Trước đó, ngày 1.6 hội thảo khoa học này cũng được tổ chức tại Hà Nội.
Mỗi năm thế giới có khoảng 15 triệu người bị đột quỵ
Hai ngày hội thảo với sự tham dự của hơn 600 bác sĩ chuyên khoa nội tim mạch, nội thần kinh, hồi sức tích cực, lão khoa trên cả nước, các chuyên gia trong nước và quốc tế. Hội thảo cũng mở ra diễn đàn thảo luận về thực trạng, thách thức và các bước tiến trong công tác phòng ngừa đột quỵ cho bệnh nhân rung nhĩ không do van tim.
Theo thông tin từ hội thảo, Tổ chức Y tế thế giới cho biết hằng năm trên thế giới có khoảng 15 triệu người bị đột quỵ. Trong số này, có khoảng 5 triệu người bị tàn phế suốt đời và hơn 5 triệu người tử vong, chiếm 10% số ca tử vong toàn cầu. “Đột quỵ là nguyên nhân gây tàn phế hàng đầu với các di chứng nặng nề và có thể vĩnh viễn như liệt, mất giọng nói hoặc thị lực và là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ ba trong số các nguyên nhân gây tử vong”, thông tin Ban tổ chức hội thảo cho biết.
Theo các chuyên gia, đột quỵ là hiện tượng não bị tổn thương, được chia làm 2 nhóm chính gồm đột quỵ thiếu máu não và đột quỵ xuất huyết não. Nguyên nhân của đột quỵ xuất huyết là do vỡ mạch máu não dẫn đến xuất huyết bên trong não. Tuy nhiên, 85% các trường hợp đột quỵ là do thiếu máu cục bộ và gây ra bởi sự gián đoạn nguồn máu nuôi đến não do tắc nghẽn. Khi không còn dòng máu nuôi dưỡng, các tế bào não bị chết do thiếu oxy. Có khoảng 1/5 số ca đột quỵ thiếu máu gây ra bởi bệnh lý rung nhĩ.
“Rung nhĩ là dạng rối loạn nhịp tim thường gặp nhất và có nguy cơ gây đột quỵ cao gấp 5 lần so với ở người không mắc rung nhĩ. Đột quỵ do rung nhĩ cũng thường dẫn đến hậu quả là bệnh nhân phải nằm viện lâu hơn, nguy cơ tàn phế và tử vong cao hơn đột quỵ do những nguyên nhân khác, với tỷ lệ tử vong là 50%”, GS-TS-BS Nguyễn Lân Việt, Chủ tịch Hội tim mạch học Việt Nam, đồng chủ tọa hội thảo tại Hà Nội cho biết.
Về rung nhĩ, GS-TS-BS Nguyễn Lân Việt nhấn mạnh: “Việc phòng ngừa đột quỵ cho bệnh nhân rung nhĩ một cách có hiệu quả là vô cùng quan trọng. Để đạt được hiệu quả phòng ngừa đột quỵ tốt nhất, đặc biệt là trên nhóm bệnh nhân nguy cơ cao như từng bị đột quỵ, suy thận…, bệnh nhân cần tuân thủ chặt chẽ chế độ điều trị của bác sĩ chuyên khoa, tái khám đầy đủ, sử dụng các thuốc kháng đông theo chỉ định, kịp thời thông báo cho bác sĩ về tình trạng bệnh…”.
Kháng đông đường uống mới là khắc tinh bệnh rung nhĩ
“Cập nhật hướng dẫn điều trị mới nhất của Hội nghị tim mạch châu Âu (ESC) năm 2016 và khuyến cáo thuốc kháng đông đường uống mới được xem là liệu pháp chuẩn mới, được ưu tiên sử dụng hơn liệu pháp kháng vitamin K để phòng ngừa đột quỵ cho bệnh nhân rung nhĩ không do van tim,” PGS-TS-BS Phạm Nguyễn Vinh, Phó chủ tịch Hội tim mạch học phía Nam, Giám đốc Chuyên môn Bệnh viện tim Tâm Đức, chủ tọa hội thảo tại TP.HCM cho biết.
|
“Thuốc kháng đông đường uống mới giảm đáng kể tỷ lệ xuất huyết nặng, tỷ lệ xuất huyết nội sọ và tỷ lệ tử vong do xuất huyết so với thuốc kháng vitamin K. Điều này cũng giúp các bác sĩ tự tin và an tâm hơn khi chỉ định bệnh nhân sử dụng thuốc này thay cho liệu pháp warfarin”, PGS-TS-BS Phạm Nguyễn Vinh nhấn mạnh.
“Riêng khu vực châu Á dự kiến sẽ có 72 triệu người bị rung nhĩ vào năm 2050, và 2,9 triệu trong số đó sẽ bị đột quỵ do rung nhĩ. Đây là một gánh nặng rất lớn cho bệnh nhân, gia đình và xã hội. Bayer mong muốn được góp phần giảm bớt gánh nặng này, đặc biệt tại Việt Nam, thông qua cam kết không ngừng đem đến những liệu pháp kháng đông tiên tiến, đồng thời nỗ lực cùng cộng đồng y khoa nâng cao ý thức tuân thủ điều trị của bệnh nhân, từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả phòng ngừa đột quỵ”, bác sĩ Lynette Moey, Giám đốc Nhánh Dược phẩm của Bayer tại Việt Nam cho biết.
Bình luận (0)