Năng suất lao động tăng 5,93%

02/01/2019 14:10 GMT+7

Cùng với các thành tựu kinh tế nổi bật, năm 2018 cũng ghi nhận một yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy kinh tế tăng trưởng lập kỷ lục chính là năng suất lao động tăng mạnh.

Tổng cục Thống kê cho biết: Năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm và là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN.
Năng suất lao động toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2018 ước tính đạt 102 triệu đồng/lao động (tương đương 4.512 USD), tăng 346 USD so với năm 2017. Tính theo giá so sánh, năng suất lao động năm 2018 tăng 5,93% so với năm 2017. Nếu tính bình quân giai đoạn 2016-2018 tăng 5,75%/năm, cao hơn mức tăng 4,35%/năm của giai đoạn 2011-2015.
Năng suất lao động của Việt Nam trước đây rất thấp, chỉ bằng 1/4 Thái Lan, Trung Quốc, bằng 1/10 so với Hàn Quốc, Nhật, Mỹ... Sự cải thiện năng suất lao động của Việt Nam những năm qua còn chậm hơn cả Lào và Campuchia hay Myanmar. Năng suất lao động thấp là một trở lực cho sự phát triển kinh tế, chính vì vậy con số tăng trưởng này trong năm nay là một trong những tính hiệu rất tích cực và tạo đà cho phát triển kinh tế trong năm 2019.
Theo các chuyên gia kinh tế, những lợi thế truyền thống của Việt Nam như: giá lao động rẻ, chi phí nguyên liệu thấp đang dần biến mất. Vấn đề còn lại để tăng trưởng kinh tế ổn định, thu hút đầu tư và hội nhập quốc tế và thoát bẫy thu nhập trung bình chính là việc làm sao đẩy năng suất lao động tăng trưởng 7 - 8%/năm. Điều này cần có một chiến lược cụ thể và các giải pháp đồng bộ của Nhà nước.
Cũng chính vì thế mà hồi giữa năm 2018, Tổ tư vấn của Thủ tướng đã khuyến nghị: Việt Nam nên chọn năm 2019 là năm tăng năng suất lao động quốc gia. Theo đó, cần đặc biệt khuyến khích tư nhân làm đầu tàu, dẫn dắt phong trào nâng cao năng suất lao động quốc gia, từ việc cung cấp các dịch vụ tư vấn, đến chia sẻ các điển hình, đưa ra phản hồi chính sách đối với Chính phủ. Lựa chọn một số ngành để thực hiện thí điểm năng cao năng suất lao động hiệu quả. Bên cạnh đó, cần hợp tác quốc tế để xây dựng chương trình xúc tiến năng suất có hiệu quả.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.