NASA vừa công bố bản phác thảo kế hoạch đưa một nhóm phi hành gia lên định cư trên sao Hỏa vào những năm 2030.
Việc đưa con người lên chinh phục sao Hỏa đang dần trở thành hiện thực - Ảnh: NASA |
Bản kế hoạch dài 36 trang công bố ngày 8.10 đã nêu rõ sứ mệnh chiến lược của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) là đưa các phi hành gia lên sống trên hành tinh Đỏ và duy trì sự hiện diện lâu dài của con người tại đây. Phần lớn các danh sách mục tiêu có vẻ như được trích từ một cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng hoặc sách giáo khoa về thiên văn học trong những thập niên vừa qua. Thế nhưng xem rõ bản kế hoạch mới thấy rằng tiến trình đưa người lên sống trên sao Hỏa sẽ là một nhiệm vụ cam go dài bất tận, hoàn toàn không giống như các sứ mệnh Apollo đưa người lên mặt trăng vào những năm 1960.
Hành trình 3 bước
|
ISS bay cách trái đất chỉ 400 km nên thường xuyên có các tàu vũ trụ lên trạm để cung cấp mọi nhu yếu phẩm cho phi hành gia. Nếu có việc quan trọng, các phi hành gia có thể trở về trái đất chỉ trong vòng vài giờ. Tuy nhiên, những người đi tiên phong trong việc định cư trên sao Hỏa sẽ phải tự thân vận động nhiều hơn và đó chính là bước tiếp theo trong kế hoạch chinh phục hành tinh Đỏ.
Ở bước thứ hai, NASA muốn hiểu rõ vùng vũ trụ gần mặt trăng thông qua hàng loạt sứ mệnh trong thập niên tới. Một trong số đó là sứ mệnh săn tìm và khai thác thiên thạch (ARM), bằng cách sử dụng tàu vũ trụ tự động lai dắt một tiểu hành tinh được chọn về gần trái đất, sau đó đưa tiểu hành tinh về quỹ đạo của mặt trăng để phi hành gia có thể đến thăm trong tương lai. Theo bản kế hoạch, NASA muốn phi hành gia lần đầu đặt chân đến tiểu hành tinh vào năm 2025, bằng cách sử dụng tàu vũ trụ Orion và tên lửa đẩy khổng lồ Space Launch System (SLS) đang được chế tạo. Cả Orion và SLS dự kiến sẽ bay thử nghiệm cùng nhau vào năm 2018, với sứ mệnh bay quanh mặt trăng trong 7 ngày. Trong giai đoạn hai này, NASA cũng tạo ra môi trường sống sâu trong vũ trụ (vùng giữa trái đất và mặt trăng) để giúp các phi hành gia hiểu rõ các vấn đề sức khỏe và khả năng di chuyển của mình, từ đó giúp họ tự điều chỉnh tốt cho các sứ mệnh chinh phục sao Hỏa trong tương lai.
Đưa phi hành gia lên sao Hỏa sống và làm việc là giai đoạn thứ ba của kế hoạch. Mục tiêu đầy tham vọng này sẽ được hiện thực hóa thông qua sự hợp tác quốc tế, kiến thức và chuyên môn tích lũy được qua các sứ mệnh đưa con người tới trạm ISS (bước 1) và quá trình thực hiện bước 2 cũng như qua các dữ liệu được các xe tự hành thám hiểm hành tinh Đỏ thu thập, theo báo cáo mới của NASA.
NASA hiện có 2 xe tự hành hoạt động trên sao Hỏa là Opportunity và Curiosity cùng 3 tàu vũ trụ hoạt động quanh hành tinh Đỏ là Mars Odyssey, Mars Reconnaissance Orbiter (MRO) và MAVEN. Ấn Độ và châu Âu cũng có tàu vũ trụ không người lái hoạt động tại đây, lần lượt là Mangalyaan và Mars Express. Những tàu vũ trụ trên đã cung cấp nhiều thông tin quan trọng từ sao Hỏa về trái đất. Chẳng hạn sau khi nghiên cứu kỹ dữ liệu từ tàu thám hiểm MRO, NASA thừa nhận hồi cuối tháng trước rằng những vệt đen xuất hiện theo mùa trên bề mặt sao Hỏa là do nước ở dạng lỏng tạo ra. Và còn nhiều sứ mệnh khác trong tương lai như đưa các tàu đổ bộ lên đây để tìm hiểu sự sống, thử nghiệm thiết bị công nghệ tạo khí ô xy từ khí CO2 trên sao Hỏa. Ngoài ra, dự án ExoMars của Cơ quan Vũ trụ châu Âu sẽ đưa một tàu thăm dò lên hành tinh Đỏ vào năm 2016, và hai năm sau đó là một xe tự hành để tìm hiểu sự sống ở đây.
Quang cảnh sao Hỏa do xe tự hành Curiosity của NASA chụp - Ảnh: NASA
|
Những thách thức lớn
Trong bản kế hoạch, giới chức NASA cũng liệt kê hàng loạt thách thức trong hành trình chinh phục sao Hỏa. Một trong số đó là tìm phương thức đáp xuống sao Hỏa một cách trơn tru. Các chuyên gia phải tạo ra một hệ thống phanh được gọi là “tên lửa đẩy siêu âm”, hoạt động ở tốc độ nhanh hơn vận tốc âm thanh để giúp phi hành gia đáp xuống bề mặt sao Hỏa an toàn và chính xác.
Những thách thức khác là làm cách nào để cung cấp đủ thực phẩm, quần áo và các vật dụng khác đảm bảo cuộc sống lâu dài cho các phi hành gia tại đây. Giảm thiểu các mối nguy tiềm tàng cho sức khỏe của họ như chế tạo bộ trang phục chống tia cực tím, bức xạ cũng sẽ là một nhiệm vụ khác NASA sẽ phải giải quyết trong hai thập niên tới, bởi sứ mệnh dài hạn trong tình trạng phi trọng lực có thể gây mất chất xương, teo cơ, các vấn đề về thị lực cũng như một loạt vấn đề sức khỏe khác, theo NASA. “Bên ngoài từ trường của trái đất, phi hành đoàn và các thiết bị điện tử sẽ tiếp xúc với các hạt năng lượng cao, vốn có thể làm giảm khả năng thích nghi của hệ miễn dịch, đẩy mạnh nguy cơ ung thư và gây tê liệt các thiết bị điện tử”, báo cáo cho biết.
Chi phí để biến kế hoạch thành hiện thực cũng là một khó khăn không nhỏ. NASA vẫn chưa công bố mức chi phí cho kế hoạch trên, ngoài việc lưu ý rằng các dự án ngắn hạn có thể được tài trợ với ngân sách hiện có của cơ quan này, trong khi những dự án dài hạn có thể trích từ “nguồn ngân sách tương xứng với tăng trưởng kinh tế trong tương lai”.
Kế hoạch chi tiết về cuộc hành trình đến sao Hỏa cũng đang được NASA hoạch định. Ví dụ như xây dựng hệ thống liên lạc liên hành tinh hoặc các nhà du hành trên đường đi có thể dừng lại ở một trong hai mặt trăng nhỏ của sao Hỏa là Phobos và Deimos. Tuy nhiên, đặt chân lên bề mặt hành tinh Đỏ và thiết lập một tiền đồn kiên cố tại đây vẫn là mục tiêu cuối cùng của họ.“Chinh phục sao Hỏa có rất nhiều thách thức song chúng tôi tin rằng có thể vượt qua được. Chúng tôi đang phát triển các kỹ năng cần thiết để đạt được điều đó, đặt chân lên sao Hỏa và sống tại đây”, các chuyên gia NASA chia sẻ một cách đầy quyết tâm trong bản kế hoạch.
Bình luận (0)