Nhu cầu nước hằng ngày
Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng Đơn vị Điều trị Ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết mỗi ngày, người trưởng thành cần 35g nước cho 1kg thể trọng. Nhu cầu nước của trẻ em cao gấp 3 - 4 lần. Trung bình mỗi người cần 6 - 8 cốc nước/ngày (tương đương 1,5 lít). Nước đưa vào cơ thể dưới dạng thức ăn và đồ uống.
"Nhu cầu nước hằng ngày của cơ thể còn tùy theo thời tiết, điều kiện sinh hoạt, tình trạng lao động, tình trạng sinh lý... Người càng cao tuổi lượng nước trong cơ thể càng ít. Ở trẻ sơ sinh lượng nước chiếm 75 - 80% cân nặng, nhưng người 60 - 70 tuổi lượng nước chỉ chiếm 50% trọng lượng", bác sĩ Vũ chia sẻ.
Nắng nóng gay gắt, người dân Hà Nội đổ ra công viên nước giải nhiệt
Lượng nước cụ thể theo từng lứa tuổi, cân nặng
Theo cân nặng, tuổi với trẻ vị thành niên (10 - 18) tuổi nhu cầu nước là 40ml/kg; từ 19 - 30 tuổi hoạt động thể lực nặng nhu cầu nước là 40ml/kg; từ 19 đến 55 tuổi hoạt động thể lực trung bình nhu cầu nước là 35ml/kg, người trưởng thành trên 55 tuổi nhu cầu nước là 30ml/kg.
Theo cân nặng: trẻ em từ 1 - 10kg nhu cầu nước là 100ml/kg; trẻ em từ 11 - 20kg nhu cầu nước: 1.000ml + 50ml cho mỗi 10kg cân nặng tăng lên; trẻ em từ 21kg trở lên nhu cầu nước là: 1.500ml + 20ml/kg cho mỗi 20kg cân nặng tăng lên.
Người trưởng thành trên 50 tuổi nhu cầu nước thêm 15ml/kg cho mỗi 20kg cân nặng tăng lên.
Trong những ngày nắng nóng, bài tiết chủ yếu là mồ hôi, lượng mồ hôi bài tiết rất lớn: 2 - 3 lít/giờ và đặc biệt có thể tới 3 - 3,5 lít/giờ, có thể gây ra những rối loạn do thiếu nước. Bài tiết mồ hôi để thực hiện một chức năng quan trọng là điều hòa thân nhiệt.
Ngoài ra, nước còn bài tiết qua nước tiểu: một người trưởng thành bình thường mỗi ngày bài tiết 1 - 1,5 lít nước tiểu, nước thấm qua da (không phải là mồ hôi) mỗi ngày 450ml, đào thải qua khí thở mỗi ngày 250 - 350ml.
Các nguồn bổ sung nước cho cơ thể
Bác sĩ Huỳnh Tuấn Vũ cho biết, để đảm bảo sức khỏe, đơn giản nhất chỉ cần uống nước đun sôi để nguội, nếu uống nước đóng chai thì phải chọn các hãng có uy tín trên thị trường. Nhiều người không thích uống nước lọc vì chúng không có hương vị. Do vậy, có thể thêm một vài lát chanh, dâu tây, dưa chuột, lá bạc hà,… vào bình nước để tăng hương vị cho nước lọc, giúp tạo cảm giác ngon miệng, sảng khoái, kích thích uống nước nhiều hơn.
Các loại đồ uống mùa hè như nước dừa, nước chanh bên cạnh bổ sung nước còn bổ sung vitamin cho cơ thể. Các loại sinh tố trái cây cung cấp một lượng nước, vitamin các loại và chất xơ rất tốt cho sức khỏe. Có thể bổ sung một chút muối vào đồ uống sẽ giúp tăng hương vị và bổ sung chất điện giải bị mất qua đổ mồ hôi.
Các loại trái cây như dưa hấu, cam đào, dứa,... đều là những loại quả rất tốt cho sức khỏe, bổ sung các loại trái cây này trong chế độ ăn uống hằng ngày vừa giúp cung cấp lượng nước đã mất, đồng thời chúng là những loại quả rất giàu vitamin C giúp giữ ẩm. Các loại rau như bông cải xanh, bắp cải, rau bina rất lý tưởng để giải nhiệt cơ thể.
Ngoài ra, rau xanh còn cung cấp nước cho da giúp da sáng đẹp. Không nên uống các loại chất lỏng chứa cồn hay quá nhiều chất đường khiến cơ thể thêm mất nước. Tránh các loại đồ uống lạnh vì nó có thể gây co dạ dày, khiến hệ miễn dịch yếu đi.
Sử dụng nước rau luộc hoặc nước canh trong bữa cơm cũng là cách bổ sung nước, một lượng vitamin và khoáng chất.
Nước sâm: Nước sâm tên gọi chung cho các loại nước giải khát được nấu từ những vị thuốc nam, thường được nấu bằng rong biển, mía lau, rễ tranh, la hán quả, đường… là loại nước uống có tác dụng thanh nhiệt giải độc, thường được dùng để phòng ngừa và giải trừ tình trạng "tích nhiệt" trong cơ thể.
Khi sử dụng các loại nước uống có đường thì phải lưu ý đến lượng đường bạn nạp vào cơ thể có thể sẽ gây dư thừa năng lượng và làm tăng đường huyết ở người có bệnh tiểu đường.
Bình luận (0)