Thông tin này được đài CNN đăng tải hôm 28.3, dẫn lời một quan chức quân sự cấp cao của Mỹ. Quyết định thay đổi đường bay của UAV trinh sát đã được Mỹ đưa ra sau một sự cố làm rơi UAV MQ-9 của nước này ở biển Đen hồi đầu tháng 3.
Vị quan chức Mỹ giải thích rằng việc UAV phải bay ở khoảng cách xa hơn làm giảm chất lượng thông tin tình báo có thể thu thập. Dù các vệ tinh do thám có thể bù đắp ở một mức độ nào đó nhưng lại có thời gian bay qua mục tiêu quá nhanh, cũng làm giảm hiệu quả trinh sát so với UAV.
Trong sự cố rơi UAV MQ-9 Reaper trên biển Đen, các máy bay Su-27 Nga đã bay kèm và xả dầu phía trước máy bay Mỹ. Phía Mỹ nói máy bay Nga đã đâm hư cánh quạt của UAV, nhưng Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố không hề có va chạm. Nga cáo buộc UAV Mỹ đã bay vào không phận mà Moscow tự đặt giới hạn là vùng có xung đột liên quan chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.
Sau sự cố Washington đã bắt đầu triển khai các UAV giám sát của mình xa hơn về phía nam và ở độ cao cao hơn trên biển Đen so với trước đây. Các UAV này được triển khai cách xa không phận bán đảo Crimea và các phần phía đông của biển Đen.
Khi CNN lần đầu tiên đưa tin về sự thay đổi này, một quan chức Mỹ cho biết các đường bay mới là một phần trong nỗ lực tránh hành động quá khiêu khích, khi chính quyền Tổng thống Biden tiếp tục cẩn trọng để tránh leo thang căng thẳng với Nga.
Vị này cho biết các chuyến bay sẽ tiếp tục được triển khai theo cách này trong thời gian tới. Nhưng quan chức này cho biết Mỹ vẫn muốn quay lại các đường bay gần lãnh thổ do Nga kiểm soát.
Khi được hỏi về tác động của các tuyến đường mới đối với việc thu thập thông tin tình báo, người phát ngôn Lầu Năm Góc, Tướng Patrick Ryder nói rằng họ "sẽ không thảo luận về các nhiệm vụ, tuyến đường hoặc thời gian của các hoạt động", và cũng sẽ "không thảo luận về các hoạt động tình báo".
Bình luận (0)