những người bán dừa. Chị từng đọc về những người này "lừa đảo khách du lịch" nên muốn tự tìm hiểu. Và sự việc diễn ra như clip mà chị đã quay lại. Theo Becky Chan, sau khi chị đăng video, nhiều người đã để lại lời nhắn và chia sẻ rằng họ cũng từng bị tình trạng tương tự.

Xem nhanh 20h ngày 6.10: Cách nào dẹp nạn hàng rong chèn ép khách?

Gặp tình trạng này, du khách sẽ "một đi không trở lại"

Nhiều ý kiến cho rằng việc làm xấu xí của một số người như nêu trên ảnh hưởng rất lớn đến môi trường du lịch. "Một số người vì tiền mà bất chấp tất cả rồi ảnh hưởng đến bộ mặt du lịch quốc gia. Những hành vi này cần phải lên án mạnh mẽ, xử lý nghiêm chứ không thể để những con sâu làm rầu nồi canh như vậy", bạn đọc (BĐ) Minh Nam bức xúc.

Tương tự, BĐ Huyen Trang ý kiến: "Du lịch VN đang bị ảnh hưởng không nhỏ bởi tình trạng chặt chém, chèo kéo khách hiện nay. Nếu tình trạng này không được xử lý triệt để sẽ khiến khách du lịch nảy sinh tâm lý e ngại khi đến VN. Trong khi rất nhiều chính sách đang được đưa ra để kích cầu du lịch thì những đối tượng này đang cản trở rất nhiều".

"Một số người vì lợi ích riêng mà làm ảnh hưởng đến cái chung. Vấn nạn này đã được phản ánh rất nhiều nhưng dường như vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Trách nhiệm của cơ quan chức năng ở đâu khi những việc này vẫn xảy ra hằng ngày, ảnh hưởng không nhỏ đến bộ mặt du lịch quốc gia?", BĐ Nhat Nam nêu vấn đề. Trong khi đó, BĐ Lệ Đá cảnh báo: "Nếu chính quyền không vào cuộc xử lý triệt để vấn nạn này thì tiếng xấu đồn xa và chuyện khách du lịch "một đi không trở lại" là điều tất yếu".

Phải xử lý tận gốc nạn "chặt chém"

Theo BĐ Vinh An tình trạng lừa lọc du khách xảy ra nhiều năm qua, nhưng khi nhắc đến thì các ngành chức năng lại chỉ phối hợp làm kiểu "chiến dịch", xong đâu lại vào đó, hành vi xấu xí tiếp tục tái diễn như cũ. "Khó giải quyết triệt để vấn nạn này đến thế sao?", BĐ này bức xúc. Cùng góc nhìn, BĐ Huỳnh Trọng ý kiến: "Chúng ta đã nói rất nhiều về tình trạng này nhưng đến giờ vẫn chưa được giải quyết triệt để. Cứ mỗi lần nhắc đến là chính quyền vào cuộc được một thời gian thì đâu lại hoàn đấy. Cần có biện pháp xử lý nghiêm, chặt chẽ hơn để giải quyết tận gốc chuyện này".

"Tôi nhớ trước đại dịch, báo chí cũng thông tin về các đối tượng bán dừa, đánh giày, bán đồ lưu niệm... ở trung tâm TP.HCM như khu bưu điện, dinh Độc Lập, bảo tàng. Nay tình trạng lừa đảo lại tái diễn. Đề nghị chính quyền phải xử lý tận gốc vấn đề. Cần gắn thêm nhiều bảng hướng dẫn cảnh báo ở các ngã tư, có số điện thoại nóng để du khách biết", BĐ Robin đề nghị. Còn BĐ B.Đ khuyến cáo: "Nên nhớ tiếng lành đồn xa nhưng tiếng xấu còn được đồn xa hơn. Người nước ngoài rất ít khi nghe người bản xứ giãi bày mà họ sẽ tin thông tin do người nước họ hay du khách đã từng trải nghiệm đưa lên. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần vào cuộc xử lý rốt ráo vấn đề này. Đừng để vài "con sâu" làm ảnh hưởng đến cả ngành du lịch".

Chừng nào cơ quan chức năng còn lỏng lẻo ở khâu quản lý thì tình trạng này vẫn sẽ còn và trở thành mối đe dọa đến sự phát triển của du lịch nước nhà.

Văn Anh

Chúng ta đề ra nhiều chính sách kích cầu du lịch, nhưng lại quên rằng phải xây dựng một môi trường du lịch đẹp mà điều cần làm là giải quyết triệt để những trường hợp chèo kéo, lừa gạt khách như thế này.

Ngoc Tuyet


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.