Đã chuyển biến nhưng còn thấp
Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) năm 2022 gửi tới Quốc hội (QH) cho hay trong năm, Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTNTC đã chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định, định giá tài sản, nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản. Báo cáo của Chính phủ cũng cho thấy chuyển biến tích cực trong công tác này trong tất cả các giai đoạn từ điều tra đến thi hành án; đặc biệt là trong giai đoạn điều tra. Cụ thể, trong năm 2022, tổng số vụ việc phải thi hành là 3.973 việc, tương ứng với gần 89.610 tỉ đồng. Trong đó, số có điều kiện thi hành là 2.739 việc, tương ứng với hơn 43.593 tỉ đồng. Số đã thi hành xong là 1.895 việc, tương ứng với hơn 15.989 tỉ đồng. Theo Chính phủ, số tài sản tham nhũng đã thu hồi tăng hơn 11.895 tỉ đồng, tương đương tăng 290,51% về tiền so với năm 2021.
Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong và ĐB Hà Sỹ Đồng (phải) tại phiên chất vấn ngày 5.11 |
TTXVN |
Điểm sáng trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng năm 2022 là việc thu hồi tài sản thất thoát ngay từ giai đoạn thụ lý điều tra. Cụ thể, theo báo cáo của Chính phủ, số tiền thiệt hại trong 687 vụ án với 1.439 bị can phạm tội tham nhũng được thụ lý điều tra năm 2022 lên tới 2.984 tỉ đồng, 233.317,5 m2 đất, 21 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong đó, số đã thu hồi được trong quá trình tố tụng là 2.356 tỉ đồng, 179.251,5 m2 đất, 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, phong tỏa số tiền trên 1,4 tỉ đồng, hơn 20.000 cổ phiếu và kê biên 10 nhà đất (trị giá khoảng trên 100 tỉ đồng).
Liên quan vụ Việt Á, Bộ Công an công bố đã phong tỏa tài sản trị giá hơn 1.600 tỉ đồng |
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp QH cũng nhận định công tác thu hồi tài sản tham nhũng có chuyển biến tích cực. Tuy vậy, ủy ban này cho rằng dù kết quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng trong giai đoạn thi hành án tăng rất cao so với cùng kỳ năm 2021 song số có điều kiện thi hành về tiền vẫn còn tồn đọng lớn. Cụ thể, đã thi hành xong hơn 15.989/hơn 43.593 tỉ đồng trong số có điều kiện thi hành. Điều này có nghĩa vẫn còn hơn 27.604 tỉ đồng có điều kiện thi hành song vẫn chưa thu hồi được, chiếm hơn 63%. Nếu tính tổng số phải thi hành thì tỷ lệ thi hành xong chỉ đạt 17,8% - một tỷ lệ khá thấp. Số tiền còn lại chưa thu hồi được trong các vụ án tham nhũng lên tới hơn 73.000 tỉ đồng.
“Khoảng trống” kiểm soát tài sản
Tuy vậy, để nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng không phải việc dễ dàng. Trong báo cáo gửi các đoàn đại biểu (ĐB) QH về kết quả giải quyết và trả lời kiến nghị cử tri gửi sau kỳ họp thứ 3 QH khóa XV, Tổng thanh tra Chính phủ (TTCP) Đoàn Hồng Phong thừa nhận thu hồi tài sản tham nhũng là việc khó. Nguyên nhân chủ yếu do “số tiền phải thu hồi rất lớn, song người phải thi hành án không có tài sản hoặc tài sản bảo đảm giá trị thấp”. Thời gian giải quyết các vụ án, vụ việc kéo dài nên tài sản bị tẩu tán, che giấu.
Ngoài ra, còn có vướng mắc về cơ chế, thể chế trong việc xử lý tài sản, ảnh hưởng đến quá trình thi hành án; trong một số vụ án vẫn xảy ra trường hợp đối tượng bỏ trốn, việc tương trợ tư pháp còn gặp nhiều khó khăn…
Việc thu hồi tài sản tham nhũng cũng là vấn đề được nhiều ĐBQH chất vấn Tổng TTCP Đoàn Hồng Phong trong phiên chất vấn cuối tuần trước. ĐB Phạm Nam Tiến (đoàn Đắk Nông) nói hiện 40 - 50% số tài sản tham nhũng trong các vụ án diện Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTNTC chỉ đạo chưa được thu hồi. Đây là con số không nhỏ vì một vụ án tham nhũng giá trị có thể lên tới hàng trăm, hàng nghìn tỉ đồng. Theo ông Tiến, cần có giải pháp căn cơ hơn để nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản thất thoát do hành vi tham nhũng.
Trả lời Thanh Niên, ông Tiến cho rằng vẫn còn “khoảng trống lớn, khó kiểm soát” trong các quy định về kiểm soát, tài sản thu nhập của cán bộ, công chức, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo. “Chúng ta chỉ mới kiểm soát tài sản trong hệ thống chính trị, còn tài sản do người thân của các đối tượng phạm tội tham nhũng đang đứng tên sở hữu”, ông Tiến nói và dẫn chứng rất nhiều vụ án vừa qua cho thấy các đối tượng tham nhũng đều có hành vi tẩu tán tài sản thông qua người thân, người quen, thậm chí việc đưa, nhận các khoản tiền hoa hồng, lại quả mà thực chất là tiền hối lộ cũng thông qua các tài khoản của người thân chứ không phải tài khoản của họ.
“Phải làm sao để kiểm soát hiệu quả hơn tài sản, thu nhập của các đối tượng này, đặc biệt là trong các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực thì công tác thu hồi tài sản tham nhũng mới đạt hiệu quả”, ông Tiến nói.
ĐB Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cho rằng việc thu hồi tài sản khó khăn, vì quy định hiện nay của pháp luật về kiểm soát tài sản có nguy cơ tham nhũng và giám sát tài sản từ khu vực công sang khu vực tư lỏng lẻo. Quy trình xử lý từ thanh tra, kiểm tra, điều tra đều kéo dài đã tạo ra kẽ hở để các đối tượng tham nhũng tẩu tán tài sản khi thấy mình có nguy cơ bị “nhập kho”, “vào lò”. “Phải có cách tiếp cận với tin tố giác tội phạm hay những nguồn tin thẩm tra, xác định người nào đó có dấu hiệu rõ ràng, ngay từ giai đoạn này đã có quy định cho phép tiếp cận, giám sát, thậm chí phong tỏa ngay tài sản. Như thế mới bảo đảm được tài sản sau khi xử lý xong trách nhiệm hình sự, hành chính hoặc kinh tế và thu hồi được”, ông Vân nêu.
Ưu tiên xử lý kinh tế
Tại phiên chất vấn Tổng TTCP Đoàn Hồng Phong ngày 5.11, ĐB Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) dẫn ý kiến của Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí kiến nghị chuyển hướng từ xử lý hình sự sang khởi kiện dân sự thì sẽ thu hồi được nhiều tài sản hơn.
“Xin hỏi Tổng TTCP có tán thành quan điểm này không? Nếu tán thành thì có những giải pháp gì sắp tới và nếu không tán thành thì có giải pháp gì tốt hơn không?”, ĐB Đồng nêu.
Trả lời, Tổng TTCP cho biết ưu tiên xử lý kinh tế, những gì có thể xử lý được về mặt kinh tế thì xử lý kinh tế và không hình sự hóa là quan điểm không chỉ của cá nhân ông mà cũng là quan điểm của nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Theo ông Phong, quan điểm này đã được thực hiện trong các kết luận thanh tra thời vừa qua. Ông cho hay có nhiều trường hợp ở giữa việc vi phạm hình sự hay kinh tế thì các cơ quan bàn với nhau theo hướng ưu tiên xử lý kinh tế, để các đối tượng có thời gian khắc phục, nếu không khắc phục mới chuyển cơ quan điều tra. Tuy nhiên, thời hạn xử lý kinh tế chỉ trong giới hạn nhất định chứ “không phải cứ để mãi mãi”.
“Như bây giờ chúng tôi có một số kết luận cho phép từ 1 năm rưỡi đến 2 năm để xử lý kinh tế, tức là thu hồi cơ sở nhà đất đó để tiến hành đấu giá. Nhưng sau thời hạn đó kết luận thanh tra nói rõ không thực hiện sẽ chuyển cơ quan điều tra. Ví dụ, vừa rồi chúng tôi xử lý một dự án ở TP.HCM như vậy”, ông Phong thông tin.
Xây dựng cơ sở dữ liệu về kiểm soát tài sản, thu nhập
Báo cáo về các giải pháp nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, TTCP cho biết cần nâng cao tính trung thực, trách nhiệm trong kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức; có hình thức xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Cùng với đó là đẩy mạnh giao dịch không dùng tiền mặt, hạn chế sử dụng tiền mặt trong việc giao dịch mua, bán các tài sản có giá trị lớn để thuận tiện trong việc kiểm soát thu nhập cũng như truy tìm tài sản đã bị tẩu tán. Ngoài ra, Chính phủ đã phê duyệt Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập; đang xây dựng kế hoạch triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia này trong phạm vi cả nước.
Nhiều ĐBQH cũng bày tỏ đồng tình với hướng xử lý “ưu tiên kinh tế” như một giải pháp nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng. ĐB Lê Thanh Vân cho biết ông từng có ý kiến phải có chính sách khoan dung với các doanh nhân phạm tội với lý do hành vi phạm tội có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, hoàn chỉnh, đôi khi là cái “bẫy giăng mắc”.
“Thực tế có những vụ việc các đối tượng bị xử lý đã chủ động nộp lại số tiền chiếm đoạt, gần như không bị thất thoát về kinh tế, thì nên cho họ cơ hội hối cải, tất nhiên vẫn có hình thức răn đe chứ không tha bổng hoàn toàn”, ông Vân kiến nghị.
ĐB Phạm Văn Hòa cũng cho rằng nên có cơ chế khuyến khích những đối tượng tham nhũng và người thân khắc phục các hậu quả kinh tế nhằm thu hồi tài sản tham nhũng cho nhà nước. Ví dụ như vụ án ông Nguyễn Đức Chung (cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội - PV), người thân đã giao nộp lại số tiền thất thoát, tham nhũng và được tòa giảm mức án. Với những đối tượng chủ động khắc phục hậu quả, có thể áp dụng các tình tiết giảm nhẹ, giảm án phạt để tạo điều kiện cho họ ăn năn, hối cải”, ĐB Hòa kiến nghị.
Phong tỏa tài sản ngay khi có dấu hiệu tham nhũng
Công tác phòng chống, xử lý tham nhũng của Đảng, Chính phủ trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, trên thực tế, việc thu hồi tài sản tham nhũng trong thời gian qua ít, đạt tỷ lệ thấp, dẫn đến tài sản nhà nước bị thất thoát nhiều. Các đối tượng tham nhũng đã tẩu tán tài sản qua sang tên đất đai, nhà cửa cho người khác hoặc thậm chí mua vàng, mua USD tích trữ. Bài học kinh nghiệm thời gian qua cho thấy rất khó để phát hiện ra các tài sản tẩu tán này, nên phải có biện pháp phong tỏa, truy dấu vết ngay khi có dấu hiệu tham nhũng. Công tác kê biên tài sản của những người có dấu hiệu tham nhũng vì thế rất quan trọng, để tạm thời phong tỏa tài sản, tăng cao khả năng thu hồi tài sản tham nhũng.
ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp)
Bố trí cán bộ đủ năng lực xây dựng thể chế là rất quan trọng
Kiểm soát tài sản với quan chức và người thân rất khó, vì tài sản cá nhân lẫn với người thân gia đình, thậm chí đan chéo giữa sở hữu phức hợp, tách bạch rất khó. Kê khai tài sản và biến động tài sản cá nhân phải gắn với hệ thống tài chính, ngân hàng, hệ thống pháp luật minh bạch. Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật để đảm bảo quyền tài sản cá nhân được theo dõi minh bạch mới khó. Nếu chúng ta cứ đòi hỏi mà hệ thống pháp luật chưa minh bạch thì không giải quyết được. Đặc biệt, việc bố trí cán bộ đủ năng lực xây dựng thể chế, thực thi pháp luật là rất quan trọng. Nếu không đủ trình độ, không lường trước được thì làm sao xây dựng được rào chắn pháp luật chắc chắn được.
ĐB Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau)
Bình luận (0)