Tháng 2.2022. các nhà thiên văn học đã sử dụng kính viễn vọng SOFIA (hiện đã về hưu) của NASA để quét khu vực gần cực nam của mặt trăng, theo trang The Weather Network hôm 25.3.
Dựa trên những hình ảnh thu thập được, họ xây dựng một bản đồ mới, bao phủ diện tích hơn 230.000 km2 của bề mặt mặt trăng. Đây là bản đồ cho phép xác định vị trí của khối lượng nước khổng lồ bên dưới những dãy núi và hố va chạm bên trong vùng tối vĩnh viễn ở khu vực này.
Trong thông cáo báo chí của NASA, tác giả báo cáo Bill Reach, Giám đốc Trung tâm Khoa học SOFIA thuộc Trung tâm Nghiên cứu AMES của NASA (trụ sở Mountain View, bang California) cho hay nhờ vào sự tập trung nước ở mật độ cao, các nhà nghiên cứu có thể thấy được sự khác nhau của ngày và đêm ở vị trí những dãy núi, hố va chạm.
Artemis - sứ mệnh mặt trăng mới của NASA vì sao quan trọng?
Ý tưởng cho rằng có nước bên dưới bề mặt ở những vùng tối vĩnh viễn của mặt trăng không phải là điều gì quá mới mẻ. Các nghiên cứu trước đó cung cấp những manh mối cho thấy nhiều khả năng có nước trên mặt trăng nhờ vào sự hiện diện của khí hydrogen và oxygen. Tuy nhiên, trước đây không có cách nào xác định được liệu thật sự có nước hoặc phải chăng chỉ là một dạng kết hợp khác của 2 nguyên tố trên hay không.
Quan sát của SOFIA vào năm 2020 xác nhận có sự hiện diện của nước, và một trong những chuyến bay cuối cùng của kính viễn vọng tiết lộ vị trí chính xác và khối lượng ước tính của nước ở những địa điểm đó.
Tiến sĩ Casey Honniball, nhà khoa học đang tham gia sứ mệnh của thiết bị tự hành thám hiểm mặt trăng VIPER, cho biết bản đồ cung cấp thông tin có giá trị cho chương trình Artemis về những khu vực có nhiều tiềm năng cần khảo sát thêm, đồng thời hỗ trợ những sứ mệnh khoa học tương lai như VIPER.
VIPER là thiết bị thám hiểm vùng cực mặt trăng của NASA. Dự kiến cơ quan Mỹ sẽ phóng VIPER xuống cực nam của mặt trăng vào năm 2024. Mục tiêu của thiết bị tự hành là Mons Mouton, ngọn núi nằm trong khu vực sẽ được trình bày chi tiết trong bản đồ sắp tới của SOFIA.
Bình luận (0)