Hàng loạt mặt hàng xuất khẩu chủ lực, những ngành được xem là chỗ dựa của nền kinh tế đều sụt giảm mạnh.
Các doanh nghiệp phải tự thay đổi về chất để tăng cạnh tranh - Ảnh: Chí Nhân |
Tính đến tháng 11.2015, tổng kim ngạch xuất khẩu (XK) sản phẩm nông nghiệp ước đạt 27,4 tỉ USD, giảm 1,9% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó các mặt hàng XK chính đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước như: cà phê giảm trên 30%, cao su 15,5%, thủy sản giảm 16,4%... Trong nhóm này đáng chú ý là mặt hàng gạo, XK 11 tháng đạt 6,24 triệu tấn trị giá 2,65 tỉ USD, tăng 3,6% về khối lượng nhưng giảm 4,9% về giá trị; giá gạo XK bình quân đạt 426,04 USD/tấn, giảm 7,4% so với cùng kỳ năm 2014. Trong nhóm hàng thủy sản, đặc biệt là mặt hàng tôm kim ngạch XK giảm gần 1 tỉ USD.
Thế mạnh đang yếu
Là một trong những mặt hàng XK chủ lực của VN, ngành dệt may luôn có mức tăng trưởng trên 10% qua các năm trước. Từ đầu năm nay, kế hoạch đưa ra là đạt kim ngạch XK từ 27 - 27,5 tỉ USD. Tuy nhiên thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy đến hết tháng 11.2015, tổng kim ngạch XK hàng dệt may chỉ mới đạt 20,6 tỉ USD, còn quá xa so với mục tiêu đề ra. Còn nếu so với mục tiêu 23 tỉ USD được Bộ Công thương điều chỉnh vào tháng 9.2015 thì cũng không dễ đạt. Đại diện Tập đoàn dệt may VN nhận định: trong năm 2015 có nhiều diễn biến gây bất lợi cho ngành dệt may VN. Cụ thể, việc nhiều nước phá giá nội tệ, như nhân dân tệ, rupee (Ấn Độ) và rupiah (Indonesia)... khiến mặt bằng giá sản phẩm dệt may các nước giảm xuống cạnh tranh trực tiếp với VN. Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM, thì nhận xét: “Tình hình XK của năm 2016 cũng chưa có gì rõ nét, các doanh nghiệp đều đang cố gắng để tìm kiếm đơn hàng và chỉ khoảng 80% doanh nghiệp có đơn hàng trong đầu quý 1/2016 với mức giá tương đương năm nay”, ông Phạm Xuân Hồng nói.
|
Thay đổi về chất
Tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) và việc Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được thông qua sẽ mở ra cho VN nhiều cơ hội thị trường mới. Song với xu hướng thương mại tự do đó là các yêu cầu về chất lượng hàng hóa ngày càng cao, tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, rào cản kỹ thuật... Theo ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại: “Về nguyên tắc các nước nhập khẩu họ có quyền dựng lên các rào cản này. Việc của chúng ta là phải chứng minh nó vô lý và không có cơ sở khoa học. Nhưng theo tôi chúng ta chưa có đủ năng lực đó. Chính vì vậy, vấn đề quan trọng của chúng ta là phải thay đổi về chất trong từng sản phẩm của mình theo các tiêu chuẩn chung của thế giới”. Nhận thức được vấn đề này, Hiệp hội Cà phê - Ca cao VN (Vicofa) khuyến cáo các doanh nghiệp cần đầu tư nhiều hơn về công nghệ chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm.
TS Nguyễn Văn Ngãi, Trưởng khoa Kinh tế - Trường đại học Nông Lâm TP.HCM, khẳng định: “Nếu không tự thay đổi để đảm bảo chất lượng sản phẩm đồng đều, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thì nguy cơ không bán được hàng ra thế giới là điều chắc chắn. Ngược lại, các sản phẩm nông lâm thủy sản nhập khẩu vào VN lại gia tăng nên ngành nông nghiệp sẽ bị thua toàn tập”.
Bình luận (0)