Nâng đập thủy lợi, dân mất kế sinh nhai

08/12/2018 10:12 GMT+7

Người dân xã Cẩm Lĩnh (H.Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đang kêu cứu sau khi đập thủy lợi Khe Lau được nâng cao trình tích nước.

Đập Khe Lau nằm ở xã
Cẩm Lĩnh, có diện tích lưu vực 2,68 km2, dung tích hồ chứa khoảng 623.000 m3, là công trình thủy lợi cung cấp nước tưới cho hơn 100 ha đất nông nghiệp vùng phía đông H.Cẩm Xuyên. Tháng 4.2016, UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư xây dựng dự án sửa chữa nâng cấp đập Khe Lau với tổng mức đầu tư gần 24 tỉ đồng. Tháng 5.2018, dự án được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, do cao trình tràn thân đập Khe Lau được nâng cao nên khi tích nước đã gây ngập úng chuồng trại chăn nuôi và đất trồng lúa, trồng keo, chè xanh và cây ăn quả… của các hộ sống trong khu vực lòng hồ đập.
Ông Lê Xuân Quốc (61 tuổi, ngụ thôn 2, xã Cẩm Lĩnh, H.Cẩm Xuyên) cho biết, từ 20 năm trước, gia đình ông cùng nhiều hộ dân đến khu vực này khai hoang lập nghiệp theo quyết định giãn dân của UBND H.Cẩm Xuyên. Cuộc sống yên bình, đất đai bằng phẳng, màu mỡ, dễ canh tác nên đời sống ổn định. Nhưng từ ngày đập được nâng cấp, nước trong lòng đập dâng cao thì bắt đầu sống trong cảnh nơm nớp lo sợ, một phần vì mất kế sinh nhai, một phần sợ nhà cửa bị cuốn trôi hoặc ngập sâu bất cứ lúc nào.
“Những ngày trời mưa, nước dâng vào thềm nhà, chưa kể 2 sào chè và cây ăn quả các loại bị ngập sâu, chết mòn. Trước khi đập được nâng cấp, người dân đã đoán trước sự việc nên yêu cầu chính quyền vào kiểm đếm cây cối để đền bù, nhưng trong dự án không có phương án đền bù nên chính quyền không quan tâm. Mãi đến khi người dân đồng loạt phản ứng mạnh thì UBND xã mới cho cán bộ địa chính vào kiểm đếm thiệt hại, tuy vậy gần 1 tháng qua vẫn chưa được đền bù”, ông Quốc nói.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Công Tùng, Chủ tịch UBND xã Cẩm Lĩnh, thừa nhận dự án gây thiệt hại về kinh tế cho các hộ dân là có thật. Theo thống kê, nước đập dâng khiến 8 chuồng trại chăn nuôi bị ngập, 4 hồ nuôi cá quảng canh với diện tích hơn 3.300 m2, 239 cây ăn quả các loại, hơn 14.000 gốc chè xanh, gần 2.000 cây lim 4 năm tuổi, 17.000 cây keo, tràm 4 năm tuổi trở lên, gần 2.000 cây dứa, riềng, chuối… bị ngập úng.
“Dự án nâng cấp đập Khe Lau do UBND huyện làm chủ đầu tư nên chúng tôi đã gửi văn bản kiến nghị có chính sách hỗ trợ thiệt hại cho người dân, nhưng vì ngân sách chưa có nên bị chậm trễ”, ông Tùng nói.
Theo ông Hoàng Duy Trung, Trưởng ban Quản lý dự án các công trình xây dựng cơ bản H.Cẩm Xuyên, dự án sửa chữa, nâng cấp đập Khe Lau là nhà nước và nhân dân cùng làm nên không có phương án đền bù, giải phóng mặt bằng. Trước khi dự án được thi công, UBND xã Cẩm Lĩnh đã cam kết sẽ giải phóng được mặt bằng, vận động người dân ra ngoài khu vực an toàn sinh sống. Tuy nhiên, khi dự án hoàn thành và gây ảnh hưởng đến trang trại, cây cối của dân thì chính quyền xã mới báo cáo lên.
“Trong phương án, chủ đầu tư và đơn vị thi công đã tính toán nước sau khi đập được nâng cấp sẽ làm ngập diện tích xung quanh lòng hồ. Sự việc xảy ra lỗi trước hết là do UBND xã Cẩm Lĩnh không giữ đúng cam kết và báo cáo muộn cho chúng tôi”, ông Trung nói.
Ông Trần Viết Chiến, Trưởng phòng TN-MT H.Cẩm Xuyên, cho hay hiện đơn vị này đang phối hợp với Ban Quản lý dự án các công trình xây dựng cơ bản huyện, Phòng NN-PTNT huyện và UBND xã Cẩm Lĩnh tiến hành đo đạc, kiểm kê mức độ thiệt hại, xác minh nguồn gốc đất để lên phương án hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.