Ngày 10.4, Công an TP.HCM cho biết vẫn đang mở rộng điều tra vụ án, kêu gọi nạn nhân đến trình báo liên quan đến vụ án bị can Phùng Thị Nghệ (36 tuổi) lừa đảo chiếm đoạt 650 tỉ đồng.
Tạo niềm tin, đánh vào lòng tham
Công an TP.HCM đang thu thập chứng cứ, xử lý những người liên quan, giúp sức Phùng Thị Nghệ phạm tội, nếu có. Công an đang điều tra, xác minh hàng trăm tỉ đồng mà Phùng Thị Nghệ lừa đảo của các nạn nhân đã dùng làm việc gì, chuyển đi đâu?
Các nạn nhân tố cáo Phùng Thị Nghệ trên mạng xã hội |
NẠN NHÂN CUNG CẤP |
Theo Công an TP.HCM, chiêu thức của bị can Nghệ là tạo niềm tin với người đã quen biết, sau đó vẽ ra các dự án làm ăn với lợi nhuận cao, rủ những người này góp vốn vào.
Trong thời gian đầu (khoảng 1 năm), bị can Nghệ trả lợi nhuận (với lãi suất rất hấp dẫn) cho các nạn nhân đầy đủ, đúng thời gian như cam kết. Khi các nạn nhân đã tin tưởng và hưởng lợi nhuận rất cao từ việc góp vốn cho Phùng Thị Nghệ kinh doanh thì Nghệ vẽ ra những dự án lớn hơn đó là thành lập “ngân hàng ngoại hối”.
Phùng Thị Nghệ trước và sau khi bị Công an TP.HCM bắt giam |
CÔNG AN CUNG CẤP |
“Ngân hàng ngoại hối” lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam mà bị can Nghệ vẽ ra rất phù hợp với ngành nghề Công ty CP Tập đoàn Việt Hưng Phát (nơi Phùng Thị Nghệ làm Chủ tịch HĐQT). Bên cạnh đó, Nghệ luôn thể hiện cho các “đối tác” của mình biết cuộc sống xa hoa, giàu có và khối tài sản khổng lồ của mình và công ty.
Phùng Thị Nghệ luôn chuyển vào nhóm trò chuyện trên Zalo, Viber, Facebook với các “đối tác” những phiếu chi, chuyển tiền của ngân hàng với số tiền vài chục tỉ cho đến hàng trăm tỉ đồng. Từ đó, các nạn nhân đã tin tưởng Phùng Thị Nghệ là doanh nhân trẻ, làm ăn đàng hoàng và việc thành lập ngân hàng ngoại hối là hoàn toàn có cơ sở, nên các nạn nhân đã dốc hết tài sản để góp vốn làm cổ đông.
Nạn nhân lấy lại tiền bằng cách nào?
Liên quan đến vấn đề này, luật sư Võ Đan Mạch (Công ty luật TNHH MTV Ta Pha) cho biết các nạn nhân có thể nhận lại số tiền của mình sau khi bản án của tòa có hiệu lực và được thi hành án.
Phùng Thị Nghệ khoe giấy chuyển 100 tỉ đồng cho các "đối tác" tin tưởng |
NẠN NHÂN CUNG CẤP |
Theo luật sư Mạch, thi hành án là khâu cuối cùng, có vai trò quan trọng trong việc đưa các bản án, quyết định đã có hiệu lực của tòa án thi hành trong thực tế.
Trong các vụ án hình sự nhưng có liên quan đến phần dân sự, việc thi hành bản án sẽ gồm hai phần. Đối với phần hình sự thì cơ quan có thẩm quyền sẽ chủ động tổ chức thi hành với bị cáo và việc này sẽ được thực hiện theo quy định của luật Thi hành án hình sự. Đối với phần dân sự, các quyết định dân sự về nghĩa vụ trả tiền, bồi thường thiệt hại của bị cáo, việc thi hành án sẽ tuân theo các quy định của luật Thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014 và chỉ được tiến hành khi có yêu cầu thi hành án của người được thi hành án.
Một điểm lưu tâm trong vụ án nói trên, là số tiền mà bà Phùng Thị Nghệ đã chiếm đoạt từ các bị hại là rất lớn, và sau khi bản án có hiệu lực, công tác tổ chức thi hành án sẽ được đặt ra, như vậy việc tổ chức thu hồi số tiền mà bà Nghệ đã chiếm đoạt từ các bị hại để trả lại cho các bị hại sẽ được tiến hành, xử lý theo trình tự:
Các nạn nhân của Phùng Thị Nghệ có đơn yêu cầu kèm theo các tài liệu liên quan (như bản án đã có hiệu lực pháp luật, tài liệu nhân thân của người yêu cầu,…) và nộp tại Cục Thi hành án dân sự TP.HCM; Cục Thi hành án dân sự TP.HCM sẽ kiểm tra nội dung yêu cầu và các tài liệu kèm theo, vào sổ nhận yêu cầu thi hành án và thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu và ra quyết định thi hành án; Cục Thi hành án dân sự TP.HCM sẽ hoàn tất các thủ tục và tổ chức thi hành án theo đúng quy định.
Bình luận (0)