Nắng mưa thất thường: Cách phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm

12/05/2023 04:03 GMT+7

Thời tiết giao mùa, nhiều trẻ em và người lớn có nguy cơ mắc nhiều loại bệnh truyền nhiễm khác như cúm, viêm phổi, tiêu chảy cấp do Rotavirus, viêm màng não do mô cầu khuẩn… triệu chứng giống Covid-19 nên dễ nhầm lẫn.

Thời gian qua, hầu hết các khu vực trên cả nước đều trải qua đợt nắng nóng kỷ lục, sau đó lại xuất hiện mưa dông bất chợt ở cả sáng và chiều. Việc thay đổi thời tiết bất thường khiến cơ thể của nhiều người không kịp thích nghi, hệ miễn dịch suy giảm khiến các bệnh hô hấp như cúm, viêm phổi, viêm phế quản… tăng cao.

Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết những cơn mưa sẽ khiến nhiệt độ giảm, dịu bầu không khí nắng nóng oi bức. Tuy nhiên, chính sự giảm nhiệt đột ngột khiến cơ thể không kịp thích nghi, dễ đổ bệnh, đặc biệt là những nhóm nguy cơ cao như trẻ em, người già, người có bệnh mạn tính.

"Thời tiết cực đoan cũng là điều kiện thuận lợi cho virus gây bệnh phát triển, ví dụ Rotavirus, cúm, phế cầu khuẩn... Bên cạnh đó, số ca mắc mới Covid-19 đang tăng trở lại, chủ yếu ở nhóm người cao tuổi, người có nguy cơ cao như tim mạch, đái tháo đường, COPD... khiến nguy cơ bệnh nặng tăng cao", bác sĩ Chính chia sẻ.

Theo đó, người dân cần phòng tránh các bệnh truyền nhiễm thường gặp trong giai đoạn này như cúm mùa, các bệnh do phế cầu, sởi...

Cúm mùa

Cúm mùa xảy ra quanh năm, tuy nhiên bệnh gia tăng trong những thời điểm giao mùa, nắng mưa thất thường. Cúm là bệnh dễ mắc, dễ lây và dễ bị bỏ qua những triệu chứng ban đầu dẫn tới người bệnh thường không được chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời. Cúm có thể gây ra các biến chứng như như viêm phổi, nhiễm trùng huyết, tổn thương tim, viêm não/màng não, suy hô hấp... Các đối tượng dễ gặp biến chứng là trẻ em, phụ nữ mang thai, người cao tuổi, người có bệnh nền.

Các chuyên gia khuyến cáo, tất cả trẻ em và người lớn, đặc biệt nhóm nguy cơ cao cần được bảo vệ khỏi cúm.

"Việc tăng cường đề kháng, bổ sung đủ nước, ngủ nghỉ hợp lý, xây dựng chế độ ăn uống khoa học lành mạnh, tăng cường rau củ quả đóng vai trò quan trọng trong phòng ngừa cúm. Ngoài ra, việc tiêm phòng vắc xin giúp tạo kháng thể phòng ngừa cúm hiệu quả. Một mũi vắc xin cúm mỗi năm có thể giúp giảm 50% nguy cơ nhập viện ở người cao tuổi, giảm 74% tỷ lệ nhập viện ở trẻ em", bác sĩ Chính chia sẻ.

Phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm khi thời tiết nắng mưa thất thường - Ảnh 1.

Nắng mưa thất thường tạo điều kiện cho nhiều loại vi khuẩn, virus gây bệnh sinh sôi

LÊ CẦM

Các bệnh do phế cầu khuẩn

Phế cầu khuẩn thường khu trú tại vùng mũi họng con người và thường tấn công hệ hô hấp khi sức đề kháng suy giảm gây nên tình trạng viêm phổi, viêm tai giữa, viêm màng não thậm chí nhiễm khuẩn huyết. Phế cầu khuẩn có tỉ lệ đề kháng kháng sinh cao. Bệnh nhân đồng nhiễm phế cầu với Covid-19 hoặc các bệnh khác có nguy cơ bệnh nặng và tử vong cao hơn.

Do đó, phụ huynh cần chú ý trang phục cho trẻ khi thời tiết thay đổi, vệ sinh sạch sẽ vùng mũi họng, tăng cường sức đề kháng bằng cách cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời, xây dựng chế độ ăn cân đối đủ dinh dưỡng đối với trẻ đã ăn dặm. Trẻ từ 6 tuần tuổi và người lớn được khuyến cáo nên tiêm vắc xin phòng phế cầu. Đây là biện pháp giảm thiểu biến chứng, giảm việc dùng kháng sinh khi chưa thực sự cần thiết.

Sởi

Sởi là bệnh truyền nhiễm có khả năng lây lan rất cao. Virus sởi Polinosa morbillarum có thể tồn tại trong không khí và trên các bề mặt trong tối đa 3 giờ. Một người bị nhiễm bệnh có thể truyền virus trong vòng 4 ngày trước và sau khi phát ban. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sởi là bệnh nguy hiểm cho mọi đối tượng, từ trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người trưởng thành, đến người lớn tuổi, song bệnh đã hoàn toàn phòng ngừa được bằng vắc xin.

Hiện nay, các bệnh hô hấp cũng đang tăng cao, người bệnh dễ nhầm lẫn triệu chứng sởi với các triệu chứng bệnh hô hấp thông thường khác nên dễ trở nặng.

Tiêu chảy cấp do Rotavirus

Tiêu chảy cấp do Rotavirus là bệnh viêm dạ dày ruột cấp do virus Rota gây ra với triệu chứng là tiêu chảy, ói mửa, sốt. Thời tiết nắng mưa thất thường cũng sẽ làm tăng nguy cơ lây lan các mầm bệnh đường tiêu hóa ở trẻ em. Trong 5 năm đầu đời, hầu hết trẻ em đều bị nhiễm bởi loại virus này. Tại Việt Nam, tiêu chảy cấp thuộc top các bệnh gây tử vong hàng đầu ở trẻ nhỏ.

Hiện tiêu chảy cấp chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, kháng sinh không có tác dụng đối với bệnh. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây tiêu chảy nặng, mất nước, rối loạn điện giải, suy dinh dưỡng... thậm chí tử vong.

Viêm màng não do não mô cầu khuẩn

So với một số bệnh truyền nhiễm đang lưu hành tại nước ta, viêm màng não do vi khuẩn não mô cầu có số ca mắc không nhiều nhưng là một trong những bệnh nguy hiểm và để lại nhiều di chứng nặng nề nhất. Bệnh nhân có thể tử vong trong vòng 24 giờ từ khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên nếu không được điều trị kịp thời.

Khoảng 20% bệnh nhân còn sống mắc các di chứng như chậm phát triển thần kinh, bại liệt, hoại tử nghiêm trọng phải cắt cụt chi… Bệnh có triệu chứng ban đầu dễ gây nhầm lẫn với các bệnh cúm, nhiễm siêu vi thông thường nên thường không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.

"Thời tiết giao mùa tạo điều kiện cho nhiều loại vi khuẩn, virus phát triển, trẻ nhỏ, người già, những người có hệ miễn dịch kém sẽ dễ bị mắc bệnh. Do đó việc tăng cường hệ miễn dịch bằng việc ngủ đủ giấc, ăn uống đủ dinh dưỡng, tiêm phòng đầy đủ... giúp giảm nguy cơ mắc bệnh và tỷ lệ nhập viện", bác sĩ Chính khuyến cáo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.