Cụ thể, tại Việt Nam, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) giá gạo 5% tấm hiện 483 USD/tấn cao hơn 10 USD so với đỉnh 473 USD/tấn thời điểm giữa tháng 2.2023. Nếu so với giá trung bình nhiều năm thì giá hiện tại cao hơn 30 - 40 USD/tấn. Tại ĐBSCL, giá lúa gạo đang có xu hướng tăng, chẳng hạn lúa thường tại ruộng đang ở mức bình quân 6.500 đồng/kg, lúa khô tại kho từ 7.600 - 8.000 đồng/kg, gạo lứt loại 1 khoảng 10.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, giá này vẫn chưa là gì so với gạo cùng phẩm cấp của Thái Lan đang ở mức 503 USD/tấn. Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA), thông tin giá gạo hiện tại vẫn đang thấp hơn thời điểm tháng 2 khoảng 20 USD/tấn; vào giai đoạn đó Thái Lan đang tập trung giao gạo cho các nhà nhập khẩu khu vực Trung Đông.
Trong khi đó, giá gạo Pakistan đã đạt tới 523 - 533 USD/tấn, cao nhất từ trước tới nay và hơn bình thường ít nhất 60 USD/tấn. Nguyên nhân được cho là do sản lượng thấp khiến nguồn cung khan hiếm.
Ấn Độ, nguồn cung gạo lớn nhất thế giới cũng tăng 20 - 30 USD so với giá bình quân nhiều năm, hiện giá 453 USD/tấn.
Giải thích về cơn "sốt" giá gạo hiện nay, nhiều thương nhân ở ĐBSCL cho biết, do nắng nóng gay gắt nhiều nơi và các cảnh báo thời tiết về hiện tượng El Nino đang đến gần có khả năng sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền sản xuất nông nghiệp của nhiều nước. Chính vì vậy, hiện thời các nước đang tích cực thu mua để phục vụ tiêu dùng trong nước và cả dự trữ về lâu dài, tránh bị động.
"Hiện Ấn Độ vẫn hạn chế xuất khẩu gạo, trong khi Trung Quốc, Indonesia, Philippines... và các nước châu Phi có nhu cầu lớn để đảm bảo an ninh lương thực. Điều này sẽ khiến giá lúa gạo tiếp tục ở mức cao và kéo dài cùng với hiện tượng El Nino", đại diện một doanh nghiệp lớn trong ngành lúa gạo nhận định.
Giá gạo Việt vẫn giữ ngôi vương khi giá thế giới lao dốc
Một nguyên nhân khác khiến lúa gạo tăng giá là tại Việt Nam và các nước lân cận, mùa thu hoạch đã kết thúc dẫn tới nguồn cung hạn chế. Từ cuối năm 2022, nhu cầu tiêu thụ gạo đã tăng dần khiến giá gạo luôn ở mức cao. Mới đây, VFA chính thức kiến nghị Bộ Công thương xem xét điều chỉnh mục tiêu xuất khẩu gạo năm 2023 từ 7 triệu tấn xuống 6,1 - 6,3 triệu tấn, do thiếu hụt nguồn cung.
Trong báo cáo mới nhất, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) cho biết, chỉ số giá lương thực trong tháng 4 đạt 127,2 điểm, cao hơn mức 126,5 điểm của tháng 3. Các mặt hàng kiến chỉ số này tăng là đường, thịt và gạo tăng.
Bình luận (0)