Thông qua kênh tương tác này, người dân, doanh nghiệp (DN) có thể phản ánh toàn diện các vấn đề về đời sống dân sinh bức xúc tới các cấp chính quyền để tiếp nhận, giải quyết kịp thời. Cụ thể, như ông Trịnh Tất Thắng, Phó chánh văn phòng UBND Q.Hoàn Kiếm (Hà Nội), cho biết: "Trước đây, người dân vẫn nói rằng muốn trình bày thì lên phường, có việc gì lên phường, nhưng bây giờ đối với phần mềm thế này thì người dân có thể phản ánh ngay lập tức và phải giải quyết việc ngay lập tức".
Theo TP.Hà Nội, sau 2 tháng triển khai (28.6 - 28.8), iHanoi đã tiếp nhận 5.700 phản ánh, kiến nghị; trong đó đã xử lý 3.940 (đạt trên 70%), đang xử lý 1.691 (đạt 29%) và chỉ 69 kiến nghị quá hạn (chiếm 0,02%).
Phản hồi thông tin trên, nhiều bạn đọc Thanh Niên đánh giá cao nỗ lực của TP.Hà Nội trong việc ứng dụng công nghệ thông tin để cải thiện chất lượng phục vụ người dân và DN. Với nhiều bạn đọc, việc ra mắt ứng dụng iHanoi là một bước tiến quan trọng trong việc xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới sự minh bạch và hiệu quả.
Không chỉ đặt kỳ vọng ứng dụng iHanoi sẽ giúp người dân, DN dễ dàng hơn trong việc tương tác với chính quyền, phản ánh các vấn đề bức xúc và nhận được sự hỗ trợ kịp thời, nhiều ý kiến cũng đặt ra rằng rất cần sự quan tâm công tác bảo vệ người phản ánh để tránh việc "trù úm" hay "trả đũa". Kèm theo đó chính là cần có những giải pháp bảo vệ an toàn thông tin cho người dùng.
Để phát huy hiệu quả việc giải quyết khi người dân bức xúc, một vấn đề quan trọng là sự kết hợp của các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh từ người dân và DN. Có như thế, các vấn đề tồn tại mới có thể được giải quyết nhanh chóng.
Trước những lợi ích thiết thực trên, nhiều bạn đọc mong nhiều địa phương khác cũng triển khai mô hình tương tự để phục vụ người dân tốt hơn. Điển hình, bạn đọc P.P đề xuất: "Hãy nhân rộng trên cả nước và liên thông cơ sở dữ liệu với nhau, dưới sự giám sát và điều hành của Chính phủ, sẽ là một công cụ hữu hiệu trong việc thực thi pháp luật, giám sát quyền lực đối với người dân và chính quyền". Bởi nếu có ứng dụng tương tự, các địa phương có thể tạo sự an tâm và tạo niềm tin của nhân dân vào việc giải quyết những vấn đề cấp thiết trong đời sống xã hội.
Trong đó, việc phản hồi công khai kết quả xử lý là một yếu tố then chốt để chính người dân có thể giám sát quá trình xử lý, chứ đừng như lâu nay là việc phản ánh qua nhiều tổng đài ở một số địa phương đã tồn tại tình trạng không biết kết quả thế nào.
Bình luận (0)