Nâng cao nhận thức phòng chống buôn người tại VN: Những chiếc xe buýt chở thông điệp

30/07/2019 18:27 GMT+7

Chiều 30.7, Đại sứ quán Anh tại Việt Nam đã khởi động chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về sự nguy hiểm của nạn mua bán người, kêu gọi nhiều hơn nữa các hành động quốc tế chống lại vấn nạn này.

Có mặt tại sự kiện được tổ chức tại Bến xe Kim Mã (Hà Nội), ông Gareth Ward - Đại sứ Anh tại Việt Nam chia sẻ: “Năm 2018, tại Anh có khoảng 300 công dân Việt Nam là nạn nhân của buôn bán người. Đây là một thách thức, và qua chương trình, chúng tôi muốn có những hợp tác cụ thể với phía Việt nam đặc biệt là Bộ Công an, Bộ đội Biên phòng để phòng chống vấn nạn này. Chúng tôi cũng thực hiện các chương trình truyền thông trên xe buýt, nâng cao nhận thức người dân. Bên cạnh đó, các đơn vị như Bộ Nội vụ, Hải quân, Cảnh sát Biên phòng Vương quốc Anh sẽ cùng phía Việt Nam hợp tác, chia sẻ thông tin mọi mặt về vấn đề tội phạm có tổ chức, vì các băng nhóm này giờ đã quốc tế hóa, nhờ vậy có thể dễ dàng bắt giữ, dẫn giải loại tội phạm này xét xử theo luật sở tại”.

Ông Gareth Ward và diễn viên Bảo Thanh chia sẻ về vấn nạn buôn người trên tuyến xe buýt tại bến xe Kim Mã

Nguyễn Đình

Thông điệp “Ai cũng có thể là nạn nhân mua bán người. Nếu nghi ngờ, hãy trình báo” được quảng cáo trên 3 tuyến xe buýt và 3 nhà chờ trên địa bàn Hà Nội trong một tháng. Tham gia chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức về sự nguy hiểm của nạn buôn người, diễn viên Bảo Thanh chia sẻ: “Lần đầu được mời tham dự chương trình, tôi thực sự khá lo lắng vì phải hoạch định những việc làm cụ thể, trau dồi kiến thức, kinh nghiệm để tuyên truyền về nạn buôn người, trước tiên là cho gia đình, bạn bè và người thân. Tôi kêu gọi mọi người quan tâm hơn nữa đến vấn nạn nghiêm trọng này, vì tội phạm có tổ chức ngày càng nhiều chiêu trò tinh vi. Nạn nhân thường là những người nghèo vùng nông thôn, dễ bị bọn tội phạm vẽ ra viễn cảnh sang nước ngoài làm việc nhàn nhã, lương cao, ổn định, có tiền gửi về quê, nếu không cẩn trọng, nghe lời dụ dỗ sẽ rất dễ trở thành nạn nhân của bọn buôn người”.
Hiện tại, chính phủ Anh đã và đang hỗ trợ tài chính, kỹ thuật, giúp Việt Nam củng cố khung pháp lý, tăng cường thực thi pháp luật và hỗ trợ nạn nhân, tổ chức các dự án tập huấn nâng cao năng lực cho các cơ quan thực thi pháp luật về kỹ năng điều tra và phát hiện tội phạm. Đây là năm thứ hai Chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức đấu tranh phòng, chống mua bán người được thực hiện tại Việt Nam.
Ước tính có đến hơn 40 triệu nạn nhân bị lao động cưỡng bức trên thế giới (theo thống kê của Liên Hiệp Quốc), trong đó gồm rất nhiều phụ nữ và 1.2 triệu nạn nhân là trẻ em. Đây là loại hình nô lệ thời hiện đại - loại tội phạm lớn thứ hai thế giới có nguồn thu 150 tỷ USD hằng năm. Việt Nam là quốc gia nằm trong mục tiêu các băng nhóm tội phạm buôn người có tổ chức. Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc đã phê chuẩn Nghị quyết A/RES/68/192 năm 2013, lấy ngày 30.7 là Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người. Đây cũng là ngày được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam chọn làm Ngày toàn dân phòng - chống mua bán người, từ năm 2016.
Ở khu vực Đông Nam Á, loại hình tội phạm mua bán người thường núp bóng các Trung tâm tuyển dụng, môi giới lao động, đưa nhân công ra nước ngoài làm việc trong điều kiện người lao động bị kiểm soát chặt chẽ và bị bóc lột sức lao động của họ bằng những công việc không như mong muốn. Để hạn chế tình trạng này, chính phủ các nước cần tiếp tục đẩy mạnh quản lý nhà nước, tăng cường kiểm soát các đơn vị tuyển dụng lao động, ngăn chặn kịp thời hành vi phi đạo đức cũng như ban hành quy định nghiêm cấm thu phí môi giới và tuyển dụng đối với người lao động.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.