Không ngại đi xa tìm kiếm không khí tết
Chị Nguyễn Thị Yến Nhi (36 tuổi, quê Kiên Giang) có chồng là anh John Lapp (40 tuổi, ở TP.Crossville, Tennessee, Mỹ). Chồng chị thuộc cộng đồng người Amish vẫn giữ nguyên truyền thống lâu đời từ xa xưa.
Cộng đồng của chồng chị Nhi không sử dụng ô tô, phương tiện chính để di chuyển là xe ngựa, nói không với công nghệ hiện đại, không sử dụng điện... Nguồn thức ăn của họ được chế biến từ những nguyên liệu tự cung, tự cấp.
Chị cho biết, tết năm nay chị sang TP.Atlanta, Georgia nơi bạn chị và nhiều người Việt đang sinh sống, làm việc ở đó. Quãng đường dài khoảng 336 km nhưng chị vẫn quyết tâm di chuyển bằng ô tô đến đó. Mọi người quây quần ăn uống, vui chơi, đây cũng là dịp để con trai (3 tuổi) biết đến Tết Nguyên đán ở quê mẹ. Gia đình chồng chị là người Amish nên không biết nhiều về Tết Nguyên đán ở Việt Nam. Mỗi khi anh thắc mắc về các phong tục truyền thống của người Việt trong ngày tết, chị đều sẵn sàng giải thích.
Chỗ chị sống không có nhiều người Việt và gia đình lại sống ở vùng ngoại ô nên muốn có cái tết ấm cúng, sum vầy giống Việt Nam chị phải di chuyển đến bang khác. Tuy nhiên, việc mua nguyên liệu nấu các món ăn truyền thống của Việt Nam ở nơi chị sống rất khó nên dự định gói bánh tét phải gác lại.
"Tôi rất nhớ không khí ở Việt Nam gói bánh tét, chuẩn bị đồ ăn cho ngày tết. Tuy nhiên, vì cả nhà bận rộn làm việc và xung quanh không có nhiều người Việt nên đành chấp nhận đón năm mới không được tươm tất như ở quê nhà", chị chia sẻ.
Ăn tết giống Việt Nam vì có củ kiệu muối
Năm 2003, chị Lê Thị Hải Yến (42 tuổi, quê gốc ở TP.HCM) và 2 con gái (con chung với người chồng quốc tịch Pháp đã ly dị) sang Pháp định cư. Hai năm sau, chị quen và nên duyên vợ chồng với ông xã hiện tại và có thêm 2 con trai. Để thuận tiện cho việc làm ăn, gia đình chị đã chuyển sang sống và làm việc ở Senegal.
Mùng 1 tết, chị tổ chức một bữa tiệc nhỏ mời bạn bè đến chung vui. Chị trổ tài nấu các món truyền thống của Việt Nam như nem rán, gà luộc lá chanh, miến măng khô, gỏi đu đủ tôm thịt…
Chỗ chị sống đồ ăn không phong phú, đa dạng như ở châu Âu hay Việt Nam nên cả nhà tập thích nghi, không đòi hỏi những món cao sang, xa xỉ.
"Tôi muốn cho những người bạn biết tết Việt Nam nên tổ chức bữa tiệc này. Đặc biệt, trong nhóm tôi chơi có một người gốc Việt Nam đã lâu lắm rồi không được ăn tết. Người bạn đó rất khao khát được về Việt Nam sau khi nghỉ hưu nên hy vọng bữa tiệc nhỏ sẽ giúp mọi người vơi đi nỗi nhớ quê nhà", chị Yến bày tỏ.
Chị không có nhiều bạn bè là người bản địa. Người bảo vệ ở nhà chị là người Senegal nên chị hay kể anh ấy nghe về Việt Nam, những phong tục đặc trưng trong ngày tết ở quê nhà.
"Trong ký ức của tôi luôn có hình ảnh về ngày tết của 20, 30 năm về trước. Gần tết, tôi được sắm đồ mới, được ăn thèo lèo, mứt, hạt dưa… và còn được lì xì. Tuy nhiên, đến khi thêm được tuổi và đã có gia đình, tôi thấy việc các thành viên quây quần với nhau là điều hạnh phúc nhất", nàng dâu Việt chia sẻ.
Ở châu Phi rất ít người Việt Nam, họ thường tập trung sống ở trung tâm thành phố lớn. Vì vậy, chị học cách "không thèm", "không nhớ" và cố gắng làm được những điều có khả năng tạo ra không khí tết.
Chị Bùi Thị Hạnh Tuyết (39 tuổi, quê ở TP.Thủ Đức, TP.HCM) có chồng là anh Sebastian Robert Sundaram (40 tuổi, quốc tịch Ấn Độ). Để nên duyên vợ chồng anh chị phải đối mặt nhiều khó khăn nhưng với sự kiên định, chân thành họ đã có mái ấm gia đình yên bình với bé gái 9 tuổi. Hiện, vợ chồng chị mở một tiệm bánh mì, xe buýt (dạng xe khách ở Việt Nam) chở khách du lịch đi tham quan các địa điểm ở Ấn Độ.
Chị cho biết, năm nay gia đình sẽ đón một cái tết đặc biệt ở TP.Chennai khi đón chị và em gái từ Việt Nam sang thăm. Khoảnh khắc con gái nhìn thấy bác và dì, em đã khóc, chạy đến ôm chầm sau một thời gian không gặp lại.
"Tôi đã mua sẵn pháo hoa chào đón người thân sang Ấn Độ vào dịp tết. Cả gia đình đón tết như ở Việt Nam vì mẹ có gửi nhiều đồ ăn, có cả củ kiệu muối. Tôi cũng vừa làm xong nhà, mấy chị em sẽ cùng nhau nấu ăn, đón giao thừa và gọi điện cho người thân ở quê", chị Tuyết bày tỏ.
Bình luận (0)