NATO xác nhận tên lửa Ukraine có lẽ đã gây vụ nổ chết người ở Ba Lan
Chính phủ Ba Lan và liên minh quân sự NATO cho biết tên lửa gây ra vụ nổ khiến 2 người thiệt mạng ở Ba Lan có lẽ đã được bắn ra từ hệ thống phòng không Ukraine chứ không phải là do Nga tấn công.
Tự động phát
Thông tin này đã giúp xoa dịu nỗi lo sợ cuộc xung đột ở Ukraine sẽ lan ra toàn khu vực. Tên lửa rơi trúng một cơ sở sấy ngũ cốc ở Ba Lan vào hôm 15.11.
NATO cho rằng Moscow cuối cùng vẫn phải chịu trách nhiệm vì đã khơi mào cuộc chiến và tiến hành một đợt tập kích tên lửa khiến Ukraine phải kích hoạt hệ thống phòng không.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 16.11 cho biết cuộc điều tra về vụ việc đang diễn ra.
"Nhưng chúng tôi không nhận thấy chỉ dấu nào nào cho thấy đây là hậu quả của một cuộc tấn công có chủ ý. Và chúng tôi không nhận thấy dấu hiệu nào cho thấy Nga đang chuẩn bị cho các hành động quân sự chống lại NATO. Phân tích sơ bộ của chúng tôi cho thấy vụ việc có lẽ là do một tên lửa phòng không Ukraine bắn ra để bảo vệ lãnh thổ Ukraine trước các cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình của Nga", ông Stoltenberg cho biết.
Mảnh vỡ được người dân địa phương cho là của tên lửa gây ra vụ nổ ở Ba Lan hôm 15.11 |
reuters |
Các đại sứ NATO đã tổ chức các cuộc thảo luận khẩn cấp để ứng phó với vụ nổ. Đây là lần đầu tiên cuộc xung đột ở Ukraine gây hậu quả chết người trên lãnh thổ của một thành viên NATO.
Ba Lan tỏ dấu hiệu rằng họ có thể không kích hoạt Điều 4 trong hiệp ước của NATO, tức kêu gọi tham vấn khi đối mặt mối đe dọa an ninh.
Trong khi đó, Ukraine yêu cầu được tiếp cận hiện trường vụ nổ. Ông Oleksiy Danilov, một quan chức quốc phòng cấp cao cho biết Kyiv muốn tiến hành một cuộc điều tra chung và tiếp cận những thông tin cung cấp cơ sở cho kết luận của các đồng minh.
Viết trên trang Facebook chính thức của Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine hôm 16.11, ông Danilov cho biết Ukraine có bằng chứng về "dấu vết của Nga" trong vụ việc.Tuy nhiên, ông Danilov không cung cấp thêm chi tiết.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết tên lửa này khó có khả năng được bắn từ Nga. Trong khi đó, Điện Kremlin bình luận rằng một số quốc gia đã đưa ra "tuyên bố vô căn cứ" về vụ việc, nhưng Washington đã tương đối kiềm chế.
Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố ước này không bắn tên lửa nào trong phạm vi 30 km gần biên giới Ba Lan, và các bức ảnh mảnh vụn tên lửa cho thấy đó là các bộ phận tên lửa phòng không S-300 của Ukraine.
Moscow đã tiến hành một đợt tập kích tên lửa dữ dội vào hôm 15.11, chỉ vài ngày sau khi từ bỏ TP. Kherson, thủ phủ duy nhất mà họ giành quyền kiểm soát kể từ đầu xung đột.
Phía Kyiv cho biết đã bắn hạ hầu hết tên lửa Nga bằng hệ thống phòng không của mình.
Bình luận (0)