Năm ngoái, các thành viên khối quân sự do Mỹ đứng đầu đã đồng ý duy trì 300.000 quân trong trạng thái sẵn sàng triển khai, nhằm mục đích đối phó với một vụ tấn công tiềm tàng từ Nga.
Tuy nhiên, hoạt động huấn luyện đã bộc lộ nhiều vướng mắc liên quan đến thủ tục hành chính và cơ sở hạ tầng, cản trở việc vận chuyển nhanh chóng nhân lực và thiết bị khắp lục địa.
Vì vậy, theo The Telegraph hôm 3.6, giới lãnh đạo quân sự NATO đang nỗ lực đảm bảo việc điều binh sẽ không bị cản trở vì các cuộc tấn công mà Nga có thể tiến hành nhắm vào các cảng mà quân đội Mỹ sử dụng.
Trung tướng Alexander Sollfrank, người đứng đầu Bộ Chỉ huy Hậu cần (JSEC) của NATO, nói: "Rõ ràng là các căn cứ hậu cần khổng lồ, như chúng ta đã biết từ thời chiến tranh Afghanistan và Iraq, không còn khả thi nữa vì chúng sẽ bị tấn công và phá hủy trong giai đoạn đầu nếu xảy ra xung đột".
Bài báo của The Telegraph nhận định đường triển khai chính của binh sĩ Mỹ trong cuộc chiến với Nga sẽ qua cảng Rotterdam của Hà Lan đến Đức và Ba Lan.
Các hành lang thay thế từ Ý, Hy Lạp, và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ lần lượt chạy qua Slovenia và Croatia đến Hungary và qua Bulgaria và Romania. Ngoài ra, còn có kế hoạch huy động Na Uy, Thụy Điển và Phần Lan vào hoạt động hậu cần dự phòng.
Mỹ và các đồng minh cáo buộc Moscow có thể sẽ tấn công NATO và việc cung cấp vũ khí cho Ukraine để chống lại Nga sẽ giúp hoãn hoặc ngăn chặn kết quả này. Moscow bác bỏ cáo buộc này và chỉ trích các chính phủ phương Tây gây ra những mối đe dọa giả để lừa dối người dân về xung đột ở Ukraine.
Giới chức Nga mô tả sự thù địch với Ukraine là một cuộc chiến ủy nhiệm do Mỹ khởi xướng nhằm phá hoại sự phát triển của Nga, trong đó các binh sĩ Ukraine đóng vai trò là "bia đỡ đạn" và phương Tây góp sức với vũ khí, thông tin tình báo, huấn luyện và lập kế hoạch.
Theo Moscow, xung đột trực tiếp với NATO sẽ là mối đe dọa tồn vong đối với Nga khi xét đến ưu thế vượt trội về các lực lượng thông thường của khối quân sự này. Vì vậy, Moscow cảnh báo bất cứ cuộc đụng độ nào cũng sẽ dẫn đến việc triển khai vũ khí hạt nhân theo học thuyết hạt nhân của Nga.
Bình luận (0)