Các khách mời chụp ảnh tại hội thảo |
Napas |
Thanh toán không dùng tiền mặt: Tiềm năng rất lớn
Ngày 19.11, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức hội thảo “Tiến đến quốc gia không tiền mặt”. Ông Nguyễn Hoàng Long , Phó tổng giám đốc Công ty CP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS), tham dự và thảo luận tại chương trình.
Theo đánh giá của NHNN, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt với đặc điểm về nhân khẩu học (dân số trẻ, yêu thích công nghệ) cũng như tỷ lệ thanh toán tiền mặt còn khá cao.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc NHNN, cho biết cơ quan này đã chủ động nghiên cứu, xây dựng quy định pháp lý tạo thuận lợi cho việc triển khai các dịch vụ thanh toán dựa trên ứng dụng công nghệ. Bên cạnh đó, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán nghiên cứu, đầu tư mạnh vào hạ tầng công nghệ, giải pháp kỹ thuật, tích hợp kết nối với các dịch vụ khác trong nền kinh tế, thiết lập hệ sinh thái số và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán an toàn, tiện ích, nâng cao sự trải nghiệm, sự hài lòng của khách hàng.
Trong bối cảnh nhiều hoạt động kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề bởi giãn cách xã hội, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt vẫn đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, trong 9 tháng năm nay, tổng số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 1,88% về số lượng và tăng tới 42,58% về giá trị so với cùng kỳ. Thanh toán qua kênh internet tăng tương ứng hơn 51% về số lượng và 29% về giá trị. Thanh toán qua kênh điện thoại di động tăng hơn 76% về số lượng và 88,3% về giá trị. Qua kênh QR code tăng 64% về số lượng và 128% về giá trị. Điều này cho thấy lợi thế và tốc độ phát triển giao dịch trên kênh mobile là rất đáng lưu tâm.
Đẩy mạnh phát triển và ứng dụng VietQR ở Việt Nam
Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng hạ tầng phát triển thanh toán QR tại Việt Nam khá phát triển, song chưa đồng bộ. Các ngân hàng, tổ chức thanh toán đang triển khai thanh toán mã QR theo các tiêu chuẩn kỹ thuật khác nhau và không có tính kết nối, liên thông; dẫn đến việc phải đặt nhiều mã QR tại điểm bán và gây trải nghiệm không đồng nhất về thanh toán với khách hàng cũng như tốn kém nguồn lực về phát triển mạng lưới, khó khăn trong việc triển khai thanh toán xuyên biên giới.
Các khách mời tọa đàm tại hội thảo |
napas |
Tháng 6.2021, NAPAS cùng với các ngân hàng thành viên thống nhất sử dụng tiêu chuẩn thanh toán sử dụng mã QR, tuân thủ theo EMV.Co và hướng dẫn của NHNN về tiêu chuẩn cơ sở về mã QR. Đến nay, đã có 27 ngân hàng thành viên tham gia triển khai VIETQR áp dụng đối với các giao dịch chuyển tiền, thanh toán nhỏ lẻ, thanh toán xuyên biên giới được tích hợp trên nền tảng Mobile banking app sẵn có của các ngân hàng. Trong tương lai, các ngân hàng và tổ chức thanh toán chỉ cần triển khai tích hợp mã VietQR là có thể sử dụng để thanh toán/chuyển tiền trong nội địa và thanh toán xuyên biên giới thay vì phải làm quen, sử dụng nhiều mã QR của các đơn vị như hiện tại.
Theo ông Nguyễn Hoàng Long, Phó tổng giám đốc NAPAS, dưới sự chỉ đạo sát sao của NHNN, NAPAS đã hợp tác thành công triển khai thanh toán song phương bằng mã VietQR với Thái Lan và dự kiến tiếp tục mở rộng hợp tác với các quốc gia khác nhằm mang đến lợi ích cao nhất cho người dân và doanh nghiệp Việt.
Đồng thời, NAPAS sẽ tiếp tục mở rộng hệ thống các ngân hàng và tổ chức thanh toán tham gia triển khai ứng dụng VietQR trong thanh toán và chuyển tiền nhằm tạo nên một mạng lưới thanh toán liên thông, xuyên suốt và đạt được mục tiêu chung của thị trường Việt Nam về thanh toán QR.
NAPAS ký kết hợp tác thúc đẩy thẻ tín dụng nội địa với 13 ngân hàng
Cũng trong khuôn khổ hội thảo “Tiến đến quốc gia không tiền mặt”, NAPAS cùng 13 ngân hàng, công ty tài chính ký Biên bản ghi nhớ hợp tác triển khai thúc đẩy thẻ tín dụng nội địa. Các ngân hàng và công ty tài chính tham gia ký kết gồm có Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank, Techcombank, HDBank, Sacombank, ACB, Nam A Bank, OCB, Viet Capital Bank, Viet Bank và Công ty tài chính VietCredit.
Theo đó, NAPAS và các ngân hàng, công ty tài chính thống nhất thúc đẩy phát triển thẻ tín dụng nội địa hướng đến thực hiện các mục tiêu trong Đề án thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021 - 2025 của Chính phủ.
Phó tổng giám đốc NAPAS Nguyễn Hoàng Long |
napas |
Nhận định về ý nghĩa của việc ký kết thúc đẩy thẻ tín dụng nội địa lần này, ông Nguyễn Hoàng Long cho biết: “Thẻ tín dụng nội địa là kênh tiếp cận tín dụng chính thức từ ngân hàng, tổ chức tài chính đáp ứng các nhu cầu chi tiêu hàng ngày cũng như các khoản nhu cầu cấp bách của người dân. Với những giải pháp cụ thể cùng những cam kết chung giữa NAPAS và các ngân hàng, công ty tài chính, chúng tôi tin tưởng thẻ tín dụng nội địa sẽ có nhiều cơ hội phát triển trong thời gian tới và đem lại nhiều lợi ích cho đại bộ phận người dân (đơn giản và bình dân hóa việc cấp tín dụng), góp phần thúc đẩy thói quen thanh toán không dùng tiền mặt, phổ cập tài chính toàn diện và đẩy lùi tín dụng đen…”.
Với vai trò kết nối các thành viên là các ngân hàng, đối tác cung cấp dịch vụ thanh toán, các doanh nghiệp, NAPAS luôn mong muốn gắn kết người dân, doanh nghiệp bằng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán an toàn, nhiều tiện ích và gia tăng trải nghiệm cho người dùng, nâng cao hiệu quả các hoạt động kinh doanh và thực hiện mục tiêu chuyển đổi số quốc gia.
Bình luận (0)