Náo nức hội trăng tròn

27/09/2012 09:26 GMT+7

Phố xá thị thành đông đúc không có không gian sinh hoạt vừa thoải mái, rộng rãi lại đầy đủ ý nghĩa dành cho thiếu nhi. Vậy nên, chưa bao giờ mong mỏi có một bữa tiệc phá cỗ trông trăng vẹn tròn lại được các bảo tàng từ Nam ra Bắc háo hức triển khai như năm nay...

Năm nay Bảo tàng Dân tộc học (Hà Nội) quyết định đón trung thu cùng các em với chủ đề: Vui cùng đồ chơi dân gian VN. Con số 15.000-20.000 lượt khách từ trẻ nhỏ đến người lớn, từ trong nước đến nước ngoài đến tham quan, tham gia các trò chơi phá cỗ mỗi dịp trung thu tại Bảo tàng Dân tộc học đủ nói lên sự tha thiết của công chúng dành cho những sân chơi lành mạnh đang ngày một thưa vắng này.

 Không chỉ khách Việt mà cả những du khách nước ngoài cũng dẫn con em đến Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM để phá cỗ, làm lồng đèn đón trung thu
Không chỉ khách Việt mà cả những du khách nước ngoài cũng dẫn con em đến
Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM để phá cỗ, làm lồng đèn đón trung thu - Ảnh: Tố Lan

Vui cùng đồ chơi dân gian VN

Chị Thu Trà, phụ trách tổ chức chương trình của Bảo tàng Dân tộc học, chia sẻ: “Trong phong tục của người Việt, trung thu là một dịp tết quan trọng. Nông dân ăn mừng vụ mùa bội thu, và con trẻ được chơi nhiều trò thú vị, tự chế bằng các vật liệu sẵn có như tàu thủy sắt tay (làm bằng ống bơ sữa bò), nặn tò he, làm mặt nạ... Dần dà các trò chơi dân gian bị mai một, hỏi các đứa trẻ có biết ông tiến sĩ giấy là ai, các cháu đều lắc đầu... Nên khoảng từ năm 1999 bảo tàng đã ý thức đưa trung thu vào phục dựng như một hoạt động văn hóa cần bảo tồn và chia sẻ”.

Đặc biệt hơn, nhờ bảo tàng phối hợp với UBND và Trung tâm Văn hóa thể thao TP Hội An nên năm nay trẻ nhỏ ở Hà thành đến với bảo tàng còn có cơ hội xem và tham gia các trò chơi múa lân, múa thiên cẩu, chơi bài chòi, hát và dạy hát dân ca Quảng Nam, làm và trưng bày đèn lồng phố Hội, nặn và trang trí con thổi... Không khí trung thu sôi động thấy rõ khi từ đầu tuần, gần 200 bạn trẻ tình nguyện viên đã có mặt chuẩn bị các dụng cụ, khu trò chơi đón tiếp các “khách nhí” vào hai ngày 29 và 30-9 tới đây.

Mùa thứ hai làm tiệc “phá cỗ trông trăng”, Bảo tàng Mỹ Thuật TP.HCM lại đang muốn hướng đến một không gian thẩm mỹ và hiện đại hơn. Ngoài khu vực làm đèn lồng tại phòng trải nghiệm, các em còn được cùng bạn bè tham gia thực hiện những đèn lồng khổng lồ với hình thù và màu sắc ấn tượng. Vốn xuất thân từ dân mỹ thuật, lại mê phim ảnh, từ nhiều ngày nay chị Tố Lan, phụ trách tổ chức chương trình trung thu năm nay tại bảo tàng, đã kêu gọi nhiều nhóm làm phim trẻ góp những bộ phim hoạt hình hay, phim dành cho thiếu nhi “made in Vietnam” để các em nhỏ có dịp thưởng thức trước giờ diễn ra đêm hội tối 29-9. “Khó khăn về tài chính, nhưng thật vui vì năm ngoái không chỉ khách Việt Nam mà các bạn quốc tế cũng dẫn con em đến làm lồng đèn” - chị Tố Lan nhớ lại...

 Bảo tàng Chứng tích chiến tranh đón trung thu sớm với những hoạt động vui nhộn dành cho trẻ em ở làng Hòa Bình
Bảo tàng Chứng tích chiến tranh đón trung thu sớm với những hoạt động vui nhộn dành
cho trẻ em ở làng Hòa Bình - Tây Ninh - Ảnh: Minh Thư

Đèn lồng không dành cho em...

Gần chục năm nay, cứ đến mùa trung thu là Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TP.HCM lại... vắng hoe! Lý do là bởi lực lượng trẻ của bảo tàng còn đang mải mê mang trung thu đến tận vùng sâu, vùng xa cho những đối tượng đặc biệt: trẻ nhỏ là nạn nhân chất độc da cam. Khó khăn trong đi lại, chậm chạp trong giao tiếp đã đành, trung thu với những trẻ khuyết tật, kém may mắn còn đặc biệt hơn gấp bội vì nhiều lẽ.

Chị Ngọc Vân, giám đốc bảo tàng, nhớ lại: “Năm nào chúng tôi cũng mua đèn lồng đến làm quà cho các em, nhưng nhiều lần trò chuyện với các em, có em bảo: con ghét lồng đèn, có cầm được đâu mà... Nói mà làm mình muốn rớt nước mắt!”. Thế nên trong những thùng quà được chuyển đi năm nay, lồng đèn thưa thớt hẳn, thiếu vắng cả những chiếc bánh dẻo, bánh nướng đặc trưng của mùa trăng tròn, thay vào đó là các loại bánh xốp mềm, dễ ăn để các cháu bị dị tật miệng vẫn có thể ăn dễ dàng.

Kết hợp với Trung tâm múa rối nước Nụ Cười của Idecaf và nhà thiết kế Sỹ Hoàng, năm nay Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TP.HCM đã có những buổi phá cỗ sớm nhất vào hai ngày 21 và 25-9 tại Tây Ninh, Cần Giờ cùng các bạn nhỏ đặc biệt của mình.

Trung thu đang trở nên đặc biệt “có duyên”, có lẽ vì ai cũng có một tuổi thơ cần được nuôi nấng và nâng niu, từ cội rễ...

Trung thu đến bệnh viện

Hòa trong không khí chào đón Tết Trung thu, chương trình Mang âm nhạc đến bệnh viện số 22 sẽ mang tới một ngày hội ấm cúng cho các em nhỏ đang là bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi trung ương, Hà Nội vào ngày 29-9.

Chuỗi hoạt động mang chủ đề Vầng trăng nhân ái bắt đầu từ 11g-17g30 với các gian hàng dạy làm bánh trung thu, làm đèn ông sao, làm tò he và một số trò chơi dân gian... Riêng từ 15g sẽ diễn ra lễ hội phá cỗ trông trăng với các tiết mục văn nghệ của ca sĩ Thái Thùy Linh, Ưng Anh Tuấn và đặc biệt là sự góp mặt của các ca sĩ nhí như quán quân Vietnam’s got talent 2011 Đăng Quân - Bảo Ngọc, các thí sinh nhỏ tuổi của cuộc thi Đồ Rê Mí: Nhật Tiến (quán quân Đồ Rê Mí 2012), Bích Hằng, Băng Giang, Trí Dũng...

Nhộn nhịp chương trình cho các bé

Mùa trung thu năm nay rơi đúng vào các ngày cuối tuần nên nhiều đơn vị đã lên kế hoạch tổ chức nhiều chương trình thú vị dành cho thiếu nhi, kéo dài đến hai, ba ngày.

Đêm hội trăng rằm tại công viên 23-9

NSƯT Phi Vũ - phó Đoàn Xiếc TP.HCM - cho biết năm nay đoàn tổ chức chương trình dành cho các bé rất quy mô mang tên Đêm hội trăng rằm tại rạp xiếc TP.HCM (công viên 23-9). Chương trình kéo dài từ ngày 27 đến 30-9 (lúc 20g), riêng ngày 29, 30 có tăng cường hai suất 9g30 và 16g30. Đêm diễn với sự góp mặt của khoảng 60 diễn viên xiếc đến từ ba miền của đất nước, kéo dài trong khoảng 2g với nhiều tiết mục xiếc được dàn dựng trong hình tượng chú Cuội - chị Hằng - thỏ ngọc... rước đèn cùng các bé. Đặc biệt, đoàn sẽ trình làng một tiết mục hoàn toàn mới và đặc sắc: chồng người trên dây căng cao do bảy diễn viên trẻ thực hiện.

Chào đón các khán giả nhí trong đêm hội này còn có màn trình diễn lân - sư - rồng và các con thú ngộ nghĩnh như chó, dê, gấu, khỉ, trăn... của Đoàn Xiếc TP, xiếc Đầm Sen, xiếc Hà Nội, xiếc Long An. Vì mức độ đầu tư lớn nên giá vé chương trình cũng thuộc vào hàng “khủng” so với trước đây, cao nhất là 260.000 đồng/vé, sau đó là các mức 220.000 đồng, 180.000 đồng, 160.000 đồng và 120.000 đồng.

3 ngày Vui đón trăng rằm tại Nhà Thiếu nhi TP.HCM

Nhà Thiếu nhi TP.HCM dành cho các bé chương trình Vui đón trăng rằm kéo dài từ ngày 28 đến 30-9 với nhiều hoạt động khá phong phú: thi hát với nhau, thi hóa trang, hướng dẫn múa dân vũ, biểu diễn nghệ thuật tạp kỹ, văn nghệ thiếu nhi, làm bánh, nặn tò he, làm tranh-khung hình, hội thi bày cỗ - cắm hoa, làm và trưng bày lồng đèn...

Riêng đêm 28-9, sân khấu trung tâm dành cho các em đến từ các mái ấm, nhà mở, thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn. Trong hai ngày này cũng có lễ hội rước đèn trung thu cho các bé rước đi xung quanh các tuyến đường giáp với nhà thiếu nhi.

Vui trung thu với con em cựu chiến binh nghèo

Đêm 30-9 tại Nhà hát TP.HCM, chương trình Cầu vồng tuổi thơ sẽ dành một đêm diễn vui trung thu cùng khoảng 500 thiếu nhi là con em cựu chiến binh nghèo TP.HCM. Các em đến xem sẽ được ban tổ chức tặng phần quà gồm bánh trung thu, lồng đèn và áo thun. Ca sĩ - NSƯT Thanh Thúy, Đông Quân, NSƯT Phương Hồng Thủy, Vũ Luân, bé Bảo An, ảo thuật gia Hoàng Lang, Trần Bình... sẽ hát và biểu diễn các màn xiếc, ảo thuật cho các bé. Đặc biệt sẽ có hai tiết mục cải lương là Cây búa thần (kịch bản và đạo diễn: Bo Bo Hoàng) và Trung hiếu làm đầu (kịch bản và đạo diễn: Thanh Hiệp).

Linh Đoan / Tuổi Trẻ

Theo Minh Trang / Tuổi Trẻ

>> Mang trung thu lên vùng cao
>> Rộn ràng dịch vụ đặt cỗ Trung thu
>> Chưa Tết Trung thu, bánh đã “đại hạ giá”
>> Thị trường bánh trung thu 2012: Thị trường vẫn tăng trưởng, vì sao ?
>> Phát hiện gần 500 bánh trung thu “nhái”
>> Trung thu đến với trẻ em nghèo
>> Trung thu tại khu công nghiệp  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.