Đời sống, sản xuất đều bị ảnh hưởng
Trong mấy ngày cuối tuần, nắng nóng gay gắt quay trở lại các tỉnh miền Đông Nam bộ. Theo các bản tin thời tiết, nhiều nơi có nhiệt độ cao nhất lên tới 37 - 38 độ C. TP.HCM tuy không phải là tâm điểm nắng nóng nhưng mức nhiệt cao nhất cũng lên 35 - 36 độ C. Tuy nhiên, thực tế nhiệt độ cảm nhận của người dân còn vượt xa so với số đo trong lều khí tượng.
Cụ thể, theo khảo sát của chúng tôi lúc 14 giờ những ngày cuối tuần qua, nhiệt độ cảm nhận tại khu vực cầu vượt Hàng Xanh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) lên đến 39 độ C. Anh Nguyễn Văn Tài, một người dân sống gần khu vực này, cho biết: Nhiều ngày qua, biển quảng cáo điện tử có kèm thông báo nhiệt độ ở đây thường xuyên hiển thị mức nhiệt độ 38 - 40 độ C.
"Tôi thấy mức nhiệt hiển thị ở trên biển quảng cáo phù hợp với cảm nhận của mình. Tôi đang mặc một cái áo sơ mi bên trong và áo khoác mà vẫn thấy nóng rát cả da. Có cảm giác không thể chịu nổi", anh Tài than thở.
Thực tế những ngày qua, nhiều người phải hạn chế ra đường vì nắng nóng. Với những người phải làm việc ngoài trời thì luôn canh cánh lo bệnh vì phơi mình dưới nắng nóng thường xuyên. Anh Lý Văn Hưng, một tài xế xe ôm, chia sẻ: "Từ sau tết đến nay, kinh tế khó khăn dân chạy xe ôm công nghệ bán thời gian tăng. Nhưng nắng nóng và thu nhập giảm còn khách thì ngày càng vắng. Mỗi ngày chỉ chạy được vài tiếng buổi sáng và vài tiếng buổi chiều tối. Có gồng mình phơi nắng cả ngày ngoài đường cũng chỉ kiếm được khoảng 300.000 đồng. Hôm nào trong người không khỏe, trúng nắng bệnh phải nghỉ làm thì mất trắng".
Xem nhanh 12h ngày 1.4: Nắng nóng bất thường khắp cả nước
Chị Lê Thị Tuyết Minh, ngụ Q.5, TP.HCM, bị viêm xoang nên rất nhạy cảm với thời tiết. Nắng nóng kéo dài càng khiến tình trạng sức khỏe của chị bị ảnh hưởng, thường xuyên đau đầu từ trưa đến chiều tối. "Cả tháng qua, ngoài việc hạn chế ra đường thì nhà tôi gần như mở máy lạnh cả ngày. Bình thường, tôi chỉ mở máy lạnh có 26 độ nhưng gần đây để 23 - 24 độ C vẫn chưa thấy mát. Tối qua, thấy máy lạnh hoạt động liên tục nên tôi thử tắt; mới có 5 phút mà đã nóng không chịu được, nên buộc lòng phải mở lại. Hóa đơn tiền điện sắp tới của nhà tôi chắc chắn sẽ tăng rất cao", chị Minh lo lắng.
Ở nhiều tỉnh, thành phía nam khác, nắng nóng gay gắt ảnh hưởng lớn đến nguồn nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất. Cập nhật đến ngày 26.3 của Bộ NN-PTNT cho thấy toàn vùng ĐBSCL có hơn 50.500 hộ dân (3,6% tổng số hộ) bị thiếu nước sinh hoạt. Nhiều nhất là Kiên Giang khoảng 20.000 hộ, kế đến là Bến Tre 12.000 hộ và các tỉnh khác có số lượng đáng kể như: Sóc Trăng, Cà Mau, Long An. Đây là những nơi nguồn nước mặt tại một số công trình cấp nước tập trung có độ mặn vượt ngưỡng cho phép hoặc các hộ dân chưa được cấp nước từ công trình cấp tập trung.
Đáng chú ý đã có 621 ha lúa thuộc tỉnh Sóc Trăng bị thiệt hại vì hạn mặn. Ngoài ra còn có khoảng 20.000 ha lúa ở nhiều tỉnh thành ven biển như Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh và Sóc Trăng bị hạn mặn đe dọa. Kết quả nghiên cứu, lập bản đồ thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra tại khu vực ĐBSCL của Viện Khoa học tài nguyên nước tiến hành mới đây cho thấy tổng mức thiệt hại do xâm nhập mặn ở ĐBSCL khoảng 70.168 tỉ đồng.
Đây là thiệt hại gây ra với hoạt động sản xuất gồm cây ăn quả, hoa màu, lúa và thủy sản. Các nhà khoa học cũng xây dựng kịch bản thiệt hại do xâm nhập mặn tại ĐBSCL ở các năm 2030, năm 2040 và năm 2050 với mức thiệt hại lần lượt 72.385 tỉ đồng, 73.530 tỉ đồng và 76.485 tỉ đồng.
Khô hạn vì nắng nóng không chỉ bao trùm và ảnh hưởng đến các tỉnh Nam bộ mà đang mở rộng ra các tỉnh Nam Trung bộ và Tây nguyên. Hiện có hơn 9.800 ha cây trồng chủ yếu là cây lâu năm bị ảnh hưởng do hạn hán, thiếu nước. Cụ thể như Gia Lai có khoảng 101 ha, Đắk Lắk 63 ha, Lâm Đồng hơn 1.800 ha, Bình Phước hơn 7.800 ha.
Dự báo tình trạng hạn hán dẫn đến nguy cơ thiếu nước tiếp tục kéo dài đến hết mùa khô, ảnh hưởng đến vùng Tây nguyên trên diện tích từ 15.000 - 26.000 ha, còn Đông Nam bộ từ 8.000 - 11.000 ha, chiếm khoảng 1 - 2% diện tích gieo trồng. Còn tại Trung bộ, hiện có khoảng 2.400 ha lúa và cây ăn quả bị thiếu nước tưới; cụ thể tại Quảng Nam có khoảng 1.500 ha lúa và Bình Thuận có gần 910 ha thanh long.
Có thể lên tới 40 độ C
Nắng nóng hiện kéo dài quá lâu nên câu hỏi của nhiều người dân lúc này là bao giờ nắng nóng mới chấm dứt, bao giờ mới có mưa giải nhiệt. Th.S Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia dự báo khí tượng thủy văn, cho biết: Từ sau ngày xuân phân 21.3, Nam bộ bước vào giai đoạn đỉnh điểm của mùa nắng nóng. Do đây là giai đoạn mặt trời gần với đường xích đạo nhất, cường độ bức xạ tăng, khiến nắng nóng càng gay gắt. Giai đoạn này sẽ kéo dài đến giữa tháng 4, đồng nghĩa rằng đỉnh điểm nắng nóng ở Nam bộ sẽ còn kéo dài khoảng 3 tuần.
Bên cạnh nắng nóng thì cường độ tia cực tím cũng tăng. Nắng xuất hiện từ sáng sớm đến chiều tối và giai đoạn nắng nóng gay gắt trong ngày cũng kéo dài có thể từ 10 hoặc 11 giờ đến 16 - 17 giờ. Giai đoạn này độ ẩm trong không khí thấp, gây hiện tượng nóng khô và chúng ta cảm nhận nắng nóng gay gắt rất khó chịu.
Bà Lan giải thích El Nino dù đã suy yếu nhưng những tác động của hiện tượng này vẫn còn. Bên cạnh đó tình trạng biến đổi khí hậu làm nhiệt độ trái đất ấm lên. Do tác động của 2 yếu tố này nên nhiệt độ cao nhất trong mùa nắng nóng năm nay có thể tương đương giá trị lịch sử trong mùa khô năm 2017/2018, khi đó, TP.HCM nắng nóng đến 39,6 độ C.
"Năm nay TP.HCM có thể không đạt tới mức này nhưng một số nơi khác như Biên Hòa (Đồng Nai) có thể nắng nóng đến 39 - 40 độ C. Các địa phương Tây Nam bộ như Châu Đốc, Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang có thể nắng nóng 37 - 38 độ C. Cũng cần lưu ý, đây là nhiệt độ khí tượng còn nhiệt độ cảm nhận thực tế có thể cao hơn từ 2 - 4 độ C tùy từng điều kiện cụ thể", bà Lan dự báo.
Trong nửa cuối tháng 4, do độ ẩm không khí tăng khiến bầu khí quyển trở nên oi bức, tạo cảm giác càng khó chịu hơn. Đây cũng là giai đoạn có thể xuất hiện một số đợt gió mùa tây nam tầm thấp, gây ra một vài cơn mưa trái mùa. Bước sang đầu tháng 5, gió mùa tây nam hoạt động nhiều hơn và mạnh dần lên sẽ tạo ra các cơn mưa chuyển mùa. Do nắng nóng gay gắt nên giai đoạn này dễ sinh ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như giông kèm theo mưa to, lốc xoáy thậm chí là vòi rồng, mưa đá, đặc biệt là sét… thường xảy ra vào chiều tối, người dân cần hết sức chú ý phòng tránh tai nạn.
"Năm nay, nắng nóng gay gắt kéo dài, mùa mưa đến muộn và có thể bắt đầu từ nửa cuối tháng 5 ở một số nơi như Phú Quốc, Rạch Giá (Kiên Giang), Cà Mau… sau đó mở rộng dần ra các tỉnh Nam bộ. Khi mùa mưa bắt đầu, tình trạng nắng nóng mới chấm dứt hoàn toàn", bà Lan dự báo.
Dự báo về nắng nóng sớm và bất thường cũng được nhiều chuyên gia thời tiết đồng tình và số liệu thực đo cũng chứng minh điều đó. Cụ thể như, ngày 15.2 tại Biên Hòa (Đồng Nai) ghi nhận mức nhiệt độ lên tới 38 độ C. Đây là mức cao lịch sử trong tháng 2. Bước qua đầu tháng 3 nhiệt độ cao nhất ở Nam bộ lên tới 38,5 độ C. Tình trạng nắng nóng bất thường cũng xảy ra ở các tỉnh miền Trung. Ngày 5.3 nắng nóng gay gắt với mức nhiệt cao nhất lên tới 39,9 độ C tại Tương Dương (Nghệ An), TP.Hà Tĩnh (Hà Tĩnh) 39,4 độ C và Hương Khê (Hà Tĩnh) 39,1 độ C.
Hôm qua 31.3, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết: Tại một số nơi ở Quảng Bình nhiệt độ cao nhất vượt 38 độ C như: Tuyên Hóa mức 38,7 độ C, Đồng Hới (38,3 độ C) hay Ba Đồn cũng 37,9 độ C. Nhiều tỉnh thành khác ở miền Trung cũng nắng nóng 36 - 37 độ C.
Những bằng chứng trên cho thấy sự bất thường của thời tiết hiện nay. Tình trạng này không chỉ riêng ở VN mà xảy ra trên phạm vi toàn cầu. Các báo cáo của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho biết từ tháng 6.2023 đến nay nhiệt độ trung bình hằng tháng đều cao hơn so với trung bình cùng kỳ các năm trước đó. Hiện tượng El Nino là một phần nguyên nhân nhưng yếu tố quan trọng là do tình trạng biến đổi khí hậu làm nhiệt độ trái đất ấm lên. Từ đó, các chuyên gia khuyến cáo loài người cần có những hành động làm chậm lại quá trình ấm lên toàn cầu một cách nhanh chóng và quyết liệt hơn nữa.
Hạn mặn kỷ lục ở ĐBSCL
Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, tính đến nay mức độ xâm nhập mặn ở Sóc Trăng, Long An, Trà Vinh, Tiền Giang phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) và xấp xỉ năm 2016, năm được xem là hạn mặn kỷ lục ở ĐBSCL. Riêng tại tỉnh Bến Tre, trên sông Cổ Chiên, mặn đã lấn sâu hơn năm 2016.
Hiện tại, mực nước trên sông Mê Kông tại trạm Kratie (Campuchia) ở mức nhỏ hơn so với cùng kỳ năm 2023 khoảng 21% nhưng lớn hơn TBNN khoảng 7,4%. Dung tích biển Hồ (Campuchia) cũng nhỏ hơn TBNN khoảng 0,32 tỉ m³. Các đợt xâm nhập mặn tiếp theo trong tháng 4 - 5.2024 vào các giai đoạn trùng với kỳ triều cường âm lịch. Cụ thể là đợt triều cường từ ngày 8 - 13.4; đợt tiếp theo từ ngày 22 - 28.4, và đợt từ ngày 7 - 11.5. Ranh mặn 4‰ xâm nhập cách cửa sông Tiền khoảng 50 - 60 km, sông Hậu khoảng 40 - 50 km, sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây từ 75 - 90 km.
Chí Nhân
Nắng nóng miền Bắc đến sớm, bất thường
Theo dự báo, từ ngày 1 - 2.4, Tây Bắc bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35 - 38 độ C, có nơi trên 38 độ C; khu vực Đông Bắc bộ và Nam bộ có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35 - 37 độ C, có nơi trên 37 độ C. Độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 40 - 55%.
Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 36 - 39 độ C, có nơi trên 39 độ C. Độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 35 - 50%.
Đây là đợt nắng nóng diện rộng đầu tiên tại miền Bắc và miền Trung trong năm 2024. Nắng nóng và nắng nóng gay gắt ở Tây Bắc bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 5.4; ở Đông Bắc bộ nắng nóng có khả năng kéo dài đến ngày 4.4.
Nắng nóng đến sớm có thể khiến nhiệt độ trung bình tại khu vực Bắc bộ, Bắc và Trung Trung bộ trong 20 ngày đầu tháng 4 phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 1 - 2 độ C.
PGS-TS Phạm Thị Thanh Ngà, Viện trưởng Viện Khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu (Bộ TN-MT), nhận định đợt nắng nóng ngay đầu tháng 4 ở miền Bắc đến sớm bất thường bởi so với trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ, nền nhiệt độ trong tháng 4 chưa thể lên cao như mức được dự báo. Theo bà Ngà, năm 2024 được dự báo mùa nắng sẽ đến sớm, gay gắt hơn TBNN và dễ xuất hiện những kỷ lục về nắng nóng do VN vẫn đang chịu ảnh hưởng của hiện tượng El Nino.
Trong khi đó, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết khả năng hiện tượng El Nino kết thúc vào tháng 4 - tháng 6; đến tháng 7 - tháng 8 thì La Nina bắt đầu. "Trung bình mỗi năm cả nước có 15 đợt nắng nóng, nhiệt độ cao nhất ngày từ 35 độ C trở lên. Vì vậy, số đợt nắng nóng năm nay có thể nhiều hơn và mức độ gay gắt hơn so với TBNN", ông Lâm nhận định.
Đình Huy
Bình luận (0)