Đ. rùng mình kể lại: “Những lần sau khách đến, chúng hơ sẵn đũa sắt đỏ rực, em không hiểu tiếng Trung, chúng ra hiệu nếu em không nghe lời sẽ gí đũa sắt đó vào da thịt em. Đau đớn, sợ hãi, em nhắm mắt chấp nhận”.
tin liên quan
Nạn nhân của bọn buôn người: Bị người thân đem bánNhững cô gái bị lừa bán sang Trung Quốc, bị bóc lột sức lao động, trở thành công cụ kiếm tiền của các tay ma cô, chủ nhà chứa, bị bán về nhà “chồng”...
Tủi nhục nơi đất khách
Khủng khiếp hơn, khi ban ngày chúng bắt chị tiếp 7 - 8 lượt khách, ban đêm chúng bán chị làm “vợ” cho một gã Trung Quốc lớn hơn mình 20 tuổi. Sau mỗi lần khách ra về chúng bắt chị cởi hết quần áo để kiểm tra có giấu tiền không. Lau ngang dòng nước mắt, Đ. nói tiếp: “Chỗ em bị nhốt còn có mấy cô gái VN nữa, nhưng chúng em không được phép nói chuyện. Đến bữa ăn, thức ăn được đưa lên đặt trong phòng và luôn có người canh giữ”.
|
Còn T.M.A (17 tuổi, quê Bắc Giang) thì bị bắt bán cho một gia đình. Ngày ngày làm việc trên những nương ngô, tối đến phục vụ gia đình chồng. Chị nói: “Lúc ấy em chỉ mới 17 tuổi, không hiểu tiếng nói, nên em cứ lầm lũi như con rùa nơi xó cửa, tưởng chừng quên luôn cách giao tiếp, cả ngày không có tiếng nói, đôi lúc miệng khô phải ngậm miếng nước cho thông cuống họng”. Hoang mang và lo sợ tột độ, nhưng cô không thể nào trốn thoát trước sự canh chừng của “nhà chồng”.
Cùng cảnh với T.M.A là P.T.T (21 tuổi, Vĩnh Phúc), T. bị gả cho một người đàn ông nhỏ hơn 2 tuổi. Có gì không vừa ý, người chồng sẵn sàng thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với chị. Chị cứ lầm lũi chịu đựng, nuôi hy vọng trốn thoát. Còn H.T.H.N (24 tuổi, Lào Cai), sau khi đưa chị sang biên giới, N. bị bán về làm dâu cho ngôi nhà nghèo nhất làng. Chị buồn bã nói: “Nhà “chồng” nghèo nhất vùng bên đó nên không có tiền cưới vợ cho con. Vì thời gian trước em có học lỏm tiếng Trung, nên biết được nhà họ vay tiền để mua em về làm vợ, vì thế bằng mọi cách phải sử dụng em hết mức có thể”.
Không phải làm vợ, không phải tiếp khách, nhưng L.T.H (20 tuổi, quê Yên Bái) bị bóc lột sức lao động đến kiệt quệ. H. và những người khác bị nhốt trong một khu xưởng, bắt làm việc liên tục mà không nhận được một đồng tiền lương nào... H. kể lại: “Nghĩ làm bọc điện thoại đơn giản, ngờ đâu họ bắt em làm sản xuất dây phone điện thoại. Ngồi liên tục cả ngày, người tê cứng mà vẫn phải làm, nếu lơ là sẽ có người giám sát dùng roi mây quất vào người”.
Vật lộn tìm đường trốn thoát
Các cô gái ấy đều canh cánh một suy nghĩ làm sao chạy thoát. Có người trốn chạy trong đêm, có người lợi dụng lúc đi chợ, có người may mắn được người dân thương tình giúp đỡ...
Đ. kể khi bị giam giữ, cô đã nhiều lần bỏ trốn nhưng bất thành. Mỗi lần bị bắt lại là có thêm một “bài học” ám ảnh. Bọn chúng hành hạ chị bằng cách lấy đinh đâm vào các đầu ngón chân, dùng búa đập vào đầu gối. Nhưng chị chưa bao giờ từ bỏ ý định bỏ trốn, Đ. nói: “Chúng đánh đập nhưng mình không sợ, cho dù chết dọc đường còn hơn quay về đó”.
May mắn gặp được người tốt, hôm đó, người phụ nữ thường xuyên mang rau củ cung cấp cho nhà chứa, cố tình để hé cửa và cho Đ. gần 300 nhân dân tệ (khoảng 1 triệu đồng) để trốn chạy. Chị mất 2 ngày, 2 đêm ròng rã băng rừng, vượt suối mới tìm ra được đường, bắt xe về cửa khẩu Lạng Sơn. Nhưng do không có giấy tờ tùy thân chị bị giữ lại, may mắn sau đó có người giúp về VN.
Tương tự, dù bị canh chừng nghiêm ngặt, chị N. cũng luôn chờ thời cơ. Trong một lần được đưa đi chợ sắm đồ cưới, chị để ý đường rồi lén bỏ chạy ra đến bến xe huyện thì bị bắt lại. Lần thứ hai, khi đi làm rẫy, chị men theo con đường mòn ra đến khu phố nhỏ, nhưng chưa được bao xa thì đã thấy họ đã đứng sẵn phía trước. Mỗi lần bị bắt về, cả nhà chồng thi nhau đánh đập N. không thương tiếc. N. không nản lòng và đã trốn thoát trong lần thứ ba. “Đó là một đêm tháng 7, đề phòng em bỏ trốn nên mỗi khi đi ngủ họ giấu cả quần áo. Nửa đêm, em giả vờ đi vệ sinh rồi leo rào bỏ trốn, lúc ấy trên người chỉ có manh áo mỏng, chiếc quần đùi, không có cả dép để đi”, N. ngậm ngùi nói. Sau hai ngày băng rừng, vừa lạnh vừa đói, đôi chân tê cứng, nhìn thấy đường ray xe lửa, chị đi theo hướng con tàu chạy, đúng lúc ngã quỵ thì may mắn có xe khách ngang qua, cái vẫy tay yếu ớt đã giúp chị về với gia đình.
Không khác gì mấy, chị A. bị bán cho nhà chồng giàu có hơn, được cho sử dụng điện thoại, nhưng chỉ có chữ Hoa và bị cài định vị nên không gọi được về nhà. A. kể lại: “Qua mạng Zalo, em chat với mẹ và chụp những hóa đơn khi mua hàng hay những địa chỉ ngoài đường mỗi khi đi chợ, gửi về cho mẹ. Sau 2 tháng, gia đình tìm ra địa chỉ và bỏ ra số tiền không nhỏ để cứu em về VN”.
Bình luận (0)