NATO có cố vấn quân sự ở Ukraine, Kyiv tìm thấy nhà viện trợ mới

22/04/2024 11:01 GMT+7

Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Soltenberg cho rằng viện trợ quân sự của Mỹ và NATO cho Ukraine là 'quá muộn', và sự chậm trễ đã gây ra hậu quả trên chiến trường.

Trả lời phỏng vấn của MSNBC News ngày 21.4, Tổng thư ký NATO Jens Soltenberg nói rằng các quốc gia thành viên NATO có cố vấn quân sự tại đại sứ quán tương ứng của họ ở Kyiv và thực hiện vai trò cố vấn.

"Không có kế hoạch cho bất kỳ sự hiện diện chiến đấu nào của NATO ở Ukraine, nhưng tất nhiên một số đồng minh của NATO có những người đàn ông và phụ nữ mặc đồng phục tại đại sứ quán của họ để đưa ra lời cố vấn", ông Stoltenberg nói.

Tổng thư ký NATO phủ nhận kế hoạch đồng minh đến chiến đấu ở Ukraine

"Tôi nghĩ chúng ta cần phân biệt giữa những người mặc đồng phục có mặt tại đại sứ quán và sự hiện diện của lực lượng chiến đấu trên tiền tuyến. Chúng tôi không có kế hoạch hiện diện kiểu đó. Những gì chúng tôi làm ở Ukraine là chúng tôi giúp họ "tự vệ"... Sự hỗ trợ của NATO không phải là từ thiện, mà đó là sự đầu tư vào an ninh của chính chúng tôi", theo ông Stoltenberg.

Tổng thư ký NATO Jens Soltenberg phát biểu trong cuộc họp báo ở Brussels (Bỉ) vào ngày 4.4.2024.

Tổng thư ký NATO Jens Soltenberg phát biểu trong cuộc họp báo ở Brussels (Bỉ) vào ngày 4.4.2024.

REUTERS

Phát biểu của ông Stoltenberg được đưa ra sau khi người phát ngôn Lầu Năm Góc, thiếu tướng Pat Ryder hôm 20.4 nói với tờ Politico rằng Mỹ đang cân nhắc triển khai thêm cố vấn quân sự cho đại sứ quán nước này ở Kyiv. Theo đó, các cố vấn này có thể được giao nhiệm vụ xử lý hậu cần và giúp bảo trì các hệ thống vũ khí do Mỹ cung cấp.

Trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron không loại trừ khả năng NATO sẽ triển khai binh sĩ trên bộ ở Ukraine trong tương lai, nhưng liên minh này cho đến nay vẫn khẳng định rằng họ không tham gia trực tiếp vào chiến sự.

Ông Stoltenberg cho rằng gói viện trợ Ukraine trị giá gần 61 tỉ USD được Hạ viện Mỹ thông qua hôm 20.4 là tin tốt, nhưng sự chậm trễ đã gây ra hậu quả thực sự trên chiến trường, Ukraine đã thất thế trong nhiều tháng nay.

Phía Nga nhiều lần cảnh báo rằng việc cung cấp vũ khí và thiết bị của phương Tây cho Ukraine sẽ không ngăn cản nước này đạt được các mục tiêu quân sự. Đồng thời, Nga nhấn mạnh rằng việc cung cấp thêm vũ khí từ phương Tây chỉ "khiến nhiều người Ukraine thiệt mạng hơn".

NATO đồng ý cung cấp thêm hệ thống phòng không cho Ukraine

Ukraine có nhà viện trợ mới

Theo Yonhap ngày 21.4, Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Choi Sang-mok đã ký thỏa thuận khung về các chương trình cho Kyiv vay 2,1 tỉ USD lãi suất thấp, với người đồng cấp Ukraine Sergii Marchenko, tại Washington vào hôm 19.4.

Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Choi Sang-mok (trái) bắt tay người đồng cấp Ukraine Sergii Marchenko tại Washington (Mỹ) vào ngày 19.4.2024.

Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Choi Sang-mok (trái) bắt tay người đồng cấp Ukraine Sergii Marchenko tại Washington (Mỹ) vào ngày 19.4.2024.

CHỤP MÀN HÌNH YONHAP

Bộ Tài chính Hàn Quốc thông cáo: "Thỏa thuận này nhằm đặt nền tảng pháp lý cho hỗ trợ tín dụng. Hai bên đã đồng ý cùng nhau khám phá các dự án giúp tái thiết và phát triển Ukraine".

Ông Sergii Marchenko nói rằng: "Mặc dù chính phủ Ukraine đã đạt được tiến bộ trong việc tăng doanh thu và vay tiền trong nước, nhưng các biện pháp nội bộ chỉ có tác dụng hạn chế. Trong khi nhu cầu tài chính của Ukraine trong điều kiện xung đột toàn diện là rất lớn, và sự hỗ trợ quốc tế là rất quan trọng".

Năm 2023, Hàn Quốc tuyên bố sẽ cung cấp thêm 2,3 tỉ USD viện trợ cho Ukraine, trong đó 200 triệu USD viện trợ ban đầu sẽ được cung cấp trong năm 2024 dưới hình thức viện trợ nhân đạo để đáp ứng các nhu cầu khẩn cấp ở Ukraine. 2,1 tỉ USD còn lại sẽ được phân bổ vào năm 2025 cho Ukraine dưới dạng các khoản vay dài hạn, lãi suất thấp thông qua Quỹ Hợp tác Phát triển Kinh tế (EDCF) từ năm 2025.

Ukraine cần huy động thêm quân

Tass ngày 21.4 đưa tin, việc thông qua dự luật về huy động lực lượng ở Ukraine là điều kiện tiên quyết để các nước NATO cung cấp vũ khí mới cho Kyiv. Việc cung cấp vũ khí chỉ hợp lý nếu có sẵn một số lượng lớn quân nhân có thể sử dụng những khí tài đó trong các hoạt động phòng thủ và tấn công.

Các ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) dự kiến họp tại Luxembourg vào hôm nay 22.4 để thảo luận về việc cung cấp vũ khí mới cho Ukraine. Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell thúc giục các nước châu Âu tăng cường nỗ lực cung cấp vũ khí cho Ukraine, đặc biệt là phòng không, theo Reuters ngày 22.4.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.