Năng lực hay lợi ích nhóm?

10/10/2022 04:15 GMT+7

Đó là câu hỏi mà dù không muốn nhưng đến thời điểm này rất nhiều người buộc phải đặt ra với cơ quan quản lý điều hành thị trường xăng dầu trong suốt thời gian qua.

Chúng ta đều biết, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, liên quan mật thiết đời sống sinh hoạt của người dân, đến hoạt động sản xuất kinh doanh và trên tất cả là liên quan an ninh năng lượng quốc gia. Với vai trò quan trọng như vậy, đây là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, giá xăng dầu vẫn do nhà nước quản lý, điều tiết để đảm bảo ổn định vĩ mô, không để ảnh hưởng sản xuất, an sinh xã hội.

Thế nhưng đã gần 1 năm nay, thị trường xăng dầu ngày càng thêm rối. Từ chỗ khan hiếm cục bộ, nay cái “cục bộ” này đã lan rộng nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Từ chỗ lén lút ngưng bán, hiện hàng loạt cây xăng thẳng thừng treo biển hết hàng. Nếu trước kia, chỉ khi sắp tới ngày điều chỉnh tăng giá mới có tình trạng cửa hàng xăng dầu thiếu hàng, bán định mức thì nay tình trạng này kéo dài suốt mấy tháng qua. Rồi cây xăng tố đầu mối “ăn dày”, chiết khấu thấp khiến họ thua lỗ. Chính quyền nhiều tỉnh/thành liên tục gửi công văn tới Bộ Công thương cầu cứu nguồn cung; thậm chí năn nỉ, động viên cửa hàng xăng dầu mở cửa bán. Mới đây, 36 doanh nghiệp (DN) bán lẻ xăng dầu lần thứ 2 trong tháng gửi đơn kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ nêu một loạt bất cập trên thị trường và nói thẳng điều hành xăng dầu của liên bộ Công thương - Tài chính thời gian qua là “có vấn đề”, gây bất lợi cho các DN và bất ổn trên thị trường. Tại TP.HCM, đầu tàu kinh tế của cả nước mấy ngày nay không ít người dân phải dắt xe đi vài cây xăng mới có xăng để mua được. Còn 2 ngày nữa tới kỳ điều chỉnh giá, xăng dầu dự báo tăng trở lại sau nhiều phiên giảm, đặc biệt dầu có khả năng tăng cao thì “bỗng dưng” dầu khan hiếm nặng...

Bức tranh thị trường xăng dầu rối như canh hẹ trong khi Bộ Công thương luôn khẳng định nguồn cung không thiếu... Vậy thì nguyên nhân của mọi sự bất ổn này chỉ có thể là do năng lực hoặc lợi ích nhóm. Bởi nếu nguồn cung không thiếu mà thị trường khan hiếm thì rõ ràng việc quản lý, điều tiết xăng dầu có vấn đề. Để kéo dài cả năm nay thì lại càng không thể đổ thừa cho bất cứ lý do khách quan nào khác. Cũng xin nói cho rõ là thiếu ở đâu, thiếu như thế nào... đều có địa chỉ cụ thể. Các DN bán lẻ trong đơn thư của mình đều nêu lấy xăng dầu từ đầu mối nào và cơ quan quản lý cũng nắm rất rõ. Bởi mỗi cửa hàng xăng dầu chỉ được lấy hàng ở một đầu mối. Vậy không hiểu vì lý do gì xăng dầu “không thiếu” mà vẫn không thể “chảy” vào hệ thống bán lẻ một cách thông suốt?

Thế nên, nếu đúng là xăng dầu không thiếu thì rõ ràng cái thiếu ở đây chỉ có thể là năng lực điều hành, quản lý. Còn nếu không phải do năng lực thì liệu có hay không lợi ích nhóm khi các DN đầu mối bị tố cung cấp không đủ hàng nhưng hàng thực tế vẫn thiếu? DN đầu mối bị tố lách để bán cho cây xăng với giá cao hơn giá bán lẻ quy định bằng cách thu thêm phí vận chuyển vào hóa đơn khác, có DN còn ôm cả hóa đơn lên chứng minh nhưng rồi không thấy nhà điều hành công bố rà soát, xử lý thế nào...

Thị trường xăng dầu cần có một bàn tay sắt để dẹp hết các rối ren, bất ổn. Đưa hoạt động kinh doanh trở lại trạng thái bình thường chứ không thể kéo dài, gây bức xúc trong dư luận và ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động của nền kinh tế như hiện nay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.