Hồi cuối tháng 3, Triều Tiên tuyên bố đã phóng thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-17, theo Hãng thông tấn KCNA. Tuy nhiên, các cơ quan tình báo của Mỹ và Hàn Quốc cho rằng Triều Tiên thực tế đã phóng Hwasong-15, loại ICBM ít tiên tiến hơn so với Hwasong-17, theo tờ Nikkei Asia. Dù đó là Hwasong-15 hay Hwasong-17, đợt phóng ngày 24.3 cho thấy sự tiến bộ đáng kể và theo nhà nghiên cứu Kim Dong-yup thuộc Đại học Nghiên cứu Triều Tiên (ở Hàn Quốc) thì đó chắc chắn là một phiên bản nâng cấp. Tại cuộc họp báo ngày 29.3, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi bình luận: “Đây là loại ICBM mới, là mối đe dọa nghiêm trọng, có kích cỡ lớn hơn so với những lần trước đó”.
Xem hình ảnh vụ phóng tên lửa liên lục địa mạnh nhất của Triều Tiên |
Mở rộng tầm bắn lên gấp 30 lần
Nikkei Asia trích dẫn sách trắng quốc phòng mới nhất của Nhật đánh giá Triều Tiên đã đẩy mạnh phát triển tên lửa trong 30 năm qua, mở rộng tầm bắn từ 500 km lên hơn 15.000 km. Theo đó, tầm bắn của ICBM được phóng vào ngày 24.3 vừa qua được ước tính hơn 15.000 km, đủ để tấn công bất kỳ nơi nào ở Mỹ. Đây là tên lửa lớn nhất của Triều Tiên, có thể có khả năng mang nhiều đầu đạn hạt nhân và nằm trong giai đoạn cuối thuộc chương trình phát triển tên lửa của Bình Nhưỡng, theo phía Nhật.
Hình ảnh chụp ngày 24.3 do KCNA công bố là vụ thử tên lửa Hwasong-17 |
AFP |
Triều Tiên lần đầu phóng tên lửa có kích cỡ thực vào tháng 5.1993, lúc đó được cho là tên lửa tầm trung Nodong, bay xa được 500 km. Đến tháng 8.1998, Triều Tiên phóng một loại tên lửa đạn đạo, Taepodong-1, khiến Nhật bị sốc khi tên lửa bay qua bầu trời nước này, theo Nikkei Asia. Với tầm bắn ước tính là 2.200 km, Taepodong-1 bị cho là mối đe dọa đối với toàn bộ nước Nhật.
Vào năm 2006, Triều Tiên tiến hành cuộc thử nghiệm hạt nhân đầu tiên và mối đe dọa về tên lửa mang đầu đạn hạt nhân nổi lên. Khoảng 3 năm sau đó, Taepodong-2 bay qua bầu trời ở miền bắc Nhật và Tokyo lần đầu tiên ra lệnh đánh chặn một tên lửa nếu nó gây ra mối đe dọa. Ngoài ra, trong các đợt diễu binh năm 2007 và 2010, Triều Tiên cho ra mắt tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan. Có tầm bắn 2.500 - 4.000 km, Musudan là mối nguy thường trực cho Nhật và các căn cứ Mỹ ở Thái Bình Dương, theo BBC.
Đến năm 2010, Triều Tiên được cho là bắt đầu cải tiến công nghệ và tầm bắn tên lửa. Triều Tiên phóng thử thành công một tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm vào tháng 8.2016 và 2 ICBM Hwasong-14 vào năm 2017. Trong lần phóng thứ 2, vào ngày 28.7.2017, tên lửa Hwasong-14 được cho là bay xa từ 9.000 - 10.000 km. Đến ngày 28.11.2017, Triều Tiên phóng ICBM Hwasong-15, với tầm bắn 12.874 km, đủ sức đưa mọi mục tiêu ở lục địa Mỹ vào tầm ngắm, theo Yonhap.
Nguồn: CSIS, Nikkei Asia, Military-today.com |
Năng lực phòng thủ tăng gấp 1.000 lần ?
Tháng 9.2021, Triều Tiên lần đầu tiên tuyên bố đã thử tên lửa bội siêu thanh Hwasong-8, với vận tốc gấp 3 lần vận tốc âm thanh (Mach 3, tương đương hơn 3.675 km/giờ). Vụ phóng Hwasong-8 mang ý nghĩa chiến lược to lớn cho nỗ lực của Triều Tiên trong việc nâng cấp năng lực phòng thủ lên “gấp 1.000 lần”, theo KCNA.
Điểm mặt những tên lửa hiện đại trong kho vũ khí Triều Tiên |
Đến ngày 12.1 qua, Yonhap đưa tin Triều Tiên tuyên bố đã thành công khi phóng thử lần cuối tên lửa bội siêu thanh mới. Khi đó, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho hay Triều Tiên dường như đã phóng tên lửa đạn đạo, với vận tốc tối đa gấp 10 lần vận tốc âm thanh, tức Mach 10 (12.250 km/giờ).
Bên cạnh đó, sách trắng quốc phòng Nhật từ năm 2019 nhận định Triều Tiên “đã thu nhỏ được vũ khí hạt nhân để làm đầu đạn gắn vào tên lửa đạn đạo”, nhưng việc đánh giá Triều Tiên đã tiến triển đến mức nào trong lĩnh vực này không phải là chuyện dễ. “Triều Tiên tuyên bố đã có tên lửa hạt nhân với tầm bắn có thể vươn tới Mỹ, nhưng những thách thức kỹ thuật vẫn còn”, Giáo sư Shunji Hiraiwa tại Đại học Nanzan (Nhật) bình luận. Ông Hiraiwa cho rằng Triều Tiên có thể sẽ tiến hành thêm các cuộc thử nghiệm hạt nhân để thu nhỏ đầu đạn hạt nhân đến mức có thể gắn cho tên lửa.
Triều Tiên chuẩn bị thử hạt nhân ?
Yonhap hôm qua dẫn một báo cáo từ tổ chức Mạng lưới Hạt nhân mở (Áo) cho rằng Triều Tiên dường như tiếp tục khôi phục hoạt động xây dựng tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri ở phía bắc Bình Nhưỡng. Hôm 6.4, đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Sung Kim cho rằng Triều Tiên có thể thử hạt nhân hoặc phóng tên lửa vào dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 110 của cố Chủ tịch Kim Il-sung (Kim Nhật Thành) vào ngày 15.4, theo Kyodo News. Đợt thử hạt nhân gần nhất của Triều Tiên diễn ra vào tháng 9.2017 và đến nay, nước này đã tiến hành 6 vụ thử hạt nhân.
Bình luận (0)