Nâng cao trình độ tiếng Anh: Cần theo hướng thực tế

26/08/2016 05:47 GMT+7

Theo giới chuyên môn, thay vì đặt những mục tiêu quá cao, Bộ GD-ĐT nên hướng đến việc nâng cao trình độ tiếng Anh theo hướng thực tế hơn.

Chú trọng hơn vào đời thực
Chuyên gia tiếng Anh của một trường ĐH tại TP.HCM cho biết: “Năm nào cũng tổ chức nhiều hội thảo tiếng Anh quy mô lớn với những mục tiêu rất cao nhưng không đạt được hiệu quả trong việc dạy học. Vì vậy, hãy khoan nghĩ tới mục tiêu ngôn ngữ thứ hai, trước hết cần chú tâm vào dạy học nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh của người dân”.

Tiến sĩ Phạm Nguyễn Huy Hoàng, Khoa tiếng Anh Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng VN trước hết cần phải thay đổi cách dạy và học tiếng Anh trong trường, hướng tới khả năng sử dụng thực tế và thực dụng hơn. Trong đó, chú trọng hoạt động giao tiếp mô phỏng đời thực hơn là tập trung vào ngữ pháp và bài tập viết.
Còn thạc sĩ Lê Quang Trực, giảng viên tiếng Anh Trường ĐH Mở TP.HCM, đề xuất: “Để thay đổi dạy học tiếng Anh cần thay đổi nội dung học và thi, giáo trình và cả phương pháp dạy học. Trong đó, kỳ kiểm tra của tất cả các cấp học đều kiểm tra kiến thức và năng lực học sinh ở tất cả kỹ năng nghe, nói, đọc và viết chứ không phải chủ yếu đọc hiểu như hiện nay. Còn tài liệu học tập, VN có thể liên hệ trực tiếp với các tổ chức giáo dục và nhà xuất bản uy tín thế giới để có bộ sách tiếng Anh phù hợp cho các cấp học”. Ông Trực cho rằng cần thực hiện theo mô hình hướng dẫn - thực hành - sửa sai - thực hành.

“Sĩ số lớp học không quá 10 - 20 người, không tạo tình trạng quá tải cho người học và người dạy. Bên cạnh đó, giảm bớt việc học ngữ pháp một cách nặng nề và việc làm quá nhiều bài tập ngữ pháp với những câu văn rời rạc không có văn cảnh giao tiếp hoặc không đặt trong một văn bản cụ thể. Tăng cường việc giúp người học nhận biết giá trị sử dụng của những cấu trúc ngữ pháp trong hoạt động nghe và nói. Tăng cường việc giúp người học nhận ra lỗi sai khi sử dụng ngữ pháp trong hoạt động nói và viết…”, thạc sĩ Trực nói.
Tạo môi trường sử dụng tiếng anh trong nhà trường
Các chuyên gia đều cho rằng đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai là mục tiêu quá lớn lao không khả thi. Tuy nhiên, nếu Bộ GD-ĐT vẫn muốn thực hiện thì cần có lộ trình từng bước.
Đề xuất nâng cao hiệu quả dạy học tiếng Anh, tiến sĩ Đoàn Huệ Dung, Chủ tịch Hội Nghiên cứu và giảng dạy tiếng Anh TP.HCM, cho rằng quan trọng nhất là tạo ra môi trường sử dụng và thực hành tiếng Anh ngay trong trường học. Các trường có thể tạo ra khu vực sinh viên hoàn toàn nói tiếng Anh như trong căn tin. Khi đó, các giao dịch và giao tiếp tại khu vực này bắt buộc thực hiện bằng tiếng Anh. Ngoài ra, các bảng biểu, thông báo, chỉ dẫn trong trường cũng nên thực hiện bằng tiếng Anh… “Việc tạo ra môi trường sử dụng tiếng Anh theo các cách này không quá khó”, tiến sĩ Dung nhấn mạnh.

Theo tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ VN, trước hết Bộ chỉ nên đặt ra mục tiêu tạo trường song ngữ. Nghĩa là cố gắng tạo ra cơ hội tiếp cận và sử dụng tiếng Anh ngoài lớp học đồng thời hai thứ tiếng. Từ đó tiến sĩ Phương Anh đề xuất: “Trước mắt cần biến tiếng Anh trở thành ngôn ngữ sử dụng để giảng dạy trong nhà trường. Từ những lớp thí điểm để mở rộng ra các bậc học và môn học ngay từ lớp 1 - 12. Trong điều kiện hiện tại đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng được hoạt động giảng dạy này, việc cần thiết phải làm là “mượn” tạm giáo viên nước ngoài”.
Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh không đồng tình với việc sử dụng ngân sách để đào tạo giáo viên và biên soạn giáo trình ngay tại VN bởi chúng ta đang thiếu đội ngũ có năng lực. “Chúng ta phải chấp nhận việc sử dụng đội ngũ giáo viên bên ngoài hoặc cử giáo viên đi tu nghiệp ở nước ngoài, nhập giáo trình trong vòng 20 năm trước khi có được những khóa học sinh đầu tiên ra trường được đào tạo bài bản”, tiến sĩ Phương Anh nói.
Ngoài ra, theo tiến sĩ Dung, hiện nay theo chuẩn tiếng Anh 6 bậc, sinh viên tốt nghiệp ĐH phải đạt tối thiểu B1. Nếu thực hiện đúng chuẩn này, người học hoàn toàn có thể sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp và công việc. Tuy nhiên thực tế có những trường đặt sinh viên chuẩn B1 nhưng quá trình học và kiểm tra nội bộ chỉ tập trung vào bài thi trắc nghiệm, bỏ qua kỹ năng giao tiếp. Vì vậy dù đạt chuẩn nhưng sinh viên không thể giao tiếp trong ngữ cảnh cụ thể, tức không thực sự đủ năng lực tiếng Anh. “Ngoài việc đặt ra chuẩn đầu ra tối thiểu chung, Bộ còn cần yêu cầu các trường phải dạy học, kiểm tra đánh giá theo một chuẩn chung. Việc đánh giá này có thể thông qua một đơn vị độc lập chứ không để từng trường tự thực hiện như hiện nay”, tiến sĩ Dung đề nghị.
Vẫn chưa bàn tới lộ trình tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai !
Trong báo cáo hội nghị tổng kết năm học 2015 - 2016 và triển khai nhiệm vụ năm học 2016 - 2017 diễn ra đầu tháng 8 vừa qua, Bộ GD-ĐT đã nêu ra 9 nhiệm vụ chủ yếu trong năm học mới. Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt tiếng Anh, ở các cấp học và trình độ đào tạo là nhiệm vụ xếp hàng thứ tư. Trong đó ghi rõ: “Tổ chức nghiên cứu, xây dựng lộ trình đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai ở VN. Với mỗi lộ trình, cần nghiên cứu và xây dựng các nguồn lực cần huy động, các hoạt động cần triển khai và các kết quả cần đạt được”.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Thanh Niên, một đại diện của Bộ GD-ĐT cho biết: “Đến thời điểm này vẫn chưa bàn tới việc xây dựng lộ trình để đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai ra sao. Trước mắt lãnh đạo Bộ đang yêu cầu Ban Quản lý đề án Ngoại ngữ 2020 tập trung để tổ chức hội nghị sơ kết kết quả thực hiện đề án cho đến nay. Trên cơ sở thực trạng dạy học tiếng Anh hiện nay mới có thể xác định được từng lộ trình để tiến tới việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai”.
Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.