Nắng nóng kinh khủng, dân hoang mang tia UV cực cao gây bỏng: Sao Đài không công bố?

26/04/2019 10:10 GMT+7

Những ngày qua, người dân rất hoang mang trước thông tin chỉ số tia UV tại TP.HCM ở mức rất cao, gây huy hại cho da và mắt. Nhưng Đài Khí tượng Thủy văn lại không công khai thông tin này để cảnh báo, vì sao?

Theo trang Weatheronline (trang dự báo thời tiết của Anh), từ ngày 22 - 25.4, chỉ số tia UV tại TP.HCM ở mức 12, sau đó giảm dần đến ngày 29. Chỉ số UV này ở mức cực kỳ nguy hiểm, gây hại cho da và mắt.
Tuy nhiên, trên các trang của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ và Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương lại không có thông báo đến người dân các chỉ số này để cảnh báo.

Theo tìm hiểu, ở TP.HCM có máy đo tia cực tím nhưng số liệu ở đây được gửi về Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, sau đó, sẽ có người giải mã và đọc ra chỉ số tia UV. Các chỉ số này hiện chưa được Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương chuyển về Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ để công khai đến người dân trên website.

Chỉ số tia UV theo xu hướng tăng cao ở TP.HCM và Hà Nội

Trao đổi với Thanh Niên, ông Đỗ Trung Trực, Trưởng phòng Quản lý mạng lưới trạm, Đài khí tượng cao không, Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ TN-MT), cho biết cả nước hiện có 3 thiết bị đo tổng lượng ozon và cường độ bức xạ cực tím (Brewer MKIII) đặt tại Trụ sở Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Hà Nội), thị trấn Sa Pa (Lào Cai) và Nhà Bè (TP.HCM). Các máy này thực hiện quan trắc 24/24 giờ, số liệu cập nhật về Đài Khí tượng cao không.
Theo ghi nhận trong những ngày gần đây, cường độ bức xạ cực tím ở khu vực TP.HCM và Hà Nội đều có xu hướng tăng cao.
Chỉ số tia UV tại Hà Nội và TP.HCM những ngày qua ẢNH CHỤP MÀN HÌNH
Ông Đỗ Trung Trực cho rằng, tia cực tím xuống đến trái đất phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: lượng ozon, lượng mây che phủ, góc thiên đỉnh, độ ô nhiễm không khí, Albedo,…nắng nóng chỉ là một tác trong những tác nhân ảnh hưởng đến cường độ bức xạ cực tím. Trên thực tế, Đài Khí tượng cao không quan trắc được có những ngày nắng nóng nhưng cường độ bức xạ cực tím không cao, ngược lại có ngày không phải nắng nóng thì cường độ bức xạ cực tím lại cao.
Ông Đỗ Trung Trực cho biết, trong quan trắc cường độ bức xạ cực tím, các nước vẫn thường sử dụng các đơn vị khác nhau, có thể dùng đơn vị W/m2 hoặc Joules/m2 , các chỉ số UV thường thấy được quy đổi từ cường độ bức xạ cực tím này.

Cũng theo ông Trực, công tác quan trắc tổng lượng ozon và cường độ bức xạ cực tím hiện tại được thực hiện để thu thập số liệu phục vụ công tác điều tra cơ bản, phát báo quốc tế và được cung cấp, chia sẻ cho các đơn vị có nhu cầu sử dụng.

Tuần tới sẽ bắt đầu công bố chỉ số tia UV

Giám đốc Đài Khí tượng cao không Nguyễn Vinh Thư cũng chia sẻ, Đài Khí tượng cao không là đơn vị trực thuộc Tổng cục Khí tượng Thủy văn có nhiệm vụ quản lý, chỉ đạo kỹ thuật mạng lưới quan trắc tổng lượng ozon và bức xạ cực tím trên phạm vi toàn quốc. Hiện tại, mạng lưới quan trắc còn thưa, do vậy số liệu chưa đủ dày để thực hiện công tác dự báo, cảnh báo chỉ số UV chi tiết đến cấp tỉnh, thành phố.
Hình ảnh máy dự báo tia UV ở Hà Nội Phan Hậu
Trong thời gian tới theo chiến lược phát triển của Tổng cục, mạng lưới quan trắc tổng lượng ozon và cường độ bức xạ cực tím sẽ được bổ sung để đảm bảo cho việc khai thác nguồn số liệu dự báo chỉ số UV phục vụ cộng đồng.
Được biết, trong tuần tới, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương sẽ thông báo các chỉ số tia UV kèm trong các bản tin dự báo nhiệt độ, lượng mưa hằng ngày. Trước mắt, Đài có thể cung cấp số liệu 3 trạm quan trắc hiện có thông qua website của đài. Còn lại, những tỉnh thành khác Tổng cục Khí tượng Thủy văn sẽ cung cấp thêm các dự báo chỉ số UV nguy hiểm trong các bản tin dự báo thời tiết trên báo, đài.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.