|
Quy chuẩn về cốt nền là căn cứ để cơ quan chức năng cấp giấy phép xây dựng nhà cho người dân. Tuy nhiên, thực trạng liên quan cốt nền tồn tại nhiều bất cập.
Loạn cốt nền
Trưởng phòng quản lý đô thị một huyện của TP.HCM cho biết hiện khi cấp phép xây dựng huyện này đều lấy mốc cốt nền 2.0 theo Tiêu chuẩn VN 2.000 đã trải khắp toàn quốc. Thế nhưng, huyện không biết dựa vào đâu để xác định cốt 2.0. Người dân mặc dù được cấp cốt nền 2.0 trở lên nhưng họ không biết căn cứ vào đâu để xác định cốt nền này bởi các mốc cao độ chuẩn TP cắm ở các địa phương rất ít.
|
Điển hình như ở huyện Nhà Bè hiện chỉ có một số mốc cao độ chuẩn TP dắt về. Do đó, những nhà trong hẻm không biết được mà xây dựng theo, dẫn đến nhà xây nền cao, nhà xây thấp. Ngay cả đường Huỳnh Tấn Phát hay một số đoạn của đường Lê Văn Lương (H.Nhà Bè) thường ngập cả nửa mét khi mưa hoặc triều lớn, nhìn bằng "mắt thường" cũng chắc chắn không thể đảm bảo cao độ 1.8 chứ đừng nói là 2.0. Huyện Nhà Bè đang đề xuất thuê tư vấn xác định lại cốt nền. Ngoài ra, huyện này cũng đang đề xuất TP cho phép bỏ tiền ra “dắt” mốc về đầu các hẻm lớn để người dân lấy mốc chuẩn xây nhà.
Nhiều năm làm việc trong lĩnh vực này, ông Nguyễn Đình Triệu, một nhà thầu xây dựng tại Q.Bình Tân cho hay ở một số quận trong giấy phép xây dựng có để cốt nền, còn một số quận thì không. Điển hình như Q.11, trong giấy phép quy định cốt nền 2.0, nếu người dân không làm theo cốt nền này sẽ bị đô thị “nhắc nhở”, không ký vào bản nghiệm thu công trình. Nhưng ở Q.Bình Tân một số nơi thì ghi cốt nền 2.0, 5.0, 6.0, thậm chí 8.0. Ngược lại, một số nơi giấy phép không ghi cốt nền nên người dân xây nhà chỉ chừng chừng theo mặt đường.
“Khi người dân thắc mắc hỏi thì cán bộ đô thị nói đó là quy định chung, cứ thế mà làm vì họ cũng không biết. Còn không làm đơn lên quận khiếu nại. Họ trả lời như vậy chúng tôi cũng bó tay, chỉ biết dựa vào kinh nghiệm mà làm. Người dân không có lòng tin vào cốt nền nên lúc nào cũng xây nhà cao hơn mặt đường rất nhiều để thủ trước kẻo mai mốt nâng đường nhà lại thành hang chuột”, ông Triệu cho hay.
PGS-TS Hồ Long Phi, Phó ban Điều hành chương trình chống ngập TP, thừa nhận TP.HCM đang diễn ra thực trạng này và cho rằng người dân không có điều kiện (kinh phí) để thuê (cơ quan địa chính TP) dùng các thiết bị trắc địa dẫn mốc cao độ về đến khu vực nhà mình. Nếu muốn người dân tuân thủ thì nhà nước phải đứng ra dẫn mốc cao độ tại những vị trí quan trọng, nhất là các giao lộ những trục đường lớn, đầu hẻm… Và số lượng mốc cao độ rải càng nhiều càng có lợi cho người dân trong việc tuân thủ cốt nền xây dựng.
Cuộc chiến nâng đường - nâng nhà
Theo ông Hồ Long Phi, chuẩn cốt nền được xác định trên cơ sở bằng mực nước dâng cao nhất (dựa theo tần suất lượng mưa, triều, có tính toán đến tình trạng nước biển dâng do biến đổi khí hậu) + 50 cm. Chẳng hạn, tại khu vực phía nam TP.HCM (H.Nhà Bè, Cần Giờ), mực nước cao nhất (gần 2 m) + 50 cm nên chuẩn cốt nền cho khu vực này là 2,5 m. Nhưng việc lúng túng của nhiều địa phương, việc thiếu mốc cao độ đã dẫn tới tình trạng cả chủ đầu tư, cơ quan nhà nước và người dân đều không tuân thủ cốt nền. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến cuộc chiến nâng đường - nâng nhà diễn ra nhiều năm nay.
|
Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM Hoàng Minh Trí cho rằng cần có một nhạc trưởng để chỉ đạo trong vấn đề tuân thủ cốt xây dựng khi triển khai các dự án nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới các tuyến đường giao thông. Thực chất, trong các đồ án quy hoạch chung TP.HCM cho đến đồ án quy hoạch chung các quận, huyện đều có khống chế cốt xây dựng, từ cốt chuẩn quốc gia đến cốt của hệ thống đường theo từng khu vực của TP. Câu hỏi đặt ra là, vậy ai là người thẩm định những con đường xây dựng mới có theo cốt đúng chuẩn được phê duyệt theo quy hoạch? Cơ quan cấp phép xây dựng có cấp phép đúng theo cốt đó hay không? Nếu làm đúng theo quy hoạch, những con đường khi làm mới sẽ tạo thành những mái dốc thoát nước tự nhiên ra sông, rạch. Nhưng thực tế tại TP.HCM hiện nay, rất nhiều con đường được nâng lên đã biến nhà dân hai bên thành hầm.
Lý giải tình trạng này, ông Trí cho rằng khi cải tạo sửa chữa những con đường cũ, phải nạo vét lớp bê tông nhựa đã lão hóa, xong mới trải lớp bê tông nhựa mới lên trên. Nhưng nhiều công trình không làm như vậy mà cứ đắp lên, mỗi một lần khoảng 10 - 15 cm, dần dần đường sẽ cao hơn nhà dân. Ngược lại, người dân thấy ngành giao thông nâng cốt đường lên, lo nước tràn vào nhà, chắc chắn họ phải tự cứu lấy mình bằng cách nâng nền nhà mình lên. “Toàn TP có khoảng 60% diện tích có cao độ nền dưới 2 m so với mặt nước biển, chắc chắn không thể nào nâng tất cả các con đường cũng như toàn bộ các khu dân cư lên 2 m. Một con đường nâng lên, kéo theo các con đường khác xung quanh cũng nâng lên, bao nhiêu cát, đất cho đủ để san nền, nâng cốt lên 2 m hay cao hơn 2 m”, ông Trí đặt vấn đề.
|
Ông cũng nhận xét: Từng khu vực sẽ có những giải pháp để chống ngập, chứ không chỉ có giải pháp nâng đường, nâng nhà, mà phải có những giải pháp đồng bộ, trong đó những khu vực phải đắp đê, cùng với hệ thống van một chiều kết hợp với vận hành hệ thống các trạm bơm và những hồ điều tiết. Một loạt các giải pháp phải được triển khai đồng bộ thì mới giải quyết được bài toán chống ngập trên địa bàn TP.
Nhà dân vi phạm sẽ không được hoàn công Dễ thấy nhất hiện nay là người dân khi xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà không được phép nâng nền cao hơn vỉa hè phía trước quá 30 cm, nếu vi phạm sẽ không được hoàn công, bị thanh tra xây dựng xử phạt. Thế nhưng, sau đó, cơ quan nhà nước tự ý tiến hành nâng đường thì nhà dân lại thấp hơn mặt đường. Để chống chọi với cảnh ngập nước tràn vào nhà và “bắc thang” lên đường, người dân sau đó phải chạy đua tiếp tục nâng nhà. Việc này gây tốn kém rất nhiều công sức, tiền bạc của người dân, nhưng không có cơ quan nào chịu trách nhiệm. Ông Nguyễn Văn Cư - GĐ Công ty TNHH xử lý lún nghiêng Nguyễn Văn Cư |
Đình Mười - Mai Vọng - Đình Sơn
>> Mời chuyên gia hiến kế chống ngập
>> Chống ngập từ kinh nghiệm dân gian
>> TP.HCM vay vốn ODA của Thái Lan để chống ngập
>> TP.HCM thống nhất đầu tư 666 triệu USD chống ngập nước
>> Không thể chống ngập chỉ bằng tiền
>> 8.178 tỉ đồng chống ngập 'chưa hiệu quả
Bình luận (0)