Nạn quấy rối tổng đài 114, 115: Truy cứu trách nhiệm hình sự

16/05/2019 08:15 GMT+7

Các ý kiến cho rằng việc quấy rối các tổng đài 114, 115 là hành vi phá hoại, chiếm thời gian, làm chậm chữa cháy, cấp cứu, gây thiệt hại nghiêm trọng, do vậy cần xử lý thật nghiêm khắc, có thể truy cứu trách nhiệm hình sự...

Truy cho ra người quấy rối

Ông Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật Quốc hội, nói: “Hành vi gọi điện thoại tới tổng đài để báo cháy giả là hành vi mang tính phá hoại, hết sức nguy hiểm bởi nó không chỉ làm tốn nguồn lực, nhân lực mà còn có thể dẫn đến việc chỗ cháy thật thì lực lượng chức năng không tới được mà phải điều con người, xe tới những chỗ cháy giả”.
Theo ông Hòa, hiện quy định xử phạt hành chính đã có thì trước hết các cơ quan chức năng cần phải xử phạt nghiêm theo quy định. Bộ Công an, Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) cần truy nguồn gốc gắt gao đối với những đối tượng gọi điện tới các tổng đài PCCC báo tin giả để xử lý thật nghiêm.
“Đối với những trường hợp cố tình quấy rối, báo tin giả, đã xử phạt hành chính nhiều lần mà vẫn tái phạm, mức độ nghiêm trọng thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự chứ không thể để yên thế được. Bên cạnh đó, để xử lý dứt điểm tình trạng này, tôi cho rằng, trước hết phải quản lý chặt vấn đề sim rác. Vừa qua, Bộ TT-TT đã có quy định những người sử dụng sim điện thoại phải đăng ký bằng CMND, thẻ căn cước. Vậy tại sao lại để tình trạng nhiều người sử dụng sim rác quấy rối các tổng đài, báo tin cháy giả mà không xử lý được?”, ông Hòa nói và cho rằng Bộ TT-TT phải xem lại các quy định này và các nhà mạng, doanh nghiệp kinh doanh cũng phải kiểm tra gắt gao để loại bỏ sim rác. Bởi vì không chỉ đối với vấn đề quấy rối tổng đài, báo tin cháy giả, sự tồn tại của sim rác là nguồn cơn của rất nhiều hành vi phạm pháp.
Bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho rằng: Hành vi gọi điện để báo cháy giả ảnh hưởng rất lớn vì việc điều một chuyến xe chuyên dụng cho việc chữa cháy, rồi ưu tiên giao thông là rất tốn kém. Nguy hiểm hơn, là những cuộc gọi trêu đùa, báo tin cháy giả có thể chiếm dụng đường dây dẫn đến tổng đài không tiếp nhận được những cuộc báo cháy thật để xử lý kịp thời.
“Vì vậy, theo tôi những hành vi này phải phạt rất nặng để răn đe. Trong báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện kiến nghị cử tri gửi tới kỳ họp thứ 6 mà chúng tôi sẽ trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 tới, các đại biểu, cử tri cũng đang kiến nghị rất mạnh mẽ về việc rà soát các quy định xử phạt hành chính”, bà Nguyễn Thanh Hải nêu.

Kiến nghị tăng mức phạt

Đối với những trường hợp cố tình quấy rối, báo tin giả, đã xử phạt hành chính nhiều lần mà vẫn tái phạm, mức độ nghiêm trọng thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự chứ không thể để yên thế được

Ông Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật Quốc hội

Liên quan đến nạn quấy phá tổng đài cấp cứu 115, bác sĩ Nguyễn Thành, Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 - Hà Nội, cho biết cuộc gọi quấy rối gọi đến số máy cấp cứu 115 có khi lên đến 80 - 90%/ngày. Trung bình mỗi ngày có khoảng 100 cuộc gọi thật cho các trường hợp có nhu cầu cấp cứu người bệnh. Số gọi thật này quá ít ỏi so với khoảng 700 - 800 cuộc/ngày, thậm chí có ngày cao điểm lên đến 1.400 cuộc gọi đến 115, nhưng cũng chỉ có khoảng 100 cuộc gọi là có nhu cầu cấp cứu thật sự. Cao điểm chỉ riêng một thuê bao đã gọi đến 300 cuộc gọi quấy rối trong 1 ngày, cứ khi nhân viên trực nhấc máy nghe thì bên kia tắt máy.
“Chúng tôi đã có các văn bản đề nghị nhà mạng hỗ trợ và đã có nhiều cuộc họp với các nhà mạng, cơ quan công an cũng vào cuộc tích cực, nhưng thực sự chưa thể giải quyết triệt để vì ngay cả khi phát hiện chính xác số thuê bao và chủ nhân thuê bao thì rồi cũng không chặn số thuê bao đó. Thực sự các cuộc gọi quấy rối tổng đài 115 là hết sức đau đầu. Với 6 đường dây trực tiếp nhận cuộc gọi đến, nếu các cuộc gọi cấp cứu quấy rối quá nhiều như đang xảy ra có thể khiến đường dây bận liên tục, ảnh hưởng việc tiếp nhận những trường hợp có nhu cầu cấp cứu thực sự”, bác sĩ Nguyễn Thành nói.
Theo ông Lê Minh Đức (Phó trưởng ban Pháp chế HĐND TP.HCM), việc cố tình gọi đến số 114, 115 quấy rối, báo giả thông tin hậu quả rất nghiêm trọng, nhưng việc chế tài xử phạt hành chính đối với hành vi coi thường pháp luật này chỉ 5 triệu đồng là quá thấp. Theo ông Đức, cần tăng nặng việc xử phạt và phạt bổ sung như cho đi lao động công ích để có sự cải tạo, hối lỗi. Thậm chí, ông Lê Minh Đức nhấn mạnh: “Trong trường hợp hành vi diễn ra nhiều lần nên xử lý hình sự về tội chống người thi hành công vụ”.
Luật sư Nguyễn Thị Minh Trang thuộc Đoàn luật sư TP.HCM, kiến nghị: "Cần tăng hình phạt để răn đe, thậm chí xử lý hình sự tội chống người thi hành công vụ nếu hậu quả xảy ra lớn và hành vi lặp đi lặp lại nhiều lần, ở tội danh này mức phạt sẽ là bị cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm tù".
Giám sát cuộc gọi
Ngày 15.4, một cán bộ có trách nhiệm ở Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) cho biết trước tình trạng gọi điện quấy rối các đầu số tổng đài, một trong những giải pháp hiện đang được đơn vị này phối hợp với các địa phương thực hiện là Đề án giám sát cuộc gọi.
Theo đó, đối với các đầu số tổng đài sẽ lắp đặt thiết bị chuyên dụng nhận biết thông tin về cuộc gọi. Trong trường hợp bị “nhá máy”, thiết bị sẽ chặn cuộc gọi đối với những số thường xuyên “nhá máy” và phối hợp với các đơn vị viễn thông xử lý. Mặc dù vậy, vị này cũng thừa nhận, thiết bị giám sát cuộc gọi cũng gặp khó khăn với những cuộc gọi “hoang báo” và biện pháp khắc phục tạm thời là phối hợp với địa phương kiểm tra tin báo trước khi xử lý. 
Thái Sơn
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.