Nắng mưa miền Trung

21/08/2020 08:00 GMT+7

Nắng mưa miền Trung. Chu kỳ cứ mãi xoay vòng, dù thời tiết có khắc nghiệt đến bao nhiêu, người miền Trung vẫn mạnh mẽ vượt qua bao sóng gió nắng mưa cuộc đời!

“Quê em hai mùa mưa nắng” là câu nói quen thuộc đi liền với hình ảnh miền Trung bao năm trời. Chẳng còn ai xa lạ khi nhắc về mảnh đất miền Trung, người ta thường nói với nhau những câu chuyện về nắng và mưa, những câu chuyện về giông gió khi mùa bão về. Những câu chuyện ngày nắng cháy da, cháy thịt.
Tôi sinh và lớn lên ở mảnh đất đầm Trà Ổ (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định). Mỗi mùa nắng đi qua, mỗi mùa mưa đến, nơi đây như cảm nhận rất rõ từng vị nắng của xứ trời miền Trung. Ngày nắng vào mùa, từng tia nắng chói chang mang theo hơi nóng như muốn thiêu rụi mọi thứ. Người ta ví nắng ở đây có thể làm cháy da, nhuộm màu da chỉ sau vài giờ.
Nhớ mùa cạn lịch sử năm 2019 vừa qua, đất đầm quê tôi cạn khô nứt nẻ. Bao nhiêu loài hải sản chết nằm trơ xương nên mặt đầm vắng lặng. Ngày thường, ở đây lúc nào cũng rộn rã tiếng cười. Từ lúc tờ mờ sáng, trong lúc màn đêm còn đang ngủ yên, trên mặt đầm đã có người cười nói, bắt đầu công việc thường ngày của cuộc sống mưu sinh. Họ đập lưới, thả lờ, đi nò, đi đăng. Mọi hoạt động đều diễn ra dưới màn đêm còn lạnh hơi sương. Dưới ánh đèn leo lét, người dân quê tranh thủ làm xong trước lúc mặt trời mọc.

Bảo tàng Quang Trung, Bình Định

Ảnh: Thiên Anh

Lạ lắm! Nếu ở những nơi khác, công việc sẽ bắt đầu vào khoảng khung giờ hành chính thì người dân quê tôi hoạt động khi màn đêm bao phủ. Bởi lẽ, khi mặt trời lên cũng là lúc nắng nóng bắt đầu gay gắt. Những ngày gió nồm, thời tiết còn dễ chịu. Còn những ngày nắng Nam, cái nắng thật khó chịu, oi bức, nóng ran mọi thứ.
Trận nắng nóng kéo dài suốt 5 - 6 tháng trời ròng rã, không một giọt mưa. Đất đầm Trà Ổ chu vi khoảng 20km với nguồn thủy hải sản phong phú, dồi dào thế mà mùa cạn năm 2019 nước cạn, đồng khô nứt nẻ, tôm cá phơi xương ngoài đồng ruộng. Người dân bỏ xứ đi làm ăn xa. Nước uống cũng phải nhờ đến sự hỗ trợ của nhà nước.
Nắng nóng là vậy! Rồi đến khi mưa về, mưa cuồn cuộn dâng trào. Mưa như thối đất, thối cát. Mưa cả ngày lẫn đêm, trời đất chìm trong giông gió. Những ngày mưa về, người dân quê lại nơm nớp lo sợ bão đến, lũ về sẽ cuốn trôi tất cả mọi thứ. Bao đêm thức trắng lưng tròng.
Quê tôi cạnh đầm, nước dâng lên rất nhanh. Con đường chính vào thôn mỗi mùa mưa đến là phải chống ghe để di chuyển. Người dân chẳng dám ra đầm vì sóng đánh bọt tung trắng xóa. Lũ trên nguồn đổ xuống rất nhanh. Chỉ trong vài giờ, nước có thể ngập cả nhà. Ai ai cũng ở nhà lo chằng chống nhà cửa để đón lũ về.
Ông tôi bảo: “Ở miền Trung quê mình, năm nào bão vô là chuyện bình thường con ạ! Năm nào mà không có bão đến mới là chuyện lạ thôi! Nắng hạn hán, mưa lũ lụt đã là chuyện quá bình thường ở mảnh đất nơi đây rồi con!”.
Trong năm hoặc những tháng gần mùa mưa, bà con đã lo chuẩn bị than, củi lửa. Nhà thì chuẩn bị muối vài thùng mắm cá cơm, vài thẩu cá luối muối. Ngày mùa hè nắng tốt thì mọi người chuẩn bị vài trăm, vài chục bánh tráng, bún sắt, gạo lúa, khoai phơi khô… để dành cho mùa mưa không đi làm được còn có cái để ăn. Dầu lửa, đèn đóm cũng được sắm sẵn. Mọi thứ đã sẵn sàng cho mùa mưa.
Mùa mưa miền Trung bắt đầu vào tháng chín và tháng mười âm lịch. Khoảng độ tháng tám, má tôi đã lo chuẩn bị vài bao củi tre, một bao dăm bào khô xin ở nhà chú thợ mộc hàng xóm để dành nhóm bếp vào mùa mưa. Mỗi khi có mấy ông, mấy bà bán than đi ngang qua, má cũng mua thủ sẵn vài bao than để có cái mà nấu ngày mưa. Nhà vào vụ mùa đậu phộng, má để dành vài ký đậu để dành rang đậu, giã chung với muối đường ăn cơm vào mùa lạnh.
Má bảo: “Mưa quê mình, mưa cả ngày lẫn đêm, lũ về đột ngột nên phải chuẩn bị mọi thứ, phòng hờ có cái mà ăn. Ngày mưa, chả ai bán buôn. Không đi làm được cũng không có tiền mà mua đồ ăn”. Công tác phòng chống lũ ở miền Trung vẫn luôn được chuẩn bị sẵn sàng chu đáo.
Chuẩn bị chu đáo là thế! Nhưng mỗi khi bão đổ bộ vào đất liền, miền Trung luôn là tâm điểm của bão. Nơi nào bão đi qua cũng để lại nỗi đau tang thương cào xé trái tim người. Nhà cửa sập cuốn trôi ra biển cả, không thì nằm sâu dưới vũng đất đổ nát. Ai may mắn thì được sống sót qua mùa bão.
Tang thương là thế nhưng người miền Trung vẫn kiên cường, chịu thương, chịu khó. Sau mùa bão, cuộc sống mưu sinh bắt đầu, họ lại bắt đầu một nhịp sống mới tuy trái tim vẫn còn hằn một vết đau.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.