'Nạp' kiến thức tài chính, ngân hàng bằng... ca dao, tục ngữ

27/01/2022 13:18 GMT+7

Đây là một trong những điểm đặc biệt của chương trình gameshow "Tiền khéo, tiền khôn 2022".

Hôm nay (27.1), Vụ Truyền thông Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp cùng VTV3 - Ban Sản xuất các chương trình giải trí Đài Truyền hình Việt Nam - đã tổ chức họp báo ra mắt chương trình "Tiền khéo, tiền khôn 2022".

“Tiền khéo, Tiền khôn” do Vụ Truyền thông NHNN phối hợp VTV thực hiện

Tăng tính tiếp cận từ khung giờ vàng

Sau khi nghiên cứu kinh nghiệm từ các chương trình giáo dục tài chính quốc tế cùng điều kiện thực tiễn tại Việt Nam, Ban tổ chức đã xây dựng chương trình “Tiền khéo, tiền khôn” với thông điệp “Kiến thức - kỹ năng tài chính thông minh” nhằm thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia và các đề án của Chính phủ đảm bảo an toàn hoạt động, nâng cao niềm tin của công chúng đối với hệ thống ngân hàng.

Được thực hiện theo format trò chơi truyền hình (gameshow), "Tiền khéo, tiền khôn" có hình thức gần gũi, hấp dẫn, hứa hẹn có sức lan tỏa rộng lớn trong cộng đồng.

Phát biểu tại họp báo, Phó thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết truyền thông giáo dục tài chính đóng một vai trò quan trọng trong Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó có mục tiêu giúp mọi người dân và doanh nghiệp Việt Nam đều được tiếp cận và sử dụng an toàn, thuận tiện các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý.

"Sự thay đổi mới mẻ cả về nội dung và hình thức của "Tiền khôn, tiền khéo", đặc biệt là khung giờ vàng phát sóng trên sóng VTV3 sẽ giúp công chúng được tiếp cận dễ dàng hơn với các thông tin lĩnh vực tài chính - ngân hàng" - Phó thống đốc Nguyễn Kim Anh đánh giá.

Bà Lê Thị Thúy Sen, Vụ trưởng Vụ Truyền thông chia sẻ: Việc giáo dục, phổ biến kiến thức tài chính - ngân hàng đã và đang trở thành một trong những chính sách ưu tiên dài hạn không chỉ tại Việt Nam mà còn tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Đặc biệt, do tác động của dịch Covid-19 lên mọi mặt đời sống xã hội và cũng chính sự phát triển nhanh chóng của khu vực tài chính với nhiều sản phẩm dịch vụ đa dạng đã đặt ra yêu cầu trang bị, phổ biến kiến thức, kỹ năng tài chính ngân hàng cho mọi tầng lớp người dân. Việc này sẽ góp phần cải thiện nhận thức và thay đổi hành vi của người dân, để tạo nên một xã hội có thói quen/tư duy/hành động phù hợp liên quan tới ngân hàng trong mọi vấn đề của cuộc sống.

"Việc trang bị, phổ biến kiến thức tài chính - ngân hàng cũng giúp tăng tiết kiệm trong dân cư, khuyến khích người dân gửi tiền vào ngân hàng, giảm thiểu rủi ro cho người tiêu dùng sử dụng dịch vụ tài chính, từ đó, giảm thiểu chi phí cho xã hội, góp phần tạo nguồn kênh dẫn vốn chính thức cho nền kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của đất nước" - bà Sen nhấn mạnh.

Phó thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh phát biểu tại buổi hợp báo ra mắt chương trường "Tiền khéo, tiền khôn 2022"

NHNN

Điểm ca dao, tục ngữ để "mềm hóa" thông tin

Tuy nhiên, đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng thừa nhận một trong những vấn đề khó khăn trong hoạt động truyền thông của ngành ngân hàng là các kiến thức, thông tin liên quan đến hoạt động ngân hàng mang tính chuyên ngành cao, nhiều nội dung thông tin có thể khó hiểu đối với công chúng. Bên cạnh đó, thông tin liên quan đến hoạt động ngân hàng mang tính chất nhạy cảm, có tính lan truyền, tác động lớn trong xã hội, nếu không xử lý tốt các sự cố có thể ảnh hưởng đến sự an toàn hệ thống và niềm tin của người dân.

Do vậy, trong quá trình triển khai truyền thông cần đảm bảo dễ hiểu - dễ nhớ - dễ lan tỏa - dễ thực hiện. Để làm được điều này, nội dung và hình thức truyền thông cần có sự đổi mới, sáng tạo, nắm bắt xu hướng truyền thông hiện đại và tính ứng dụng cao.

Với nhiều đổi mới "Tiền khéo, tiền khôn năm 2022" sẽ truyền tải những thông tin, kiến thức tài chính -ngân hàng đến với công chúng thông qua các câu hỏi đơn giản, dễ hiểu, gần gũi và thiết thực với đời sống hằng ngày.

"Một trong những điểm đặc biệt năm nay là chương trình đã đưa các câu tục ngữ, ca dao, thành ngữ vào nội dung các câu hỏi để “mềm hóa”, giảm bớt tính chuyên môn kiến thức về tài chính - ngân hàng, giúp khán giả dễ dàng hơn trong việc tiếp cận các kiến thức, kỹ năng này" - bà Lê Thị Thúy Sen thông tin.

Đánh giá rất cao các chương trình Giáo dục tài chính như “Tiền khéo, tiền khôn, “Tay hòm chìa khóa” do NHNN và VTV phối hợp thực hiện, bà Anna Szalwicki, đại diện cho Quỹ hợp tác Quốc tế German Sparkassenstiftung DSIK, Phó điều phối viên khu vực Đông Nam Á nhận định Việt Nam đang trên đà phát triển kinh tế mạnh mẽ trong những năm gần đây. Việc tập trung giáo dục về tài chính toàn diện cho toàn dân là rất cần thiết.

"Các chương trình sử dụng hình thức truyền thông đa dạng, sáng tạo, giúp các kiến thức, thông tin khô khan về tài chính ngân hàng trở nên đơn giản và được người dân nắm bắt một cách dễ dàng. Đây là một giải pháp mới, tiên phong trong việc sử dụng hình thức trò chơi truyền hình để phổ biến kiến thức tài chính - ngân hàng cho người dân tại Việt Nam" - bà nói.

"Tiền khéo, tiền khôn 2022" sẽ phát sóng vào 20 giờ 30 - 21 giờ 15 thứ hai hằng tuần trên kênh VTV3. Số đầu tiên năm 2022 dự kiến sẽ ra mắt vào ngày 7.2 (mùng 7 tết). Chương trình có sự tham gia của những nghệ sĩ, diễn viên, ca sĩ nổi tiếng… cùng nhiều giải thưởng có giá trị lớn.

Tổng giá trị giải thưởng bằng tiền mặt là 1,2 tỉ đồng và một số phần quà có giá trị khác

- Cơ cấu giải thưởng mỗi số của chương trình như sau:

+ Giải thưởng bằng tiền mặt lên đến 100 triệu đồng. Ngoài ra, người chơi có cơ hội nhận được phần quà có giá trị lên tới 5 triệu đồng hoặc 1 cặp vé máy bay khứ hồi nội địa của Vietjetair.

+ Giải thưởng cho các khán giả truyền hình của mỗi số là 4 vé máy bay khứ hồi nội địa của Vietjetair hoặc một số phần quà có giá trị khác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.