Thay đổi tương lai từ những điều nhỏ nhất
“Khăn ấm cho em” là quỹ vì cộng đồng, được thành lập năm 2012 bởi cô giáo Nguyễn Diệu Linh (31 tuổi), Trường ĐH Văn hóa nghệ thuật Quân đội. Quỹ đã tổ chức các chương trình biểu diễn âm nhạc để quyên góp tiền làm thiện nguyện với thông điệp: Thay đổi tương lai từ những điều nhỏ nhất.
Chia sẻ việc thành lập quỹ, chị Diệu Linh cho biết, năm 2012, chị mở lớp dạy piano, trong quá trình đó, chị muốn cho các con đi trải nghiệm nên đã tổ chức các buổi hòa nhạc do chính các con biểu diễn tại Nhà hát Lớn để gây quỹ, tặng quà cho học sinh vùng cao.
“Lúc đầu, tôi chỉ nghĩ xin được chiếc khăn ấm cho các em vùng cao và tặng nhu yếu phẩm, nhưng quá trình đưa các con đi tặng quà, trải qua nhiều giai đoạn, chúng tôi đã dần mở rộng hoạt động như nấu cơm trưa; đưa các em vùng cao xuống Hà Nội tham quan; tặng lợn giống cho bà con; tài trợ phẫu thuật tim, u não; xây trường… và mới đây là dự án Trồng 1 triệu cây tre để bảo vệ môi trường”, chị Diệu Linh chia sẻ.
Suốt gần 10 năm qua, mỗi năm là một hành trình với mỗi tỉnh, thành miền núi khác nhau và quỹ đã giúp đỡ được rất nhiều hoàn cảnh khó khăn với nguồn kinh phí huy động từ 5 - 7 tỉ đồng. Đặc biệt, trong hành trình đến vùng sâu, vùng xa, quỹ đã kịp thời góp phần cứu sống 3 em nhỏ bị bệnh hiểm nghèo.
Bác sĩ Nguyễn Thị Tám Dơn, một thành viên của quỹ, chia sẻ: “Khi đi đến H.Bắc Hà (Lào Cai), chúng tôi thấy có 2 em nhỏ bị bệnh tắc nghẽn tim, môi và người thâm tím hết, chỉ chờ mất, chúng tôi đã đưa xuống Hà Nội giúp mổ tim thành công, cứu sống 2 bé”. Năm 2017, một ca bệnh hy hữu cũng đã được quỹ cứu sống. Đó là bé Hoàng Văn Đại (hiện đang sinh sống tại H.Pắc Nậm, Bắc Kạn), bị u nang thần kinh toàn thân, với hàng trăm khối u, trong đó nhiều khối u ở vị trí nguy hiểm có thể gây tử vong. Quỹ đã đưa bé xuống Hà Nội để khám chữa với ca mổ và điều trị thành công.
Từ năm 2017, quỹ đã được sự chung tay của rất nhiều nghệ sĩ trong, ngoài nước và đã tổ chức chương trình hòa nhạc với quy mô rộng hơn, lan tỏa tới nhiều tấm lòng trên cả nước. Từ đó, quỹ đã xây dựng được những ngôi trường mới khang trang, tạo điều kiện học tập cho các em vùng cao, với mục tiêu học để ngày mai tươi sáng.
Một bước ngoặt lớn của quỹ là năm 2020, trước sự khốc liệt của biến đối khí hậu, cô giáo trẻ đã xây dựng dự án Thanh âm xanh, tổ chức các chương trình âm nhạc, kêu gọi cộng đồng đóng góp, trồng 1 một triệu cây tre để bảo vệ môi trường. Dự án đang triển khai tại H.Mù Cang Chải (Yên Bái), với gần 9.000 cây tre đã được trồng. Những rừng tre này sẽ là nguồn sinh kế của người dân với việc phát triển du lịch cộng đồng và góp phần bảo vệ môi trường. “Khi tôi làm dự án, có nhiều người gàn, vì cho rằng đây là việc lớn, phải tầm Chính phủ mới làm được. Nhưng tôi nghĩ, mỗi người chỉ cần đóng góp 50.000 đồng là trồng được 1 cây tre. Vậy tại sao chúng ta không bắt đầu từ những việc nhỏ, để có một tương lai tươi sáng hơn”, chị Diệu Linh trăn trở.
“Chắc tại kiếp trước mình không tử tế”
Chia sẻ về hành trình làm các công việc thiện nguyện này, chị Diệu Linh cho biết mình đã trải qua nhiều khó khăn và cứ nghĩ “năm nào cũng là năm cuối cùng” nhưng rồi chị vẫn không thể dừng lại. “Khi đi vận động quyên góp, tôi thường bị tổn thương bởi những sự hoài nghi của mọi người. Nhưng tôi vẫn cứ xin, gặp ai tôi cũng xin, đến nỗi “da mặt dày hơn da chân rồi”, vì mình có xin cho mình đâu”, chị Diệu Linh cười vui vẻ. Chị cũng cho biết, những đồng tiền đầu tiên vận động được từ các chương trình thiện nguyện là của gia đình, bạn bè, người quen biết…
Kể về những kỷ niệm khi thực hiện các chương trình từ thiện, chị Diệu Linh nhớ mãi một lần đi đến H.Mù Cang Chải (Yên Bái) tặng quà cho trẻ em. Trên đường vào bản, xe chở quà bị bật cốp và rơi mất 7 suất quà là quần áo ấm và giày. “Chúng tôi đã bù bằng những hiện vật khác như tiền, mì tôm, nhưng khi trao xong rồi vẫn thấy có 2 ông cháu nhất định không về. Hóa ra cháu bé chỉ muốn được nhận quà giống các bạn, để có giày đi, có quần áo ấm để mặc. May mắn chúng tôi tìm được 1 suất quà mà một bé chưa đến nhận, nhưng trao xong rồi, đến tận 12 giờ trưa, vẫn thấy 2 ông cháu không về. Thì ra, ông đang cố dạy cháu nói từ “cảm ơn” bằng tiếng Kinh. Khi cháu bé đến trước mặt, nói từ “cảm ơn”, tôi xúc động trào nước mắt”, chị Diệu Linh nhớ lại.
Có lẽ hình ảnh đó cũng là động lực để hơn 9 năm qua, chị Linh đã luôn trăn trở vì vùng cao. Cô gái sinh năm 1990 này chưa lập gia đình mà chỉ mải mê với công việc vì cộng đồng. Linh kể: “Nhiều người hỏi tôi sao không lập gia đình mà cứ mãi ôm việc “vác tù và hàng tổng”, tôi chỉ cười bảo: “Chắc kiếp trước mình sống không tử tế!”.
Trò chuyện với chị Diệu Linh, ai cũng cảm thấy toát ra ở cô một niềm hạnh phúc lớn, đó là hạnh phúc được làm việc vì cộng đồng.
Đồng hành với quỹ trong nhiều năm qua, anh Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch Công ty CP đầu tư và phát triển Trà Thiên Tiên, chia sẻ: “Linh là người tâm huyết, trong sáng với những suy nghĩ nhân văn và hết lòng vì cộng đồng. Không chỉ tổ chức các buổi biểu diễn có quy mô lớn để gây quỹ, Linh đã đến vùng sâu vùng xa để tìm hiểu khó khăn, giúp đỡ bà con vùng cao. Vì vậy, những đồng tiền thiện nguyện đã đến được đúng địa chỉ, đúng hoàn cảnh, đúng mục đích”.
|
Trao tiền bạn đọc giúp đỡ các em nhỏ mồ côi ở chùa Đức Sơn
Ngày 10.6, PV Thanh Niên đã đến thăm và trao số tiền 10 triệu đồng cho Trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi chùa Đức Sơn (thôn Cư Chánh, xã Thủy Bằng, TT.Hương Thủy, Thừa Thiên-Huế). Đây là số tiền một bạn đọc đã gửi tặng trung tâm sau khi đọc bài Những “hạt cát” cao quý của tác giả Võ Văn Dần (TP.Huế, Thừa Thiên-Huế) đăng trên Thanh Niên ngày 30.5, tham dự cuộc thi viết Sống đẹp do Báo Thanh Niên tổ chức.
“Ảnh hưởng của dịch Covid-19, do hạn chế tụ tập đông người nên chùa cũng ít có sự thăm viếng của các nhà hảo tâm. Do vậy, trung tâm cũng gặp khó khăn trong việc lo miếng ăn, sinh hoạt cho các em nhỏ. Nhận được số tiền này, trung tâm có thêm nguồn kinh phí để mua thêm gạo, lương thực, thực phẩm cho các em”, sư cô Thích Nữ Liên Quy nhận số tiền và chia sẻ.
Bài viết kể về gương sống đẹp của những thành viên nhóm giáo viên nội trú ở Trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi chùa Đức Sơn, mỗi người mỗi công việc, có người nghỉ hưu nhưng với tấm lòng nhân ái, hạnh nguyện sẻ chia, đồng hành với ni sư Thích Nữ Minh Tú để nuôi dạy hơn 150 trẻ mồ côi tại chùa Đức Sơn.
Cuộc thi viết Sống đẹp do Báo Thanh Niên tổ chức qua các bài viết, không những đã lan tỏa gương sống đẹp mà còn nhân lên những tấm lòng thơm thảo hướng về các hoàn cảnh khó khăn, thể hiện tinh thần tương thân tương ái của người Việt, trong và ngoài nước.
Bùi Ngọc Long
|
|
Bình luận (0)