img

Đề án phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 (gọi tắt Đề án) là chiến lược trên quy mô lớn lần đầu tiên xuất hiện của ngành lúa gạo thế giới. Sau một quý khởi động, Đề án đã có những kết quả khả quan đầu tiên.

Nâng tầm gạo Việt- Ảnh 1.

Sau những con số kỷ lục về xuất khẩu gạo vượt 8 triệu tấn và giá trị gần 4,7 tỉ USD trong năm 2023, lịch sử ngành lúa gạo đã ghi nhận thêm một cột mốc quan trọng là ngày 5.4.2024, ngày khởi động Đề án, mở đầu cho hành trình đầy khát vọng của ngành lúa gạo VN.

Sau 3 tháng gieo trồng, ngày 8.7, tại TP.Cần Thơ, các bên tham gia đã tổ chức sơ kết mô hình thí điểm này. Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, cho biết: Mô hình đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của Đề án. Đầu tiên là sử dụng giống xác nhận với lượng chỉ có 60 kg/ha, giảm 50% so với cách truyền thống. Bên cạnh đó, áp dụng kỹ thuật sạ hàng bằng máy kết hợp vùi phân, giúp giảm số lần bón phân từ 3 - 4 lần/vụ xuống còn 2 lần/vụ và giảm tối thiểu 20% lượng phân bón vô cơ. Thứ hai là áp dụng quản lý nước ướt khô xen kẽ, bón phân theo vùng chuyên biệt. Thứ ba là quản lý dịch hại tổng hợp, thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp. Điều này giúp giảm đáng kể lượng nước tưới, giảm rủi ro dịch bệnh, giảm cây lúa bị đổ ngã và giảm tổn thất sau thu hoạch... Ngoài ra việc thu gom rơm ra khỏi đồng giúp tạo nguồn nguyên liệu để trồng nấm rơm hoặc làm phân bón hữu cơ.

Nâng tầm gạo Việt- Ảnh 2.

Các chương trình chuyển giao tiến bộ kĩ thuật cho bà con nông dân tham gia Đề án

TS. Nguyễn Văn Hùng, chuyên gia cao cấp của Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI), giải thích thêm: Việc giảm lượng lúa giống còn 60 kg/ha tương đương giảm được 1,2 triệu đồng, phân bón giảm 0,7 triệu đồng/ha. Tổng mức giảm chi phí là 1,9 triệu đồng. Trong khi đó, năng suất từ mô hình đạt từ 6,3 - 6,5 tấn/ha trong khi ruộng trồng đối chứng chỉ đạt từ 5,8 - 6,1 tấn/ha do đổ ngã và tổn thất sau thu hoạch cao. Về hiệu quả kinh tế, lúa thực hiện theo đề án tăng lợi nhuận ròng từ 1,3 - 6,2 triệu đồng/ha. Ở góc độ môi trường, lượng phát thải khí nhà kính từ mô hình giảm từ 2 - 6 tấn CO2/ha so với ruộng đối chứng.

Ông Nguyễn Cao Khải, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thuận Tiến (TP.Cần Thơ), có 512 ha sản xuất lúa, thông tin, sau mô hình thí điểm 50 ha đầu tiên thành công sẽ từng bước nhân rộng ra 100% diện tích.

Nâng tầm gạo Việt- Ảnh 3.

Cộng đồng doanh nghiệp trong chuỗi giá trị lúa gạo và nông dân bắt tay thực hiện mục tiêu chung

Cũng từ mô hình đầu tiên ở Cần Thơ, Bộ NN-PT NT đã tiếp tục họp bàn với các địa phương để mở rộng mô hình liên tục trong 3 vụ hè thu, thu đông 2024 và đông xuân 2025 - 2026. Có 5 địa phương được chọn để thực hiện gồm TP.Cần Thơ, Sóc Trăng, Kiên Giang, Đồng Tháp và Trà Vinh đại diện cho các vùng sinh thái khác nhau của vùng ĐBSCL từ đầu nguồn sông Cửu Long đến vùng đất phèn mặn, ven biển. Tổng diện tích thí điểm tại 5 địa phương này là 250 ha.

Nâng tầm gạo Việt- Ảnh 4.

Từ khái niệm xa xôi, "gạo xanh" đã chuẩn bị ra thị trường trong niềm hứng khởi của bà con nông dân.

Trong nhiều năm qua, HTX Dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi (ở H.Tháp Mười, Đồng Tháp) là đơn vị nổi bật trong việc liên kết sản xuất theo hướng hiện đại, nâng cao chất lượng và giá trị hạt gạo. Nông dân ở đây cơ bản đã nắm được các kỹ thuật canh tác theo hướng hiện đại và tối ưu về mặt kinh tế, môi trường. Vụ thu đông này bà con nông dân HTX chính thức tham gia phát triển lúa xanh.

Nâng tầm gạo Việt- Ảnh 5.

Nông dân hứng khởi với các phương thức sản xuất mới vừa giảm chi phí lại tăng hiệu quả kinh tế

Nâng tầm gạo Việt- Ảnh 6.

Ông Trần Tấn Phương, thành viên HTX, ở xã Láng Biển (H.Tháp Mười), cho biết: Gia đình ông có 3,7 ha đất và tham gia Đề án từ vụ thu đông hay còn gọi là lúa vụ 3. Trước khi tham gia, hộ nhà ông được cán bộ hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật để làm sao đảm bảo mục tiêu của chương trình cũng như mang lại hiệu quả thiết thực. Trước mắt là lúa giống, phân bón sử dụng đã giảm mạnh, giúp giảm chi phí đầu tư rất nhiều so với trước kia. Đến hôm nay cây lúa đã được 36 ngày tuổi và đang phát triển rất tốt. Ông Phương hy vọng lúa sẽ tiếp tục phát triển tốt đến ngày thu hoạch. "Đến thời điểm hiện tại, tham gia Đề án tôi thấy có nhiều cái lợi như được hỗ trợ kỹ thuật, giảm chi phí đầu tư. Bà con chúng tôi ở đây mong được liên kết với doanh nghiệp (DN) để bao tiêu đầu ra nhằm ổn định sản xuất lâu dài, bền vững", ông Phương nói.

Cùng tâm trạng, ông Võ Thanh Hải, ở ấp 4, xã Láng Biển và cũng là thành viên HTX Thắng Lợi, chia sẻ: "Những vụ gần đây, lúa trúng mùa được giá nên lợi nhuận cải thiện đáng kể so với trước kia. Dù vậy, bình quân trong 3 vụ gần đây lợi nhuận từ trồng lúa cũng chỉ mới đạt từ 28 - 30 triệu đồng/ha/vụ. Chính vì vậy, khi có Đề án, chúng tôi rất hào hứng tham gia vì được biết có thể gia tăng lợi nhuận từ việc giảm chi phí đầu tư. Tôi có 2 ha lúa tham gia Đề án, đến nay đã được 38 ngày tuổi đang phát triển tốt, chỉ chờ đến ngày thu hoạch".

"Tôi cũng mong là mình trồng lúa an toàn, lúa sạch và bảo vệ môi trường, giảm khí thải thông qua việc giảm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Nhưng như vậy thì sản phẩm làm ra phải được bao tiêu và phải bán được giá cao hơn giá bình quân của thị trường. Tôi cho rằng giá lúa từ Đề án có thể cao hơn 500 đồng/kg là mức hợp lý. Nếu được như vậy thì nông dân rất yên tâm sản xuất", ông Hải nói thêm.

Nâng tầm gạo Việt- Ảnh 7.

VN nâng tầm hạt gạo theo hướng chất lượng cao gắn với giảm phát thải

Là một trong số khá nhiều DN tham gia Đề án từ khi còn chưa được phê duyệt, ông Trần Trương Tấn Tài, Tổng giám đốc Công ty TNHH lúa gạo VN (Vinarice), cho biết: "Trong thời gian qua chúng tôi đã chủ động liên kết với nông dân trên diện tích hàng ngàn hecta để sản xuất lúa chất lượng cao xuất khẩu vào các thị trường khó tính như EU hay Mỹ. Đây là lý do vì sao công ty chúng tôi và một số đối tác trong chuỗi cung ứng như Công ty phân bón Bình Điền, Bayer hay Kim Hồng (cơ khí nông nghiệp)… rất hào hứng với Đề án. Hiện tại chúng tôi đang tham gia thí điểm tại 3 tỉnh là Cần Thơ, Kiên Giang và Trà Vinh. Đang trong giai đoạn thí điểm và cần có thêm thời gian để có thể đưa ra những nhận định, kết quả mang tính đại diện cao hơn. Tuy nhiên, mô hình cũng đã chạy và "gạo xanh" từ mô hình cũng đã được thu hoạch. Những vụ thí điểm tiếp theo cũng sắp được thu hoạch nên Vinarice đang tiến hành các bước tiếp theo để đưa sản phẩm "gạo xanh" từ Đề án ra thị trường nội địa nhằm phục vụ người dân".

"Chúng tôi đang làm việc với các siêu thị lớn trong nước để chuẩn bị tung sản phẩm gạo từ Đề án ra thị trường. Chúng tôi cũng đang lên chiến lược xây dựng thương hiệu gạo này để người dân thấy kết quả là sản phẩm cụ thể. Sản phẩm tồn tại và chiếm lĩnh được thị trường thì việc sản xuất mới được mở rộng. Khi nó mang đến hiệu quả kinh tế thiết thực thì người nông dân sẽ hết lòng tham gia", ông Trần Trương Tấn Tài tin tưởng.

Nâng tầm gạo Việt- Ảnh 8.

Một mô hình sản xuất lúa theo Đề án 1 triệu hecta

Ông Ngô Văn Đông, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền, cho biết: Trong nhiều năm qua, Bình Điền và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp thực hiện chương trình "Canh tác lúa thông minh" ở cả 13 tỉnh ĐBSCL. Mô hình giúp lúa tăng năng suất trung bình 0,5 tấn/ha, chi phí canh tác giảm 1 triệu đồng/ha, lợi nhuận sản xuất lúa tăng 5 triệu đồng/ha. Từ những hiệu quả đạt được của chương trình, ngày 14.3.2023, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) đã công nhận Quy trình canh tác lúa tổng hợp thích ứng với biến đổi khí hậu ĐBSCL theo chương trình "Canh tác lúa thông minh" là tiến bộ kỹ thuật. Trong vụ đông xuân vừa qua, Bình Điền phối hợp với các công ty trong chuỗi giá trị ngành lúa gạo để thực hiện sản xuất thí điểm sản xuất theo Đề án. Kết quả trung bình năng suất tăng 0,51 tấn/ha, chi phí giảm 1,3 triệu đồng/ha, lợi nhuận tăng 6,4 triệu đồng/ha, phát thải khí nhà kính giảm khoảng 25%…

"Đây là những kết quả hết sức tích cực cho sự phát triển của ngành lúa gạo VN. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác trong chuỗi giá trị và các địa phương góp phần thực hiện thành công Đề án 1 triệu hecta", ông Ngô Văn Đông tâm huyết.

Nâng tầm gạo Việt- Ảnh 9.

Nâng tầm gạo Việt- Ảnh 10.

Đó là quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ thể hiện tại buổi tiếp xúc cử tri ở TP.Cần Thơ ngày 14.7 vừa qua. Tại buổi tiếp xúc, ông Phạm Thái Bình, đại diện cử tri và cũng là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, phản ánh khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay dài hạn để đầu tư phát triển bền vững chuỗi lúa gạo. Ông Bình cho biết, Đề án nêu rõ 100% diện tích phải được liên kết sản xuất giữa DN với HTX và nông dân. DN có vai trò chính trong tất cả các khâu của chuỗi liên kết, nhất là khâu tiêu thụ. Tuy nhiên đến nay, DN vẫn chưa thể tiếp cận được nguồn vốn vay dài hạn để thực hiện Đề án. Do vậy, ông Bình kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành hỗ trợ, hướng dẫn DN sớm được tiếp cận nguồn vốn.

Trả lời cử tri, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: Chúng ta phải cùng nhau thực hiện cho bằng được Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Trong đó có đóng góp của người dân và DN là rất quan trọng. Thủ tướng cho biết đã giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét ban hành Chương trình tín dụng hỗ trợ liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL giữa HTX với DN.

Nâng tầm gạo Việt- Ảnh 11.

Cơ giới hóa các khâu sản xuất lúa

Ngay sau đó, ngày 17.7, tại Trụ sở Chính phủ, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về tiến độ triển khai Đề án 1 triệu hecta lúa. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam thông tin: Để triển khai Đề án, Bộ đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án, với sự tham gia của các bộ, ngành và địa phương có liên quan cũng như đối tác quan trọng là Ngân hàng Thế giới (WB).

Bộ đã xây dựng Quy trình kỹ thuật để phục vụ Đề án và kế hoạch nâng cao năng lực cho các đối tác, HTX nông nghiệp phát triển liên kết chuỗi giá trị thực hiện Đề án. Bên cạnh đó, Bộ cũng đã phối hợp với các tỉnh rà soát lại thực trạng các vùng sản xuất về cơ sở hạ tầng, tổ chức sản xuất và các biện pháp canh tác, đặc biệt là rà soát thực trạng các HTX trong Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại VN (VnSAT) giai đoạn 2015 - 2022.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam: "Ngoài các kết quả bước đầu về hiệu quả kinh tế, môi trường, xã hội thì điều quan trọng là nhiều DN đã cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm lúa gạo được sản xuất tại các mô hình thí điểm. Tuy nhiên, việc triển khai Đề án còn gặp những khó khăn nhất định. Trước hết, do VN là quốc gia đầu tiên trên thế giới thực hiện mô hình giảm phát thải trên lúa với quy mô lớn; các hoạt động, nội dung đều mới, chưa có tiền lệ tham khảo. Bên cạnh đó, kinh phí triển khai Đề án hiện chưa có dòng riêng đối với vốn ngân sách trong nước, trong khi quy trình xây dựng dự án vay vốn của WB cần có thời gian".

Nâng tầm gạo Việt- Ảnh 12.

Rơm được tận dụng để trồng nấm

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang khẳng định: Đề án 1 triệu hecta lúa khởi tạo một phương thức sản xuất mới phù hợp với xu thế sản xuất và tiêu dùng của thế giới. Nó sẽ tạo bước chuyển mang tính đột phá về tư duy làm nông nghiệp tại vùng đất "Chín Rồng" vốn đang phải đối mặt với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu diễn biến nhanh và khó lường; góp phần nâng cao thu nhập và đời sống của người trồng lúa và DN ngành hàng lúa gạo; đồng thời giúp VN hiện thực hóa mục tiêu đạt phát thải ròng bằng không vào năm 2050.

Phó thủ tướng đánh giá cao Bộ NN-PTNT và các địa phương đã chủ động triển khai Đề án, bước đầu mang lại những kết quả rất tích cực và đề nghị Bộ NN-PTNT phải xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm tổ chức triển khai, sản phẩm dự kiến và thời hạn hoàn thành của từng nhiệm vụ, nội dung công việc.

Nâng tầm gạo Việt- Ảnh 13.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.