|
Người dân ở làng Nước La (thôn Đăk Xủ, xã Đăk Long, H.Kon Plông, Kon Tum) rất bất ngờ khi nghe tin Y Nôn, con của anh A Hành và chị Y Đương, còn sống trở về. Khi Y Nôn từ xe ô tô của Sở VH-TT-DL tỉnh Kon Tum bước xuống, nhiều tiếng xì xầm: “Nó từ cõi chết trở về đấy”. Ngoài gia đình, người hạnh phúc nhất khi nghe tin Y Nôn khỏi bệnh trở về có lẽ là bà Võ Thị Lễ, Bí thư Đảng ủy xã Đăk Long. Bà Lễ đón xe đò xuống tận Trung tâm bệnh xã hội Kon Tum (nơi bàn giao cháu Y Nôn) thật sớm để đón Y Nôn và luôn ôm chặt cháu trên đường về.
Bà Lễ kể, đầu năm, khi thấy bé Y Nôn trong lều ở bìa rừng như cái cột nhà cháy, như xác ướp Ai Cập trên tivi, không ai dám nghĩ sẽ cứu sống được em. Vết thương loét khắp người Y Nôn, người nhà phải dùng tro bếp xát lên cho khô. Khi bà Lễ bồng Y Nôn từ bìa rừng xuống làng và đưa đến Trung tâm y tế H.Kon Plông, hầu như cán bộ, nhân viên y tế ở đây đều… bỏ chạy vì mùi hôi thối xộc lên. Khi xuống Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum, thấy cha mẹ Y Nôn không có tiền, các y bác sĩ, cán bộ xã Đăk Long, Sở VH-TT-DL tỉnh Kon Tum góp được 3,9 triệu đồng cho gia đình đưa em xuống điều trị ở Bệnh viện Phong - da liễu Trung ương Quy Hòa.
|
“Hồi Y Nôn nằm trong lều, chỉ mình A Nổ, người anh trực tiếp nuôi bé Y Nôn, thường lui tới. Gia đình Y Nôn đã mời thầy cúng về cúng gà, cúng heo gần chục lần nhưng bệnh không bớt. Biết tin Y Nôn được các bác sĩ điều trị khỏi bệnh, làng chúng tôi không tin chuyện ma rừng đâu”, ông A Dương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đăk Long, nói.
Khi xuất viện, Bệnh viện Phong - da liễu Trung ương Quy Hòa đã bàn giao bé Y Nôn và 49,5 triệu đồng lại cho Sở VH-TT-DL tỉnh Kon Tum và chính quyền xã Đăk Long. Đây là số tiền còn lại trong tổng số 96 triệu đồng do bạn đọc Báo Thanh Niên quyên góp giúp đỡ bé Y Nôn trong 3 tháng điều trị tại bệnh viện. Các bác sĩ đề nghị chính quyền xã Đăk Long cử cán bộ đưa bé Y Nôn đi tái khám tại Trung tâm bệnh xã hội tỉnh Kon Tum hàng tháng.
“Theo khuyến cáo của các bác sĩ, bệnh bé Y Nôn tuy hiếm gặp, dễ điều trị nhưng cũng rất dễ bùng phát. Khi về với làng, các khâu vệ sinh, ăn uống không đảm bảo, bệnh bé Y Nôn dễ tái phát. Hơn nữa, tập tục lạc hậu của người làng cũng là trở ngại không nhỏ đối với việc điều trị dứt bệnh hoàn toàn trong người Y Nôn. Chúng tôi còn phải giám sát, giúp đỡ, hỗ trợ gia đình bé Y Nôn rất nhiều”, bà Lễ nói.
Phạm Anh
Bình luận (0)