Nắng nóng, lựa chọn đi xe buýt để tránh 'ngồi trên đống lửa' khi đi xe máy

01/04/2023 16:26 GMT+7

Gần đây, thời tiết ở TP.HCM nắng nóng gay gắt gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhiều người. Nhiệt độ ngoài trời tăng cao, nhiều người nghĩ đến việc tìm các phương tiện công cộng để di chuyển nhằm tránh nắng nóng.

Những ngày này, mọi người đi xe máy ra đường vào giữa trưa cảm thấy mệt mỏi, có thể cảm nhận được sức nóng hắt lên từ mặt đường đến rát mặt. Nắng nóng gay gắt đã khiến nhiều người phải hạn chế di chuyển bằng xe máy và lựa chọn xe buýt làm phương tiện đi học, đi làm nhiều hơn.

Trước thời tiết nóng nực nên Trần Trọng Đạt (24 tuổi), đang làm việc tại 36 đường D2, Q.Bình Thạnh, TP.HCM cho biết cũng đã thay đổi thói quen sang sử dụng xe buýt làm phương tiện di chuyển, nếu quãng đường gần mới di chuyển bằng xe máy.

“Mình chỉ dùng xe máy khi thật cần thiết. Di chuyển bằng xe buýt mang lại khá nhiều lợi ích. Nhìn dòng xe máy ken đặc trên cầu Rạch Chiếc, ngã tư Bình Thái (TP.Thủ Đức, TP.HCM), mình rất hạnh phúc khi đi xe buýt”.


Nắng nóng, lựa chọn đi xe buýt để tránh 'ngồi trên đống lửa' khi đi xe máy - Ảnh 1.

Người trẻ lựa chọn đi xe buýt khi thời tiết nắng nóng

Lê Mỹ Huyền, sinh viên Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cũng nói: “Ở TP.HCM, thiếu đi chiếc xe máy giống như thiếu đi đôi chân. Mỗi ngày mình phải vượt 25 km từ nhà ở Q.6 đến trường. Mình đã quá mệt mỏi với những con đường đông nghẹt người. Với những ngày nắng nóng cộng thêm kẹt xe khiến mình khi di chuyển trên đường như “ngồi trên đống lửa”. Từ ngày đi xe buýt, mình không còn tình trạng mệt mỏi vào mỗi trưa đến trường cũng không sợ nắng nóng”.

Đón tuyến xe buýt số 8 từ trạm xe ký túc xá khu A (ĐH Quốc gia TP.HCM) đến trường học ở Q.10, Nguyễn Nhựt Minh, sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết khoảng 3 ngày trong tuần mình đón xe buýt đến trường. Nhựt Minh kể: “Do mình đang học thực hành tại cơ sở chính của trường ở Q.10 nên mình phải chịu khó. Từ chỗ ở đến trường khá xa, cộng thêm thời tiết nắng gay gắt, vì vậy mình lựa chọn xe buýt di chuyển cho tiện lợi, mát mẻ và tránh chịu cảnh kẹt xe trên đường vào giữa trưa”.

Theo Nguyễn Ngọc Anh, sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, trước kia mình rất ít quan tâm đến lựa chọn phương tiện để đi lại. Cứ ra đường là lên xe máy, đổ xăng và đi. Đơn giản là vì xe máy di chuyển tiện lợi. Nhưng nay đối diện với một thực tế khác, thời tiết ở TP.HCM tăng cao buộc Ngọc Anh phải tính toán lại phương tiện di chuyển.

“Nếu cứ đi xe máy hàng ngày như trước, thì mình không chịu nổi. Cảm giác mỗi ngày đi học như đi phượt, thức giấc ở một nơi xa. Mình phải di chuyển từ nhà ở Q.8 lên trường học ở TP.Thủ Đức bằng xe buýt, như thế vừa đảm bảo an toàn lại tránh nóng”, Ngọc Anh chia sẻ.

Theo thông tin đăng trên Báo Thanh Niên, những ngày cuối tháng 3, TP.HCM và một số tỉnh Đông Nam bộ có nắng nóng, nhiệu độ cao nhất 36 độ C, một số nơi trên 37 độ C, tiết trời oi ả, khó chịu. Những ngày qua, TP.HCM liên tục nắng nóng oi ả, đặc biệt vào giờ trưa. Trong khi đó, nhiệt độ vào buổi sáng và tối khá dễ chịu.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, mùa nắng nóng ở miền Nam năm 2023 đến sớm và kết thúc muộn và nắng nóng kéo dài hơn so với mọi năm. Số ngày nắng nóng và nhiệt độ cao nhất trung bình trong các tháng nắng nóng khả năng cũng cao hơn trung bình nhiều năm.

Dự báo trong tháng 4, nhiệt độ trung bình cao hơn trung bình nhiều năm, nắng nóng diện rộng với nhiệt độ cao nhất 36 - 39 độ C, có nơi như các tỉnh: Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương; trên 39 độ C ở khu vực Đông Nam bộ và 35 - 37 độ C ở miền Tây.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.