'Nát' đất vì đào giếng

19/05/2015 09:53 GMT+7

Huyện đảo Lý Sơn đang trải qua những ngày “đỉnh hạn” trong năm. Nhưng năm nay, 'đỉnh hạn' có vẻ dữ dội hơn khi xuất hiện hàng trăm giếng nước mới đào, nâng tổng số giếng nước trên đảo từ 546 giếng năm 2014 lên 1.300 giếng trong mùa khô này.

Huyện đảo Lý Sơn đang trải qua những ngày “đỉnh hạn” trong năm. Nhưng năm nay, “đỉnh hạn” có vẻ dữ dội hơn khi xuất hiện hàng trăm giếng nước mới đào, nâng tổng số giếng nước trên đảo từ 546 giếng năm 2014 lên 1.300 giếng trong mùa khô này. Đi trên các cánh đồng tỏi hiện nay sẽ dễ dàng bắt gặp cảnh tượng chi chít “hố bom”, giăng mắc khắp các cánh đồng.

Gần như trở thành quy luật lâu nay ở hòn đảo này, đó là hễ bước sang tháng 3 âm lịch, khi vụ hành xuân-hè bén rễ xanh cây thì cũng là lúc các giếng nước trên đảo bắt đầu hoạt động hết công suất và cạn kiệt dần theo độ nắng nóng của thời tiết. Có những năm, hầu như tất cả các giếng nước ngọt trên đảo bị nhiễm mặn, trừ một vài giếng, trong đó có giếng Xó La (hay còn gọi là giếng Gia Long) thuộc thôn Đông xã An Vĩnh. Người dân ở xã An Bình (đảo Bé) phải đi tàu sang đảo lớn để lấy nước ngọt. Những ai không có tàu, họ phải mua lại từ các dịch vụ cung cấp nước ngọt với giá cao.
Nước ngọt cho đảo Lý Sơn luôn là đề tài nóng trên bàn nghị sự của các cuộc họp vào mỗi mùa khô hạn. Tỉnh Quảng Ngãi đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây hồ chứa nước ngọt trên miệng núi Thới Lới với hy vọng sẽ cải thiện phần nào về tình trạng thiếu nước ngọt cho người dân An Hải và cánh đồng tỏi ở đây. Tuy nhiên, hồ chứa nước ấy chỉ đủ … làm mát cho đàn bò vẫn chuyên cần gặm cỏ trên đỉnh núi này. Vậy nên người dân đành quay lại với cách tìm nước lâu nay họ đã làm. Đó là đào giếng. Thế nhưng vì sao, chỉ trong một mùa khô hạn năm nay, lượng giếng nước ở Lý Sơn đã tăng vọt trên 650 giếng? Điều ngạc nhiên là, người dân không phải đào giếng quy mô nhỏ như lâu nay mà toàn giếng “khủng”. Có những giếng nước, đường kính 5,5 mét, tiêu tốn trên 150 triệu đồng,! Có những gia đình sở hữu đến 3 giếng nước như vậy. Nhưng điều đáng buồn là, dù số tiền đầu tư rất lớn nhưng lượng nước vẫn không đảm bảo để thỏa cơn khát cho những cánh đồng hành đang cần nước.
Việc mạnh ai nấy đào giếng như thế ở đảo Lý Sơn sẽ dẫn đến một hệ lụy khó lường. Một khi lòng đất bị khai thác cạn kiệt rồi rỗng ruột như thế sẽ là điều kiện thuận lợi để nước mặn từ biển thẩm thấu vào. Những cánh đồng tỏi, hành và ngô trù mật lâu nay sẽ đối mặt với một thảm trạng “mặn hóa” từ đất do chính con người làm nên.
Dân Lý Sơn đã và đang trả giá cho việc khai thác cạn kiệt nguồn cát biển ven bờ để trồng tỏi khiến hòn đảo này ngày một bé lại do nạn xâm thực của thủy triều. Bây giờ lẽ nào lại phải tiếp tục trả giá cho việc mạnh ai nấy đào giếng tìm nước ngọt như vậy?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.