Nạn HLV 'dỏm' đang làm xói mòn tham vọng siêu cường của bóng đá Trung Quốc

15/03/2019 20:30 GMT+7

Những kẻ trung gian tham lam cùng những HLV 'dỏm' hoặc kém chất lượng đang tranh thủ kiếm chác khi Trung Quốc sẵn sàng chi mạnh tay để phát triển bóng đá ở các địa phương. Chính những kẻ này đã hủy hoại tham vọng trở thành siêu cường bóng đá của đất nước đông dân nhất thế giới.

Theo chỉ thị của Chủ tịch Tập Cận Bình - nhà lãnh đạo Trung Quốc từng nhiều lần chia sẻ niềm đam mê to lớn đối với bóng đá, nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới đang dồn nguồn lực để phát triển bóng đá trong nước. Trọng tâm của kế hoạch này là ngày càng có nhiều người trẻ chơi bóng trong các trường học, CLB và học viện. Trong khi đó, Bộ Giáo dục Trung Quốc lập kế hoạch đến năm 2025 sẽ có 50.000 “trường học có đặc điểm là đào tạo bóng đá”.
Học viện và trung tâm đào tạo trẻ ở Trung Quốc mọc lên như nấm nhưng đang bị lợi dụng để kiếm chác AFP
Tuy nhiên, có 5 người làm việc với bóng đá trẻ ở Trung Quốc đã nói với AFP rằng họ từng gặp phải những HLV sử dụng chứng chỉ huấn luyện giả. Nhiều người trong cuộc nói rằng đôi khi chỉ cần là người đến từ nước ngoài là đủ để có công việc. Vì thế nên những người được gọi là HLV - người Trung Quốc và người nước ngoài - đã đổ xô vào để kiếm chác từ những dòng tiền đang đổ vào bóng đá Trung Quốc.
Cựu tiền đạo quốc tế Xie Hui - hiện là trợ lý HLV của CLB Shanghai SIPG vô địch CSL (Giải bóng đá vô địch quốc gia Trung Quốc), nói rằng đang có “một vấn đề rất lớn” trong đào tạo bóng đá trẻ. AFP trích dẫn phát biểu của Xie Hui cho biết: “Cho dù bạn có giao cho họ Wu Lei (tiền đạo trẻ tài năng có biệt danh Messi Trung Quốc, đã rời SIPG để đầu quân cho CLB Espanyol của Tây Ban Nha ), thì họ cũng sẽ làm thui chột tài năng của anh ta, đó là thực tế. Chẳng có gì được cải thiện trong 20 năm qua, vì rằng không có một cấu trúc hiệu quả”.

tin liên quan

Trung Quốc điều tra nghi vấn trọng tài hàng đầu bán độ

Bóng đá Trung Quốc vừa mở một cuộc điều tra, đánh giá về một trong những trọng tài hàng đầu quốc gia sau một trận hòa gây tranh cãi ở giải hàng đầu nước này (Chinese Super League - CSL) bị nghi dàn xếp tỷ số.

Mặc dù dân số lên đến 1,4 tỉ người, nhưng Trung Quốc chỉ mới 1 lần giành được quyền tham dự World Cup. Tại vòng chung kết của kỳ giải năm 2002, Trung Quốc đã bị loại mà không bỏ túi được 1 điểm, thậm chí cũng chẳng ghi được bàn thắng nào. Chính phủ Trung Quốc đang rót tiền vào bóng đá trẻ, nhưng ông Xie Hui cho biết những khoản tiền đó thường bị sử dụng lãng phí. Ông cáo buộc chuyện một số trường học thậm chí còn bịa ra thành tích dù chẳng thi đấu trận nào.
Một HLV có trình độ tốt - không muốn tiết lộ danh tính vì ông không được phép trao đổi với truyền thông, nói rằng đang xảy ra tình trạng “ai cũng có thể tham gia làm HLV” và than thở chuyện một số HLV vô liêm sĩ đã gieo tiếng xấu cho những HLV còn lại. Mario Castro - người có giấy phép UEFA B từ Liên đoàn bóng đá Bồ Đào Nha, cũng vẽ một bức tranh ảm đạm tương tự.
Là đất nước đông dân nhất thế giới nhưng tuyển quốc gia Trung Quốc (phải) mới chỉ một lần dự VCK World Cup AFP
Castro, người đã làm việc tại Trung Quốc từ năm 2016 và hiện là giám đốc kỹ thuật cho thỏa thuận hợp tác giữa CLB Toulouse của Pháp với bóng đá Trung Quốc ở Thâm Quyến, nói: “Chúng ta có 3 vấn đề lớn ở Trung Quốc: HLV dỏm, HLV không đủ chuẩn và HLV không có kiến thức. Ở những thành phố nhỏ, các học viện hay công ty cần một gương mặt nước ngoài, thậm chí cho dù HLV đó không có bằng cấp hay chứng nhận của UEFA. Còn ở những thành phố lớn có một thị trường khổng lồ về HLV bán thời gian, và hầu hết những HLV đó không có chứng chỉ hành nghề HLV hoặc chứng chỉ làm việc với trẻ em, vì rất khó để tìm được một HLV thật sự chỉ làm việc vài giờ mỗi tuần”.
Trước thông tin trên, Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc (CFA) từ chối bình luận về tình trạng của bóng đá nước này theo đề nghị của AFP.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.