Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) do Mỹ và Liên Xô ký vào năm 1987 quy định 2 nước phải tiêu hủy toàn bộ các tên lửa có khả năng mang theo đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân phóng từ trên bộ có tầm bắn từ 500-5.500 km, có hiệu lực từ năm 1988. Tuy nhiên, Mỹ và Nga đã lần lượt rút khỏi INF sau khi cáo buộc lẫn nhau vi phạm quy định trong đó.
Phía Mỹ cáo buộc Nga vi phạm thỏa thuận khi phát triển tên lửa hành trình 9M729 có tầm bắn vượt mức 500 km. Về phần mình, Moscow nhấn mạnh không vi phạm giới hạn tầm bắn của tên lửa quy định trong INF, đồng thời tố cáo Mỹ đã triển khai một hệ thống tên lửa phòng không ở Đông Âu có thể được chuyển đổi để phóng tên lửa đất đối đất tầm trung tấn công Nga, vi phạm INF.
Trong cuộc họp hôm nay (26.6) của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), các bộ trưởng quốc phòng của những nước thành viên sẽ thảo luận về biện pháp đối phó nếu Nga giữ hệ thống tên lửa mới.
Trước thềm cuộc họp, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói: "Nga không có dấu hiệu nào cho thấy sẽ hủy bỏ hệ thống tên lửa mới. Chúng tôi sẽ phải có phản ứng mạnh mẽ". Ông Stoltenberg từ chối công bố biện pháp cụ thể.
Tuy nhiên, các nhà ngoại giao tiết lộ các bộ trưởng quốc phòng sẽ cân nhắc tăng cường máy bay ném bom Mỹ mang theo đầu đạn hạt nhân, hệ thống phòng thủ tên lửa và tập trận quân sự.
Đáp lại, Thứ trưởng Ngoại giao Nga cảnh báo việc Mỹ đưa các hệ thống tên lửa đến đông Âu, sát biên giới với Nga có thể dẫn đến đối đầu tương tự như cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962, theo TASS.
Đến nay, Moscow vẫn khẳng định không vi phạm INF và không từ bỏ chương trình phát triển tên lửa hành trình 9M729.
Bình luận (0)