Như Thanh Niên thông tin, năm 2019, UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt tiểu dự án cấp nước tưới cho gần 400 ha cà phê tại thôn Tiến Cường, xã Quảng Tiến, H.Cư M’gar nằm trong dự án Phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn phục vụ sản xuất cho các tỉnh Tây nguyên - tỉnh Đắk Lắk (sau đây gọi là dự án). Dự án có tổng mức đầu tư gần 66 tỉ đồng, do Sở NN-PTNT Đắk Lắk làm chủ đầu tư.
Dự án cấp nước từ hồ Buôn Yông về thôn Tiến Cường đến nay vẫn chưa thể hoạt động |
Hoàng Bình |
Năm 2020, dự án được điều chỉnh tổng mức đầu tư lên gần 73 tỉ đồng. Khởi công từ cuối năm 2019, đến tháng 7.2020 thì dự án cơ bản hoàn thành, được nghiệm thu có điều kiện để bắt đầu giai đoạn chạy thử. Tuy nhiên, trong quá trình mở nước từ hồ Buôn Yông về trạm bơm thì liên tục xảy ra tình trạng vỡ ống nước, khớp nối bị rò rỉ tại 13 vị trí.
Sau mỗi lần phát hiện ống vỡ, rò rỉ, các bên liên quan đều cho đào lên để thay ống mới. Mãi đến tháng 11.2020 mới mở nước về đến trạm bơm. Thế nhưng, sau 1 ngày mở nước về trạm bơm lại xảy ra sự cố vỡ ống. Sau đó, việc sửa chữa, khắc phục phải tạm dừng lại để tìm nguyên nhân hư hỏng. Nhưng cho đến nay vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính thức.
Lãng phí tiền tỉ, dân thì lãnh đủ
Bạn đọc (BĐ) Thanh Niên bày tỏ bức xúc trước những công trình làm khổ dân, nghèo đất nước như thế này. “Thời gian qua báo chí liên tục thông tin về các dự án như thế này. Điểm chung của những công trình này là làm xong rồi “đắp chiếu, trùm mền” hoặc đưa vào vận hành được vài ba bữa lại hỏng hóc. Lợi đâu chưa thấy chỉ thấy làm khổ dân, lãnh phí tiền của nhà nước. Thế mà chả thấy ai chịu trách nhiệm gì?”, BĐ Trúc Lam bức xúc.
Tương tự, BĐ Phan Phương viết: “Cần phải điều tra làm rõ có hay không sự khuất tất hoặc sai phạm trong quá trình quản lý, triển khai dự án. Đọc những thông tin về các công trình như thế này thật sự rất bức xúc, không chỉ gây lãng phí nguồn vốn đầu tư của nhà nước mà còn làm khổ dân lành”.
“Một dự án hàng chục tỉ mà chất lượng lại không đảm bảo thì phải truy cứu trách nhiệm của cá nhân, đơn vị liên quan. Không thể để tiền của nhà nước lãng phí một cách vô ích, còn quyền lợi người dân thì bị xâm phạm”, BĐ Minh Lâm ngắn gọn.
“Đã có rất nhiều công trình vừa làm xong chưa đưa vào vận hành đã hỏng, nhiều con đường sử dụng mới vài tháng đã bong tróc, sụt lún, xuống cấp... Ai chịu trách nhiệm? Thiết nghĩ nhà nước cần phải có giải pháp mạnh, triệt để cho vấn đề này”, BĐ Phan Hiển bức xúc.
Truy trách nhiệm đến cùng
Ông Vũ Đức Côn, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Lắk, cho rằng với những khuyết điểm ở dự án trên, từ chủ đầu tư đến các nhà thầu đều phải chịu trách nhiệm. Ông Côn cho hay phía Sở NN-PTNT Đắk Lắk đã mời đơn vị tư vấn kiểm định độc lập đánh giá lại toàn bộ dự án nhằm tìm ra nguyên nhân cụ thể dẫn đến tình trạng vỡ ống nước. Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Lắk cũng đang vào cuộc, làm rõ khuyết điểm, trách nhiệm của các bên liên quan tại dự án trên. “Bỏ hàng chục tỉ đồng vào một công trình mà giờ lại đắp chiếu thì thật lãng phí. Người dân khi nghe về dự án hy vọng đủ điều, rồi giờ thất vọng không kém. Rất mong cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ, xử lý nghiêm để lấy lại niềm tin ở người dân”, BĐ Thế Hoàng ý kiến.
Cùng quan điểm, BĐ Trần Thuận viết: “Tiền của dân của nước chứ đâu phải lá mít. Công trình vài chục tỉ mà vừa đưa vào vận hành đã hư hỏng. Đọc mà rất bức xúc! Cần lắm cơ quan công an vào cuộc làm rõ trắng đen. Phải có những “địa chỉ” cụ thể chịu trách nhiệm về những công trình làm nghèo đất nước này”.
“Có hay không sự khuất tất, buông lỏng quản lý ở các khâu? Vấn đề này rất cần sự vào cuộc của cơ quan công an. Nếu phát hiện sai phạm cần xử lý nghiêm”, BĐ Ngọc Xuyến đề nghị.
* Thật sự cạn lời với những công trình như thế này. Mong cơ quan chức năng làm rõ, xử lý tới nơi tới chốn, đừng cứ mãi “kiểm điểm rút kinh nghiệm”.
Nguyễn Biên
* Nhiều dự án tiền tỉ trước khi thực hiện thì tung hô dữ lắm, xong giữa chừng im ắng và cuối cùng không thấy ngày hoạt động. Trách nhiệm của những người liên quan ra sao? Mong rằng những vụ việc như thế này đừng để rơi vào im lặng.
Phương Uyên
Bình luận (0)