Nâng tầm lực lượng lao động Việt Nam

01/05/2024 06:34 GMT+7

Mặc dù số lượng lao động Việt Nam rất dồi dào, song chất lượng nguồn nhân lực vẫn cần được cải thiện mạnh mẽ để đáp ứng yêu cầu phát triển theo xu thế chung của thế giới.

Theo Tổng cục Thống kê, tính đến quý 1/2024 tại Việt Nam, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 52,4 triệu người.

Nhiều thách thức

Tuy nhiên, trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ mới chỉ đạt 27,8%, hiện cả nước vẫn còn 37,8 triệu lao động chưa qua đào tạo, thấp hơn so với các nước phát triển. Con số này cho thấy thách thức không nhỏ trong việc nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động. Quan trọng hơn là cơ cấu về lực lượng lao động không cân đối, đặc biệt là lao động có trình độ cao đẳng, trung cấp, lao động kỹ năng thấp hơn nên cần điều chỉnh trong thời gian tới.

Đào tạo vi mạch tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM

Đào tạo vi mạch tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM

Ngọc Dương

Phát biểu gần đây, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết mục tiêu đề ra tới đây là tranh thủ thời cơ dân số vàng, đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, nhất là nhân lực có tay nghề cao nhằm phát triển kỹ năng lao động Việt, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia.

"Bộ LĐ-TB-XH đã đề xuất và được chấp nhận đưa chỉ tiêu lực lượng lao động qua đào tạo có chứng chỉ thành tiêu chí bắt buộc trong cả nhiệm kỳ 5 năm 2021 - 2026 và trong từng năm. Nếu mỗi năm phấn đấu đẩy tỷ lệ này tăng bình quân 4% thì hết nhiệm kỳ này, chúng ta có được thị trường lao động với tỷ lệ "hợp chuẩn", đạt 40 - 45%, tương đương mặt bằng chung các nước phát triển", ông Dung thông tin.

Về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt để phục vụ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, nòng cốt Bộ LĐ-TB-XH lấy nguồn nhân lực từ hệ thống giáo dục đại học, đào tạo nghề chất lượng cao.

Thúc đẩy tăng năng suất lao động

Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 đặt ra mục tiêu, đến năm 2030, tỷ lệ lao động qua đào tạo là 75% trong tổng lực lượng lao động trong đó 40% có bằng cấp, chứng chỉ. Nếu không đáp ứng yêu cầu kỹ năng cao, người lao động Việt Nam sẽ đối mặt với rủi ro mất việc làm và bất ổn về an sinh xã hội.

Để nâng cao năng suất lao động, tháng 11.2023, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 1305/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động đến năm 2030.

Mục tiêu là đến năm 2030, năng suất lao động trở thành một động lực quan trọng cho tăng trưởng nhanh, bền vững, tận dụng hiệu quả các cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; trong đó, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thúc đẩy liên kết vùng; phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là các trụ cột chính.

Mục tiêu cụ thể của chương trình là tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt trên 6,5%/năm, trong đó tốc độ tăng năng suất lao động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 6,5 - 7,0%/năm; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 7,0 - 7,5%/năm; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân khu vực dịch vụ đạt 7,0 - 7,5%/năm.

Tốc độ tăng năng suất lao động của các vùng kinh tế trọng điểm và 5 thành phố trực thuộc T.Ư cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động trung bình cả nước trong giai đoạn 2023 - 2030.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30% vào năm 2025 và 35 - 40% vào năm 2030; tỷ trọng lao động làm việc trong ngành nông nghiệp đạt dưới 30% vào năm 2020 và dưới 20% vào năm 2030; nâng cao tỷ trọng đóng góp của KH-CN, đổi mới sáng tạo vào tăng trưởng, trong đó đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) đạt khoảng 45% GDP vào năm 2025 và đạt khoảng 50% GDP vào năm 2030.

Phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam nằm trong nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN về tốc độ tăng năng suất lao động.

Giải pháp được Chính phủ đề ra là lựa chọn một số lĩnh vực, một số địa phương thực hiện thí điểm Chương trình thúc đẩy tăng năng suất lao động, từ đó nhân rộng ra toàn bộ nền kinh tế; nghiên cứu, đề xuất việc thành lập Ủy ban năng suất quốc gia trên cơ sở đúc kết kinh nghiệm quốc tế và bảo đảm phù hợp điều kiện thực tiễn Việt Nam; thực hiện các hoạt động đối thoại chính sách, chia sẻ kinh nghiệm về tăng năng suất lao động…

3 đột phá về chính sách an sinh xã hội

Trong năm 2023, Ban Chấp hành T.Ư Đảng đã ban hành Nghị quyết tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới (Nghị quyết số 42).

Nghị quyết nêu rõ, đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong về xây dựng chính sách an sinh xã hội và việc làm thỏa đáng, bền vững. Nghị quyết cũng xác định 3 vấn đề đột phá, đều liên quan trực tiếp đến người lao động.

Thứ nhất là mục tiêu hình thành và phát triển nhanh thị trường lao động đúng nghĩa một thị trường lao động linh hoạt, đa dạng, hiện đại và hội nhập.

Thứ hai là xây dựng sàn an sinh đảm bảo phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục rủi ro, trong đó đặc biệt quan tâm tới vấn đề giáo dục, y tế và phúc lợi xã hội để mọi người lao động lo được cuộc sống cho chính mình và gia đình.

Thứ ba là vấn đề nhà ở xã hội, đến 2030 xóa triệt để nhà dột nát cho người dân, tập trung đến năm 2025 hoàn thành ở 74 huyện nghèo nhất nước. Xây dựng 1 triệu căn hộ giá rẻ cho công nhân, người lao động. Trong đó, riêng năm 2024, cả nước phấn đấu hoàn thành được 130.000 nhà ở xã hội, 38.000 nhà ở hộ nghèo.

Xây dựng 1 triệu nhà ở cho công nhân, người lao động

Năm 2023, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân KCN giai đoạn 2021 - 2030", đặt mục tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân có giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp khu vực đô thị và của công nhân, người lao động trong KCN - KCX.

Đề án phấn đấu đến năm 2030, tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn; giai đoạn 2025 - 2030 hoàn thành khoảng 634.200 căn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.